Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ mỗi năm đến vào ngày 4 tháng 7, và năm nay kỷ niệm đúng 245 năm khi bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được Quốc hội Lục địa chính thức công bố lần đầu.
Ðối với đa số người dân Mỹ, đây là dịp được nghỉ thêm một ngày mà không phải đi làm. Ðược tụ họp, vui chơi bên ngoài trời cùng với gia đình và bạn bè, và với những sinh hoạt truyền thống đã có từ lâu như nướng thịt, uống bia, coi đấu bóng chày, xem đốt pháo hoa, cùng nhiều thú vui khác.
Và trên hết tất cả là cuộc sống tự do mà người dân Mỹ được hưởng. Ý nghĩa thực sự của Lễ Ðộc Lập là tự do chứ không là gì khác. Nền tự do này không chỉ của riêng nước Mỹ mà cần được mở rộng ra cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Một nền tự do đưa đến cuộc sống sung túc, thịnh vượng và những điều vĩ đại khác.
Hãy nói về văn bản của Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ. Từ lâu đã được nhiều người công nhận là một áng văn bất hủ của thế giới, giọng văn hùng hồn và lời lẽ cương quyết. Nhưng trên hết, nó đưa ra những tư tưởng rất mới vào thời đó, đặc biệt là về quyền con người, được tóm gọn trong câu văn bất hủ sau đây:
“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Và có lẽ nó cũng là bản tuyên ngôn gây nhiều ảnh hưởng nhất, mặc dù là bản tuyên ngôn độc lập từ một quốc gia còn quá trẻ nếu đem so với nhiều quốc gia văn minh khác đã được hình thành từ nhiều ngàn năm trước. Cũng vì vậy mà bản Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và trực tiếp gây ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử thế giới.
Theo sử gia Jim Powell, không lâu sau khi được chính thức công bố, đó là ngày Thứ Ba, 9 tháng 7 năm 1776, một người thợ in gốc Ðức là Henrich Miller đã phát hành bản dịch đầu tiên của Tuyên ngôn, đúng bốn ngày sau khi bản Anh ngữ được phát hành lần đầu bởi ông John Dunlop, mà tiệm in của ông chỉ nằm cách tiệm in kia có vài căn tại thành phố Philadelphia.
Nhiều người dân Pháp cũng rất muốn xem bản Tuyên ngôn này, nhưng cho tới năm 1778, khi chính phủ Pháp tuyên bố liên minh với quân nổi dậy, thì việc phát hành bản dịch là một hành động hết sức nguy hiểm tại Pháp. Những bản dịch nào nếu có đều phải giấu tên người dịch. Bản dịch tiếng Pháp đầu tiên được biết tới thì lại được phát hành tại Hoà Lan.
Ðối với người Pháp, bản Tuyên ngôn gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các cuộc tranh luận với kết quả là đưa tới cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Ngoài bản Tuyên ngôn Ðộc lập còn có bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Hiến pháp Hoa Kỳ đã đóng vai trò như một hướng dẫn không thể thiếu hoặc giúp hình thành khái niệm các nguyên tắc về quyền tự do cho nền cộng hoà của họ sau này.
Tại London, nhà ngoại giao người Nga Vasilii Grigor’evich Lizakevich nghe được tin về bản Tuyên ngôn và vào ngày 13 tháng 8 cùng năm đã viết một lá thư gửi cho đệ nhất bộ trưởng ngoại giao, Bá tước Nikita Ivanovich Panin, nói rõ ý nghĩa của bản tuyên ngôn: “Việc công bố bản văn này cũng như lời tuyên chiến chính thức chống lại Vương quốc Anh là bằng chứng về lòng dũng cảm của giới lãnh đạo nơi đó.”
