Vào tháng 12 năm 2020 khi chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 bắt đầu được phát động trên toàn quốc Hoa Kỳ, Tổng thống đắc cử Joe Biden lúc đó tuyên bố ông sẽ không bắt buộc bất cứ ai phải chích ngừa nếu không muốn.

Chích hay không chích – nguồn Lawfareblog.com 

Nay ông Biden thay đổi ý kiến, và hôm thứ Năm tuần qua, đã ra lệnh bắt buộc tất cả các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang, cũng như cho các bệnh viện, các trường học công lập và khoảng 80 triệu nhân viên của các công ty tư phải chích ngừa. Theo kế hoạch của Toà Bạch Ốc, các công ty có hơn 100 người phải yêu cầu nhân viên của họ hoặc là chích ngừa hoặc là nộp kết quả khám nghiệm mỗi tuần – là một gánh nặng mà đối với nhiều doanh nghiệp, đây không phải là sự lựa chọn hợp lý. Công ty nào không tuân thủ quy định mới có thể bị phạt $14,000 cho mỗi lần vi phạm.

Quy định mới này hiện đang là điều gây tranh cãi, phản bác và chắc chắn sẽ đưa tới nhiều vụ kiện tụng. Công bằng mà nói, kế hoạch này của Toà Bạch Ốc trong một ý nghĩa nào là có chủ đích tốt. Thuốc chủng đã được thử nghiệm và là chiến lược thật sự duy nhất để đánh bại Covid. Trách nhiệm của các giới chức chính phủ là nên khuyến khích việc chích ngừa và tạo điều kiện dễ dàng hơn để được chích ngừa. Các giới chức y tế phải tiếp tục kiên nhẫn thuyết phục người dân về thuốc chủng bằng cách nhấn mạnh tới những mặt tích cực: Chích ngừa làm giảm sự lây lan của vi khuẩn và giúp ngăn ngừa khả năng nhập viện cũng như tử vong xuống gần như con số không. Thuốc chủng có thể bảo vệ sức khoẻ cho người dân một cách hữu hiệu đến độ mà các số liệu gần đây cho thấy 99 phần trăm các trường hợp tử vong do vi khuẩn corona gây ra tại Hoa Kỳ là ở trong nhóm dân số chưa tiêm chủng. Chích ngừa mang lại hiệu quả và đó là lựa chọn phù hợp cho đại đa số người dân Mỹ.

Nhưng bắt buộc tiêm chủng với nhóm thiểu số những người không muốn chích ngừa có thể là một sai lầm lớn có nguy cơ phá vỡ cấu trúc xã hội của một quốc gia mà trong mấy năm qua vốn đã bị chia rẽ trầm trọng bởi những quan điểm chính trị khác nhau.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong khi có hơn 70 phần trăm người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã nhận ít nhất một liều thuốc chủng, một nhóm thiểu số khá đông, vì lý do này hay lý do khác, đến nay vẫn chưa chích ngừa. Theo các số liệu gần đây cho thấy một số người trong nhóm thiểu số này đã có sẵn chất kháng thể do đã từng bị nhiễm Covid trước đây và có khả năng bảo vệ sức khoẻ cho họ để tránh bị nhiễm bệnh trong tương lai. Bắt buộc những người này cũng phải chích ngừa thực ra không mang lại lợi ích gì mà còn có thể là một sai lầm về mặt chính trị.

Những cá nhân chưa chích ngừa và chưa từng bị nhiễm Covid chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ việc chích ngừa. Nhưng phương pháp cưỡng chế có thể sẽ đưa tới phản ứng ngược. Hầu hết những người Mỹ chưa chích ngừa – mà phần đông trong số này cương quyết không chịu chích vì một sự tin tưởng rằng thuốc chủng gây nguy hiểm – có lẽ sẽ không thay đổi ý kiến chỉ vì chính quyền ép buộc họ. Trái lại, chính sách bắt buộc của chính phủ liên bang có thể lại được coi là một sự xác nhận cho những nghi ngờ của họ rằng thuốc chủng không liên quan đến sức khỏe của họ mà chỉ là cách để chính quyền thắt chặt việc kiểm soát xã hội.

