Người Anh đến Trung Hoa vào cuối thế kỷ 17 cùng với tham vọng đế quốc và mở rộng thương mại. Sau hai cuộc chiến tranh nha phiến, họ chiếm lấy chủ quyền Hồng Kông từ triều đình Mãn Thanh, rồi qua một hoà ước, Vương quốc Anh ký khế ước thuê lại nhượng địa Hồng Kông trong thời gian 99 năm. Khế ước này hết hạn vào ngày 1 Tháng 7 năm 1997.

Nửa triệu người dân Hồng Kông biểu tình hôm 1 Tháng 7, kỷ niệm đúng 22 năm sau khi bị trả về cho Trung Quốc – nguồn The Epoch Times

Trong thập niên 1980, khi những cuộc đàm phán để trao trả Hồng Kông được tiến hành, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu của người Anh để được tiếp tục cai quản nhượng địa này, và thay vào đó là đề nghị để Hồng Kông trở thành khu vực bán tự trị của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc lúc ấy là Triệu Tử Dương đã thuyết phục Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh là không nên nghi ngờ về thiện chí của Bắc Kinh.

Và lúc đầu, khi Bắc Kinh nhận lại chủ quyền của Hồng Kông năm 1997, quả thật là họ hầu như không đụng tới quyền tự trị đó của Hồng Kông.

Trong khi nỗi lo sợ của nhiều người dân Hồng Kông cho rằng các quyền dân sự của họ sẽ bị chính quyền Bắc Kinh tước mất ngay sau khi họ lấy lại chủ quyền cho thấy là có hơi cường điệu, nhưng kể từ ngày ấy, nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền cộng sản Trung Quốc đang ngày càng có những hành vi tấn công vào những quyền tự do căn bản đó của người dân Hồng Kông.

Chính sách dần siết chặt kiểm soát của Trung Quốc đối với lãnh thổ Hồng Kông ngày càng tỏ ra rõ rệt hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 và bắt đầu tăng cường chính sách kiểm soát các sinh hoạt của người dân Trung Quốc trên khắp đất nước.

Trong suốt thời gian dưới sự cai trị của người Anh, chức vụ thống đốc thuộc địa là do chính phủ Anh chỉ định, và mãi tới thập niên 1990 các đại diện của hội đồng lập pháp mới được trực tiếp do dân bầu lên, nhưng người dân Hồng Kông vẫn luôn được hưởng đầy đủ những quyền tự do căn bản giống như người dân ở những quốc gia dân chủ.

Bộ Luật Cơ bản (Basic Law – Hương Cảng Cơ bản Pháp), được đưa vào hiến pháp Hồng Kông và có hiệu lực năm 1997, ghi trong đó “mục đích tối hậu” là chức vụ đặc khu trưởng (chief executive) và toàn bộ hội đồng lập pháp phải do cử tri bầu chọn. Năm 2007, chính quyền Trung Quốc dưới sự lãnh đạo bởi Hồ Cẩm Ðào, đã ấn định ngày bầu cử, nói rõ chức vụ đặc khu trưởng có thể được bầu trực tiếp vào năm 2017, tiếp sau khi cuộc bầu cử hội đồng lập pháp.

Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông – nguồn Hong Kong Free Press

Chính quyền Trung Quốc sau đó nuốt lời và điều này đã không được thực hiện.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Năm 2017, chức đặc khu trưởng của Hồng Kông một lần nữa đã được chọn bởi một uỷ ban luôn vâng theo lệnh của Bắc Kinh. Và một nửa số ghế ở hội đồng lập pháp là được chọn bởi đại diện từ các lãnh vực chuyên môn như kinh doanh và tài chánh cũng có khuynh hướng thân Bắc Kinh, mà không do dân bầu. Hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ thay đổi khi hội đồng lập pháp được bầu lại vào năm tới.

Trên thực tế, chính quyền Bắc kinh đã từng ủng hộ một hình thức bầu cử trực tiếp cho Hồng Kông vào năm 2014, nhưng với một điều kiện do quốc hội Trung Quốc quyết định: người dân Hồng Kông có thể bầu lãnh đạo của họ, nhưng các ứng cử viên trước hết phải được chấp thuận bởi một uỷ ban đề cử thân Bắc Kinh. Nói cách khác, Hồng Kông chỉ có thể chọn lãnh đạo của họ nhưng vị lãnh đạo này phải được đảng cộng sản Trung Quốc chấp nhận, không khác gì hình thức đảng cử dân bầu.

Do đó mới phát sinh ra Phong trào Dù vàng – một cuộc biểu tình khổng lồ tại Hồng Kông năm 2014 và người biểu tình đã chiếm cứ các con phố trong gần ba tháng để chống lại chính sách cai trị mà người dân Hồng Kông gán cho nhãn hiệu “nền dân chủ giả hình”.

Joshua Wong gặp gỡ báo chí sau khi vừa mãn hạn tù ngày 17 Tháng 6 – nguồn South China Morning Post

Trong khi đó nền tư pháp của Hồng Kông lâu nay vẫn được xem là một trong những cơ chế được tôn trọng nhất do tính cách độc lập của nó. Các vị quan toà, thường là được du học ở Anh Quốc, lại hay có khuynh hướng đưa ra những phán quyết nhằm bảo vệ những quyền tự do dân sự.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Mặc dù Bắc Kinh hứa là sẽ bảo vệ toàn bộ tính cách độc lập của nền tư pháp Hồng Kông, nhưng họ vẫn âm thầm rút bớt dần đi tính cách độc lập đó và ngày càng có hành động giống như một “Tối cao Pháp viện” của Hồng Kông vậy.

