Cứ mỗi hai năm nước Mỹ lại tổ chức bầu cử một lần: bầu cử giữa kỳ và tổng tuyển cử. Trên bình diện quốc gia, cuộc bầu cử giữa kỳ là để chọn các vị dân cử tại quốc hội bao gồm tất cả các dân biểu tại hạ viện (nhiệm kỳ hai năm) và một số thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ sáu năm). Trong khi tổng tuyển cử được tổ chức vừa để bầu chọn các vị dân cử tại quốc hội và đồng thời cũng để bầu chọn tổng thống. Thế nên, vì lý do đó, những năm có tổng tuyển cử vẫn được chú ý hơn, và cũng vì vậy, sôi nổi hơn. Và năm nay là năm có tổng tuyển cử.

nguồn newmarketnh.gov  

Có thể nói nước Mỹ không lúc nào là không có tranh cử. Ðặc biệt là với các ứng cử viên tổng thống thường phải mất rất nhiều năm chuẩn bị, nhất là khoảng thời gian hai năm trước ngày bầu cử, để họ có thì giờ đi vận động tranh cử, gây quỹ, rồi trải qua các cuộc bầu cử sơ bộ, và nếu thắng, sẽ được đảng đề cử đại diện cho đảng tranh cử chức tổng thống. Nói như vậy để thấy tranh cử tổng thống ở Mỹ là một tiến trình mất rất nhiều năng lực và thì giờ, nhưng là một thử thách cần thiết cho bất cứ ai bởi vì khi thắng cử rồi thì công việc của tổng thống Mỹ còn khó khăn gấp bội.

Cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã được hâm nóng bởi các cuộc bầu cử sơ bộ từ hai tuần qua, và theo truyền thống, bắt đầu bằng hai tiểu bang tương đối nhỏ là Iowa và New Hamshire, và được chú ý hơn cả là cuộc chạy đua của các ứng cử viên Ðảng Dân chủ bởi vì ai cũng biết trước Tổng thống Donald Trump sẽ thắng sơ bộ và đại diện cho Ðảng Cộng hoà. Ðiều người ta chưa biết là ai sẽ đại diện cho Ðảng Dân chủ để đối đầu với Tổng thống Trump.

Mặc dù Iowa và New Hampshire là hai tiểu bang tương đối nhỏ, và hơn nữa, 90 phần trăm là cử tri da trắng, nhưng hai tiểu bang này theo truyền thống lâu nay vẫn giữ một vai trò quan trọng là tái định hình vị trí của các ứng cử viên và ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử sơ bộ sau đó.

Một trong những vai trò quan trọng của hai tiểu bang này là xoá đi những nghi ngờ thắc mắc về một ứng cử viên. Như Iowa đã từng làm trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008 sau khi cử tri Dân chủ ủng hộ Barack Obama và chứng tỏ cho thấy một tiểu bang hầu như là da trắng nhưng vẫn có thể ủng hộ cho một ứng cử viên da đen làm tổng thống.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Cử tri Iowa năm nay tiếp tục giữ cùng vai trò đó sau khi bầu cho ứng cử viên đồng tính là ông Pete Buttigieg, thị trưởng thành phố South Bend, Indiana, với 26.1% phiếu. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont nhận được 26%. Vậy, nước Mỹ đã sẵn sàng cho một tổng thống đồng tính chưa? Chúng ta sẽ phải chờ cho đến cuối năm nay mới biết câu trả lời.

Một vai trò khác của hai tiểu bang bầu sơ bộ sớm nhất này là lập ra một cái khung mà qua đó cử tri toàn quốc có thể nhìn rõ hơn quan điểm chính trị và thế đối đầu của mỗi ứng cử viên – có thể là một nhân vật mới xuất hiện đụng với một nhân vật kỳ cựu, hoặc có thể là một nhân vật có quan điểm trung dung đụng với một nhân vật có quan điểm cực đoan.

