Sau hơn một năm vận động của Ukraine, trong những tuần cuối trước khi rời Toà Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cho quân đội Kyiv sử dụng loại hoả tiễn tầm xa của Hoa Kỳ, có tên gọi là Hệ thống Hoả tiễn Chiến thuật Lục quân (ATACMS) để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Một số chuyên gia quân sự cho rằng quyết định này đã quá muộn để có thể có được tác động lớn trên chiến trường.
Mặc dù vậy, với loại hoả tiễn ATACMS có thể bay xa từ 100 đến 190 dặm sẽ cho phép quân đội Kyiv tấn công khoảng 200 mục tiêu bao gồm phi trường, kho vũ khí, trung tâm huấn luyện và đường tiếp liệu, theo một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Washington.
Việc cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tấn công vào Nga sẽ nâng tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine hiện đã quá mệt mỏi, và trong những tuần lễ gần đây đã phải rút lui tuy chậm nhưng đều đặn trước quân đội Nga đông người hơn và được trang bị tốt hơn. Tác động của hoả tiễn ATACMS trên chiến trường nhiều hay ít là còn tuỳ thuộc vào số lượng hoả tiễn mà Hoa Kỳ gửi đến cho Kyiv và liệu quân đội Moscow có thể thích nghi để ngăn cản trước khi Ukraine làm suy yếu đáng kể đến lực lượng của họ hay không.
Trong nhiều tháng qua, Hoa Kỳ đã bác bỏ lời khẩn khoản của Ukraine xin phép sử dụng ATACMS sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga, vì lo ngại Moscow có thể sẽ leo thang chiến tranh. Tuy nhiên, việc Bắc Hàn đưa quân đội của họ tới để hỗ trợ cho Nga đã là yếu tố khiến Washington phải thay đổi ý kiến.
Tác động của ATACMS
Sự thận trọng của Washington về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vẫn luôn đi theo một lối mòn quen thuộc từ gần 3 năm qua kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, với các cuộc thảo luận giữa các cố vấn và các nhà lãnh đạo thường kéo dài, nhiều khi còn đưa ra những bình luận công khai, và điều này đã cho phía Nga có đủ thời gian để chuẩn bị cho những hệ thống phòng thủ mới để chống lại vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp một khi Hoa Kỳ bật đèn xanh cho Ukraine.
Thời gian phê duyệt kéo dài cho phép Nga di chuyển một số mục tiêu có giá trị cao nhất như máy bay và trực thăng ra khỏi tầm bắn của ATACMS. Tuy nhiên, Ukraine vẫn có thể sử dụng ATACMS để tấn công hàng trăm mục tiêu tiềm năng khác. Cho đến trước thời điểm hiện tại, Nga vẫn có thể đưa quân và kho tiếp viện quân nhu của họ đến gần khu vực tiền tuyến mà không sợ bị bắn phá. Nhưng nay, các kho đạn dược, phi trường và các khu vực để dàn quân trước khi tấn công đều nằm trong tầm bắn của ATACMS.
ATACSM và khu vực Kursk
Trong tương lai gần, Ukraine có thể đưa hoả tiễn ATACMS vào Kursk, khu vực thuộc Nga mà Ukraine chiếm được một phần hồi tháng 8 và hiện đang phải đối mặt với cuộc phản công dữ dội từ Nga. Chính tại Kursk, Nga đang tập trung quân đội, vũ khí và thiết bị, bao gồm khoảng 50,000 quân Nga và khoảng 10,000 tân binh Bắc Hàn. Việc kiểm soát khu vực này có thể rất quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai, mà Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng ông muốn thực hiện để có thể đưa tới thoả thuận chấm dứt chiến tranh.
Nếu được đưa vào Kursk, hoả tiễn ATACMS có thể buộc Nga phải di rời các khu vực dàn quân xa hơn khỏi tiền tuyến. Hiện tại, quân đội Nga có thể đưa quân tấn công rất nhanh chóng, với phần lớn vũ khí và thiết bị được bố trí thành các vị trí tấn công cách tiền tuyến chỉ từ 20 đến 30 dặm, nằm ngoài tầm bắn của Himars, một hệ thống hoả tiễn tầm ngắn mà Ukraine đã được phép sử dụng từ hơn năm nay. Nếu các vũ khí và thiết bị đó được di chuyển ngược trở lại sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga để tránh các cuộc tấn công của ATACMS, quân đội Nga sẽ mất nhiều giờ để đến được tiền tuyến, và điều này sẽ cho phía Ukraine có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và lập chiến lược tấn công của họ.