Năm 2016, Bắc Kinh đã sử dụng quyền tối hậu đó để chống lại những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, là vì những người này đã bày tỏ sự chống đối của họ về những áp đặt của chính quyền trung ương trong lúc họ tuyên thệ nhậm chức. Sau khi quốc hội Trung Quốc đưa ra phán quyết là lời tuyên thệ phải được thực hiện với sự “chân thành và trang nghiêm”, và nhà lập pháp trên do dân bầu lên đã bị đẩy ra khỏi hội đồng lập pháp.

Năm 2019, chính quyền Bắc Kinh một lần nữa tìm cách can thiệp vào nền tư pháp của Hồng Kông bằng cách qua cuộc vận động của bà Ðặc khu trưởng Carrie Lâm để thông qua luật dẫn độ. Hành động này đã gây tức giận cho người dân Hồng Kông và đưa tới những cuộc biểu tình với sự tham gia của nhiều triệu người kể từ đầu Tháng 6 tới nay. Gần đây nhất, hôm 1 Tháng 7, kỷ niệm đúng 22 năm ngày Hồng Kông bị trao trả lại cho Trung Quốc, hơn nửa triệu người đã xuống đường tiếp tục đưa ra yêu sách đòi hủy bỏ luật dẫn độ và yêu cầu bà Carrie Lâm phải từ chức.

Cách đó không xa, mặc dù mức độ không rầm rộ như Hồng Kông, nhưng cũng lôi cuốn được hàng chục ngàn người dân Ðài Loan xuống đường ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Hồng Kông.

Sự kiện biểu lộ tình đoàn kết với Hồng Kông của Ðài Loan có lẽ sẽ gây ít nhiều bối rối cho ông Tập Cận Bình, là người lâu lâu vẫn lên tiếng nhắc nhở rằng một ngày nào đó sẽ đưa Ðài Loan trở về với Trung Quốc như Hồng Kông vậy. Trong khi Tổng thống Thái Anh Văn và nhiều giới chức khác của Ðài Loan cũng đã lên tiếng ủng hộ Hồng Kông trên các diễn đàn truyền thông, với những thông điệp cảm thông và đoàn kết.

Người dân Đài Loan xuống đường ủng hộ Hồng Kông – nguồn thepublicsradio.org

Tình đoàn kết gần đây giữa Ðài Loan và Hồng Kông đã được bắt nguồn từ năm năm trước, khi Phong trào Hoa Hướng Dương của các người trẻ Ðài Loan nổi lên chống lại một thoả thuận về thương mại với Trung Quốc đã phần nào gây cảm hứng cho Phong trào Dù Vàng của người dân Hồng Kông.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Mối quan hệ giữa Ðài Loan và Hồng Kông nói chung trước đây chỉ trong lãnh vực kinh tế, với hai khu vực tách biệt nhau về địa lý và lịch sử. Nhưng điều này đã thay đổi do từ chính sách can thiệp khá mạnh tay bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc kể từ khi lấy lại chủ quyền Hồng Kông mặc dù từng hứa hẹn để cho khu vực này được tự trị.

Nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) hôm 17 Tháng 6 vừa qua sau khi được thả ra khỏi nhà tù do tham gia vào phong trào Dù Vàng đã lên tiếng cảm ơn sự ủng hộ của người dân Ðài Loan, đồng thời cũng đã cảnh báo về sự đe doạ của Bắc Kinh đối với quyền tự do của họ. Wong nói, “Hồng Kông hôm nay là ngày mai cho Ðài Loan” – ý nói những gì đang xảy ra cho Hồng Kông rất có thể xảy ra cho Ðài Loan trong tương lai – và cũng là câu nói ngày càng xuất hiện trên cửa miệng của người dân Ðài Loan.

Một thông điệp rõ ràng mà người dân Hồng Kông gửi tới cho Ðài Loan: Ðừng tin Bắc Kinh. Tại một cuộc xuống đường, một vài người biểu tình đã mang biểu ngữ cảnh báo người dân Ðài Loan đừng bỏ phiếu cho Quốc dân đảng có chính sách thân Trung Quốc trong cuộc bầu cử vào Tháng Giêng năm tới, vì làm vậy có nghĩa là sẽ đánh mất đi chủ quyền của Ðài Loan. Cho tới mấy tuần lễ gần đây, các cuộc thăm dò cho thấy Quốc dân đảng có nhiều cơ hội lấy lại ghế tổng thống và kiểm soát viện lập pháp, nhưng những biến động của Hồng Kông đã làm thay đổi tình hình chính trị ở Ðài Loan và chiều hướng lợi thế đang nghiêng về phía bà Thái Anh Văn và Ðảng Dân tiến, với chính sách cứng rắn hơn nói rõ Ðài Loan là một quốc gia tách biệt với Trung Quốc.

Do đó, các ứng cử viên của Quốc dân đảng Ðài Loan đang ra tranh cử tổng thống đã phải vội vàng lên án chính sách “nhất quốc, lưỡng chế” mà Trung Quốc dùng để cai trị Hồng Kông và cũng là chính sách mà Tập Cận Bình đã đề nghị cho Ðài Loan, gọi đây là mô hình “hoàn toàn thất bại”.

Mối quan hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc trong tương lai ra sao sẽ là đề tài tranh luận sôi nổi tại Ðài Loan trong thời gian sắp tới, nhưng đối với đại đa số quần chúng, nói chuyện thống nhất với Trung Quốc lúc này là điều không ai muốn nghe, là vì bài học của Hồng Kông vẫn sờ sờ ngay trước mắt chứ đâu xa.

VH

Arlington, TX