Người biểu tình chống lệnh bắt buộc chích ngừa Covid – nguồn AP

Trên thực tế, chính sách bắt buộc chích ngừa của liên bang sẽ gặp sự phản đối và không thể tránh khỏi những vụ kiện tụng. Ðã có trường hợp người không chịu chích ngừa thưa kiện cơ sở nơi họ làm việc khi cơ sở này đòi hỏi họ phải chích ngừa. Ðó là trường hợp của ông Todd Zywicki – một giáo sư luật tại Ðại học George Mason – là người từng bị nhiễm Covid, đã bình phục và có chất kháng thể trong người, mới đây đã kiện viện đại học bắt buộc các nhân viên phải chích ngừa và đã thắng kiện. Nhiều thống đốc đảng Cộng hoà chắc chắn sẽ thưa kiện ông TT. Biden và chính phủ liên bang về chính sách chích ngừa mới này.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Quy định mới về chích ngừa của liên bang đưa ra là dựa trên luật có tên là Tiêu chuẩn Tạm thời cho Trường hợp Khẩn cấp của Cơ quan quản lý An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp (OSHA) thuộc Bộ Lao động. Nhưng quy định bắt buộc áp đặt lên các cơ sở kinh doanh trên toàn quốc là điều không cần thiết trong một quốc gia tự do như Hoa Kỳ.

Nhiều cơ sở kinh doanh lớn trên thực tế đã đòi hỏi nhân viên của họ phải chích ngừa hoặc xét nghiệm thường xuyên, và một số đã cho nhân viên tiền thưởng để khuyến khích họ chích ngừa. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh còn đang lưỡng lự trong việc bắt buộc nhân viên có cần chích ngừa hay không là vì họ tôn trọng sự lựa chọn và trách nhiệm của mỗi nhân viên hoặc vì lo ngại một số nhân viên có thể bỏ việc. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong việc mướn người mà lý do được cho là từ hậu quả của chính sách trợ cấp thêm cho người thất nghiệp kéo dài. Nhưng TT. Biden lại xem đó là vấn đề của người khác chứ không phải của ông.

Trong lúc còn đang tranh cử hồi mùa Thu năm ngoái, ứng cử viên Joe Biden hứa là sẽ “tiêu diệt con vi khuẩn”, và tháng 6 vừa qua đã vội vã tuyên bố chiến thắng mà nay bị xem là đã bị hố.

Tỷ lệ chống và ủng hộ bắt buộc chích ngừa nơi làm việc theo từng nhóm tuổi – nguồn Fortune.com

Trong khi đó đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ thì câu hỏi ở đây là có cần thêm một liều tăng cường thứ ba hay không? Câu trả lời là có lẽ cần, là vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc chủng giảm dần sau một thời gian, đặc biệt là với những người lớn tuổi, và thuốc chủng để bảo vệ chống lại biến thể Delta cũng yếu hơn. Ðó là lý do tại sao chính phủ liên bang đã ra thông cáo là sẽ phát động chiến dịch chích mũi tăng cường sớm nhất là vào cuối tháng 9 này.

Xem thêm:   Chó...

Kết quả nghiên cứu của phân khoa y tế thuộc Ðại học California San Diego đưa ra vào cuối tháng 8 cho thấy hiệu quả thuốc chủng chống nhiễm bệnh có triệu chứng giảm từ 94 phần trăm trong tháng 6 xuống còn 65 phần trăm trong tháng 7 trong khi biến thể Delta lây lan mạnh.

Chính phủ Israel đã bắt đầu phân phối liều tăng cường để chích cho công dân của họ kể từ trung tuần tháng 7, và nhiều bằng chứng cho thấy liều tăng cường làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh rất cao. Trong một buổi họp liên quan tới Covid tại Toà Bạch Ốc, bác sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh đến một nghiên cứu mới từ Israel cho thấy mũi chích tăng cường của Pfizer làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh và bệnh nặng đối với nhóm người trên 60 tuổi là hơn 10 lần.

Một nghiên cứu khác của Israel cũng cho thấy liều thuốc thứ ba của Pfizer giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ 70 đến 84 phần trăm sau từ 14 đến 20 ngày.

Bác sĩ Fauci cũng nói thêm là ông sẽ không ngạc nhiên để tin rằng “để được tiêm chủng đầy đủ có thể sẽ là 3 liều” bởi vì liều tăng cường vài tháng sau khi đã tiêm chủng đầy đủ cho phép hệ miễn dịch có thêm cơ hội phát triển. Những loại thuốc chủng cho viêm gan B và mụn cóc sinh dục (HPV) cũng đòi hỏi liều thứ ba  6 tháng sau khi chích hai liều đầu tiên.

Thế nên ta có thể tin chắc là Toà Bạch Ốc rất muốn phát động chiến dịch chích mũi tăng cường càng sớm càng tốt để hòng có thể kiểm soát được tình trạng nhiễm Covid một cách hữu hiệu hơn. Tình trạng lây lan của con vi khuẩn biến thể Delta đã làm tiêu ma lời hứa hẹn của Tổng thống Biden về ngày 4 tháng 7 năm nay sẽ là ngày giải phóng người dân Mỹ thoát khỏi Covid, và tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với TT. Biden cũng vì thế đã bị Covid dìm xuống thấp thậm chí trước khi vụ thất bại thảm hại tại Afghanistan và nay chỉ còn, theo thăm dò, xấp xỉ khoảng 40 phần trăm.

VH