Một số ứng cử viên Dân chủ tại một cuộc tranh luận – nguồn Getty Images

Nếu như xu hướng hiện tại còn tiếp tục, cử tri có thể sẽ được chứng kiến cuộc bầu sơ bộ của Ðảng Dân chủ là sự lựa chọn giữa một ứng cử viên trung dung và một ứng cử viên nặng về ý thức hệ và có phần nào khá cực đoan – đó có thể là cuộc đối đầu giữa ông Buttigieg và ông Sanders, một trong những ứng cử viên có tư tưởng cấp tiến nhất. Ðây cũng là hai ứng cử viên về đầu tại Iowa và New Hampshire.

Kết quả hai cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa và New Hampshire có thể nói đã làm thay đổi đáng kể hướng đi của cuộc chạy đua tổng thống trong Ðảng Dân chủ.

Cho tới đầu Tháng 2 này, trong các cuộc thăm dò toàn quốc, cựu Phó Tổng thống Joe Biden vẫn luôn là người dẫn đầu, bỏ tương đối khá xa ông Sanders, trong khi ông Buttigieg đứng thứ năm. Nay, dựa trên số đại biểu (delegates) của hai tiểu bang trên, ông Buttigieg và ông Sanders đang dẫn đầu – còn ông Biden đứng thứ năm.

Trong khi Iowa và New Hampshire chỉ chiếm ít hơn 2% trong tổng số đại biểu toàn quốc, kết quả của hai cuộc bầu sơ bộ ở đó thường ảnh hưởng đến các cuộc thăm dò trên toàn quốc sau đó.

Hai tiểu bang kế tiếp bầu sơ bộ là Nevada vào ngày 22 Tháng 2 và South Carolina vào ngày 29 Tháng 2 có thể còn làm thay đổi cục diện của cuộc đua nhiều hơn nữa.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Ðây là hai tiểu bang đặc biệt quan trọng đối với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, với chiến thắng tại Nevada có thể đẩy ông cao hơn nữa trong vị trí dẫn đầu, và đối với Phó Tổng thống Joe Biden, hiện đang rất cần sự ủng hộ mạnh tại South Carolina.

Tuy nhiên, ngày Siêu Thứ Ba mới gọi là ngày quan trọng nhất của bầu cử sơ bộ – và nó có thể là đoạn cuối của con đường tranh cử của nhiều ứng cử viên.

Với 14 tiểu bang sẽ đồng loạt tổ chức bỏ phiếu vào ngày 3 Tháng 3, trong đó có California với 415 đại biểu, là số đại biểu đông nhất được gửi đi dự Hội nghị Toàn quốc Ðảng Dân chủ, và Texas với 228 đại biểu.

Ðể có thể nhìn thấy rõ hơn sự quan trọng của ngày Siêu Thứ Ba, với hai ứng cử viên đang dẫn đầu là Thị trưởng Buttigieg, được 22 phiếu đại biểu, và Thượng nghị sĩ Sanders, được 21 phiếu, thì tổng số phiếu đại biểu của ngày Siêu Thứ Ba là 1,357 – chiếm 33.5% trên tổng số phiếu đại biểu toàn quốc là 4,051.

Nhưng ngày bầu sơ bộ này còn được coi là quan trọng với những lý do vượt ra ngoài bài toán đại biểu.

Ðây là lần đầu tiên cựu Thị trưởng New York là Michael Bloomberg sẽ xuất hiện trên lá phiếu. Kể từ khi bắt đầu tranh cử vào cuối Tháng 11, ông Bloomberg đã chi tiền khá nhiều, hầu hết là từ tiền túi, và được phỏng đoán chỉ riêng quảng cáo đã tiêu hết $350 triệu – và nhờ vậy đã nâng ông lên trong các cuộc thăm dò toàn quốc.

Theo con số thăm dò trung bình toàn quốc của RealClearPolitics, hiện ông Bloomberg đang đứng thứ ba, với 14% ủng hộ. Liệu kết quả của ngày Siêu Thứ Ba có thể đưa ông lên thành ứng cử viên đứng đầu hay không.

