Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Washington hôm thứ Ba 12/12 để gặp và thảo luận với Tổng thống Joe Biden và các thành viên quốc hội, với hy vọng thuyết phục họ tiếp tục gửi vũ khí, quân xa, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Ukraine. Nếu viện trợ của Hoa Kỳ không được tiếp tục, Ukraine có thể cạn kiệt vũ khí vào năm tới.

Getty Images 

Sự hiện diện của ông Zelensky tại Washington đã nói lên nỗi lo sợ của ông rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho cuộc chiến hiện đang gặp nhiều thử thách. Sự hỗ trợ của các quốc gia Tây Âu cũng không có gì gọi là vững chắc. Chính phủ Hungary có thể sẽ phủ quyết nghị quyết của Liên Âu về gói viện trợ sắp tới, trong khi chính phủ Đức cũng đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho những cam kết của họ. Không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh, một điều chắc chắn là Ukraine khó có thể đứng vững.

Cuộc tấn công mùa đông và nội tình nước Nga

Cuộc chiến tại Ukraine đang sắp sửa bước qua năm thứ ba. Nhìn lại năm 2023, có hai sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc chiến cần được nói tới. Thứ nhất là cuộc tấn công của Nga bắt đầu từ mùa đông trước kéo dài trong nhiều tháng và cuối cùng họ chiếm được thành phố Bakhmut nằm ở phía đông nam của Ukraine. Nhưng đến tháng 5 bất ngờ thủ lãnh Yevgeny Prigozhin tuyên bố rút đoàn quân Wagner của ông ta ra khỏi một Bakhmut đã hoàn toàn đổ nát. Việc giành quyền kiểm soát Bakhmut đã khiến Wagner phải trả một giá khá đắt, với khoảng 20,000 binh sĩ bị thiệt mạng, hầu hết trong số họ là những tù nhân được Prigozhin tuyển dụng từ trong các nhà tù ở Nga.

Đây là thành công duy nhất của cuộc tấn công của Nga hòng chiếm thêm một số lãnh thổ. Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng Prigozhin đã nổi loạn khi điện Kremlin quyết định không sử dụng ông ta nữa và ra lệnh sáp nhập tổ chức Wagner vào với quân đội chính quy của Nga. Cuộc binh biến đã bộc lộ những rạn nứt giữa giới lãnh đạo chính trị và quân sự Nga. Điện Kremlin cuối cùng đã ám sát Prigozhin, nhưng sự bất mãn của giới lãnh đạo quân đội đối với cách điều hành cuộc chiến của Putin cho thấy những rắc rối có thể xảy ra trong tương lai.

Cuộc chiến Ukraine còn kéo dài – Bakhmut sau khi quân đội Nga chiếm quyền kiểm soát – AP

Cuộc phản công của Ukraine

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Sự thất bại của cuộc tấn công của Nga đã mở cửa cho cuộc phản công của Ukraine vào tháng 6. Và với kết quả như ta thấy đã đẩy cuộc chiến rơi vào tình trạng bế tắc. Kể từ bắt đầu cuộc phản công cho đến nay, Ukraine chỉ thu hồi lại được chưa đầy 200 dặm vuông đất. Nga đã cố gắng ổn định chiến tuyến của họ bằng cách đưa thêm ít nhất 300,000 binh lính và sĩ quan tăng cường cho quân đội Nga. Trong khi Ukraine, ngoài việc bị áp đảo về quân số, 3 đối 1, lại thiếu sự vượt trội và thậm chí thường chỉ ngang bằng về hỏa lực, đó là chưa kể về không quân thì gần như không có.

Mặc dù Ukraine đã nhận được viện trợ xe tăng và các loại chiến xa khác cũng như hoả tiễn phòng không nhưng họ lại không nhận được chiến đấu cơ F-16 mà họ yêu cầu cũng như loại hoả tiễn tầm xa ATACMS của Hoa Kỳ. Sự chậm trễ trong việc cung cấp những loại vũ khí quan trọng này có nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có sự bất đồng giữa các chỉ huy NATO và Ukraine về những loại vũ khí nào cần thiết cho chiến trường và thời gian chuyển giao, tranh cãi giữa các đồng minh về việc ai sẽ cung cấp loại vũ khí nào (đặc biệt là cuộc tranh chấp công khai giữa Hoa Kỳ và Đức về việc cung cấp loại xe tăng Leopard và Abrams), và Toà Bạch Ốc còn tỏ ra lo ngại về việc vượt qua làn ranh đỏ của Putin và kích động chiến tranh nguyên tử.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tình hình của năm 2024

Một điều cho thấy những nỗ lực từ chính phủ Biden nhằm ngăn chặn chiến tranh leo thang chắc chắn sẽ góp phần kéo dài chiến tranh, có thể qua hết năm 2024 và hơn thế nữa.