Các mục tiêu có khả năng gây tác động cao khác đối với hoả tiễn ATACMS là các phi trường nơi làm bãi đậu của các loại máy bay ném bom và trực thăng tấn công. Việc nhắm mục tiêu vào các phi trường đó sẽ giúp Ukraine giảm bớt được một số cuộc ném bom rất tàn khốc bằng loại bom lượn (glide bomb) lớn của phía Nga được phóng đi từ máy bay đậu ở các phi trường nói trên.
Giai đoạn mới
Cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang nhanh chóng và khó lường. Với việc Ukraine được phép sử dụng hỏa tiễn ATACMS để tấn công vào sâu trong nội địa nước Nga, ông Vladimir Putin một lần nữa lại đưa ra lời đe dọa có thể sử dụng vũ khí nguyên tử. Mặc dù mấy tháng qua Nga đã chiếm thêm được một số lãnh thổ ở khu vực miền đông Ukraine, được xem là thành quả lớn nhất họ đạt được trong hơn 2 năm, nhưng đã phải trả giá khá đắt là hy sinh hàng nhiều nghìn quân.
Đồng thời, việc kết thúc chiến tranh dường như đang đến gần hơn bao giờ hết. Tổng thống đắc cử Donald Trump trong thời gian tranh cử đã đưa ra lời hứa là sẽ đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1. Với mức độ phụ thuộc quá lớn của Ukraine vào Hoa Kỳ, ông Trump có thể buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận.
Những điều nêu trên – như tình trạng chiến tranh leo thang gần đây và khả năng kết thúc chiến tranh – có liên quan với nhau. Khi Nga và Ukraine chuẩn bị cho một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra, cả hai bên đang nỗ lực để đạt được vị thế đàm phán có lợi hơn cho họ. Điều thực tế trước mắt đó đã khởi đầu cho một giai đoạn nguy hiểm và cấp bách của cuộc chiến, mặc dù giai đoạn này có thể chỉ kéo dài trong vài tháng sắp tới.
Nghịch lý hòa bình
Chính phủ Donald Trump đang chuẩn bị lên nắm quyền và cá nhân ông Trump muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Có nhiều khả năng ông Trump sẽ làm áp lực buộc cả hai phía Ukraine và Nga phải ngồi vào bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nào đó, thậm chí ngay cả khi Ukraine không giành lại được lãnh thổ trong quá trình đàm phán này.
Để giành được vị trí đàm phán tốt nhất, Ukraine phải giữ được vùng lãnh thổ Kursk để có thể làm món hàng trao đổi để lấy lại một phần lãnh thổ ở phía đông do Nga đang chiếm giữ. Nói cách khác, tiếng nói của Ukraine mạnh hay yếu tại bàn đàm phán phụ thuộc vào việc họ có thể chống trả lại quân đội Nga và Bắc Hàn trong những tháng tới hay không trong khi hai đội quân này đang hợp lực để cố chiếm lại khu vực Kursk.
Nga cũng đang cố gắng để đạt được vị thế tốt hơn cho họ. Quân Nga đang cố gắng tiến sâu hơn vào khu vực miền đông Ukraine mặc dù chịu nhiều tổn thất lớn. Theo ước tính của một số chuyên gia phương Tây, tính đến tháng 10 vừa qua, cuộc chiến đã khiến từ 600,000 đến 700,000 quân Nga tử trận hoặc bị thương. Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược tàn bạo thí quân của họ vì biết rằng mỗi phân vuông đất họ chiếm được hiện nay đều có thể được giữ lại mãi mãi.
Điều nghịch lý ở đây là hòa bình có thể sắp đến gần, nhưng cuộc chiến Ukraine có thể trở nên đẫm máu hơn trong thời gian tới khi cả hai bên đều cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho họ.
VH