Pete Buttigieg vận động tranh cử tại Iowa – nguồn AP

Tuy nhiên, ông Bloomberg không hẳn là ứng cử viên duy nhất đang phải đối diện với ngày phán xét trên.

Cho đến nay có thể nói cuộc vận động của ông Joe Biden gây nhiều thất vọng nhất. Thậm chí nếu ông thắng tại South Carolina – và điều này vẫn chưa chắc – thì ông phải giữ được đà chiến thắng này để bước vào ngày Siêu Thứ Ba. Bằng không, điều mà ông vẫn tự nhận là ứng cử viên có khả năng được bầu chọn nhất trong số các ứng cử viên thuộc Ðảng Dân chủ sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người từng dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò toàn quốc vào Tháng 10 trước khi mất dần sự ủng hộ, cũng có thể sẽ phải đối diện với đoạn kết của cuộc vận động tranh cử trừ khi bà đạt được một vài chiến thắng thật sự.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Gần đây, Warren nhấn mạnh đến cuộc tranh cử của bà là nhắm tới đường dài. Bà cũng đã tìm cách xác định vị trí như là một ứng cử viên đoàn kết trong đảng. Tuy nhiên, bà có thể thuyết phục được cử tri Dân chủ hay không thì ngày Siêu Thứ Ba sẽ có câu trả lời.

Hiện nay còn quá sớm để đoán trước ứng cử viên nào có nhiều khả năng nhất để thắng cuộc bầu cử sơ bộ của Ðảng Dân chủ. Nhưng một điều rõ ràng là các đài truyền hình địa phương đang thắng lớn và sẽ còn thắng lớn hơn nữa trong những ngày sắp tới. Một phần là vì trong cuộc bầu sơ bộ năm nay, Ðảng Dân chủ có hai ứng cử viên tỷ phú chi tiền khá mạnh từ tiền túi của họ. Theo Advertising Analytics, chỉ riêng cuộc bầu cử tại New Hampshire, ứng cử viên tỷ phú Tom Steyer của California đã chi khoảng $17.8 triệu cho quảng cáo, trong khi Michael Bloomberg cũng đã chi khoảng $5.6 triệu.

Ðiều đáng nói là Bloomberg thậm chí không có tên trên phiếu bầu tại New Hampshire nhưng vẫn chi cho quảng cáo nhiều hơn Bernie Sanders (chi khoảng $5.3 triệu). Ðứng sau Sanders là Pete Buttigieg với khoảng $5.2 triệu.

Ông Steyer đứng thứ sáu trong kết quả cuộc bầu sơ bộ tại New Hampshire với 3.6% số phiếu. Tính ra ông chi khoảng $1,671 cho mỗi lá phiếu.

Tiền chi cho quảng cáo của ông Sanders đạt được nhiều hiệu quả nhất. Ông thắng cuộc bầu sơ bộ với 25.7% số phiếu, vị chi là mất khoảng $70 cho mỗi phiếu.

Cũng theo Advertising Analytics, trên toàn quốc, ông Bloomberg cho đến nay đã chi tổng cộng khoảng $350 triệu cho các quảng cáo truyền hình, và con số này được dự tính sẽ tăng lên từ $700 đến $800 triệu cho đến ngày Siêu Thứ Ba. Riêng ông Steyer cho đến nay cũng đã chi tổng cộng khoảng $160 triệu.

Advertising Analytics dự đoán tổng số tiền chi cho quảng cáo trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, từ sơ bộ cho đến khi bước vào Toà Bạch Ốc, là khoảng $6 tỷ, nhưng đó là con số được đưa ra trước khi ông Bloomberg bước vào cuộc đua. Ông cho biết dự tính sẽ chi khoảng $1 tỷ từ tiền túi của ông cho cuộc tranh cử.

Nhìn chung, bầu cử ở Mỹ không chỉ mất nhiều thì giờ và năng lực mà còn rất tốn kém. Nhưng đó là cái giá cho cuộc chơi dân chủ: minh bạch và tương đối bình đẳng.

VH

Arlington, TX