Thêm nữa, các trận chiến trong năm 2024 sẽ diễn ra trong bối cảnh của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của cuộc chiến Ukraine cũng giống như một cuộc tấn công hay phản công vậy. Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất của phương Tây cho Ukraine và chỉ đứng sau Liên Âu về hỗ trợ tài chính cho chính phủ Kyiv. Bất kỳ sự bất ổn chính trị nào ở Washington cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine từ Hoa Kỳ.

Theo nhận định của một số phân tích gia, Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược vào một thời điểm nào đó trong năm tới. Tuy nhiên, cần phải mất một thời gian để các đồng minh phương Tây của Ukraine gia tăng việc sản xuất đạn dược. Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi sản lượng một số loại đạn pháo, nhưng vẫn còn khá lâu nữa mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của mặt trận Ukraine.

Trong khi đó, Liên Âu khó có thể giữ đúng cam kết cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine. Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel và có khả năng khơi động một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine.

Một điều chắc chắn là Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung cấp đạn dược của họ, nhưng Nga đã có thể lấp đầy khoảng thiếu hụt đó với sự trợ giúp của Bắc Hàn, là quốc gia đã cung cấp cho Moscow một triệu quả đạn pháo trong thời gian qua. Ngoài ra, ông Putin cũng phần nào thành công trong việc luồn lách lệnh cấm vận của phương Tây, ổn định được nền kinh tế Nga và huy động ngành công nghiệp của họ cho nhu cầu thời chiến.

Tổng thống Zelensky thăm Washington, gặp các thành viên quốc hội – The Strait Times

Ukraine không thể thua

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Trong khi năm 2023 đang bước vào những ngày cuối cùng, ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngừng bắn và cuối cùng là giải pháp “đổi đất để lấy hòa bình”.

Tuy nhiên, một kết quả như vậy sẽ không mang lại ổn định hay hoà bình lâu dài trong khu vực. Trong khi Ukraine cùng các đồng minh của họ thảo luận về một “công thức hòa bình”, điện Kremlin vẫn nhất quyết đòi phải đạt cho được tất cả các mục tiêu ban đầu của họ.

Ukraine không thể thua cuộc chiến này bởi vì sự tồn tại của đất nước và dân tộc Ukraine phụ thuộc vào kết quả của nó. Và kết thúc chiến tranh bằng một hiệp định đình chiến đưa đến việc mất lãnh thổ và mất dân và không được trở thành thành viên của NATO thì cũng không khác gì là chấp nhận chịu thua cuộc chiến tranh này vậy.

Ukraine đã từng bị đặt vào vị trí như vậy trước đây, đó là khoảng thời gian 2014-2015, khi các thỏa thuận Minsk đã không đem đến hòa bình mà còn mang lại cho Nga khả năng xây dựng một quân đội mạnh hơn và đã trở lại gây chiến ít năm sau đó.

Ukraine thua cũng có nghĩa là một thất bại lớn cho Hoa Kỳ và đồng minh. Và quan trọng hơn, thành công của Nga ở Ukraine sẽ làm gia tăng mối đe dọa đối với sườn phía Đông của NATO, đặc biệt là các nước vùng Baltic và Ba Lan. Bên ngoài Châu Âu, sự thành công đó sẽ khuyến khích các đồng minh của Moscow như Iran và Bắc Hàn gây rối và cung cấp cho Trung Quốc một bản mẫu về một giải pháp quân sự cho cuộc tranh chấp Đài Loan.

Nói thế để thấy rằng kết quả của cuộc chiến tại Ukraine sẽ xác định phần nào tương lai của thế giới: ổn định trong một thời gian hay lại tiếp tục thêm bất ổn.

VH