Báo chí Nga cũng có đăng nhiều tin tức về Hoa Kỳ, nhưng văn bản thực sự của Tuyên ngôn thì không được phép cho đăng trong suốt 8 thập niên. Trong khi đó, cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã gây cảm hứng cho nhà thơ Nga là Aleksandr Nikolayevich Radishchev để viết nên bài thơ có tựa đề “Vol’nost” (Tự do). Dường như điều này đã làm phật lòng Hoàng hậu Catherine, và Radishchev sau đó đã bị đày đi Tây Bá Lợi Á. Tháng 12 năm 1825, một nhóm sĩ quan của quân đội Nga đã làm cuộc Khởi nghĩa tháng Chạp chống lại vua Nicholas I nhưng thất bại và tất cả bị treo cổ. Mãi cho đến năm 1863, sau khi Nga hoàng Alexander II thực hiện một số cải cách quan trọng – đặc biệt là điều khoản bãi bỏ chế độ nông nô – thì lúc đó bản dịch Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ mới được phát hành tại Nga một cách an toàn.
Mặc dù Tây Ban Nha cung cấp một số chi phí để giúp người Mỹ chống lại Anh trong cuộc chiến giành độc lập, lý do là vì có sự cạnh tranh giữa các cường quốc đó. Trái lại, vương triều Tây Ban Nha, cũng giống như vua Louis XVI của Pháp đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc nổi dậy của người Mỹ, lại không mấy hứng thú trong việc quảng bá dân chủ.
Cho tới năm 1868, tức hơn 9 thập niên sau khi bản Tuyên ngôn được công bố, bản dịch đầu tiên tiếng Tây Ban Nha mới được phát hành khi cuộc Cách mạng Vinh quang nổ ra. Cuộc nổi dậy nhằm lật đổ Nữ hoàng Isabella II và kết quả là 2 năm sau thành lập nước Cộng hoà Tây Ban Nha. Nhưng những người trong hoàng tộc đã tìm cách khôi phục, và năm 1875 chế độ quân chủ được dựng lại với người con trai của Isabella lên ngôi lấy hiệu là vua Alfonso XII.
Mặc dù không muộn màng như Tây Ban Nha, bản Tuyên ngôn Ðộc lập đến Á châu qua bản dịch tiếng Nhật năm 1854, cũng là năm Hoa Kỳ và Nhật Bản ký kết hiệp ước tại Yokohama, sau hơn hai thế kỷ bế quan toả cảng với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bản dịch này lại dựa vào một cuốn sử về nước Mỹ viết bằng tiếng Hoa.
Fukuzawa Yukichi, rất ngưỡng mộ tinh thần khai phá của Benjamin Franklin, là người đầu tiên phát hành bản dịch Tuyên ngôn Ðộc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ trực tiếp từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. Ðây là một công việc rất khó khăn vì lúc đó chưa có bất cứ một cuốn tự điển Anh-Nhật kha khá nào và những khái niệm của phương Tây như tự do, độc lập và quyền trong tiếng Nhật chưa có. Họ phải dựa một phần vào tiếng Hoa và một phần tự sáng chế ra những từ mới cho thích hợp.
Bản dịch tiếng Hoa mãi tới năm 1901 mới được phát hành. Nó xuất hiện trên tờ Quốc dân báo (Goumin Bao), một nguyệt san do sinh viên người Hoa du học xuất bản tại Tokyo. Theo người dịch văn bản là Frank Li giải thích thì khái niệm về quyền tự nhiên thường rất xa lạ đối với tư tưởng Trung Hoa, chẳng hạn như từ “tự do” có đôi khi xuất hiện trong văn chương để mô tả một bầu không khí cởi mở nhưng lại không có chút ý nghĩa gì liên quan đến chính trị hay triết học.
Năm 1945, trong bản tuyên ngôn do Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Ðình, câu mở đầu trích nguyên văn từ câu văn hay nhất của Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ và câu cuối trích gần như nguyên văn câu cuối trong nguyên bản. Nhưng xét cho cùng, hai đoạn dịch của ông Hồ không được khúc chiết như nguyên bản tiếng Anh. Một số bản dịch tiếng Việt khác hay hơn. Và điều quan trọng hơn hết là những khái niệm về tự do và độc lập cho đến nay vẫn chưa thực hiện được ở Việt Nam. Ðộc lập – không – kể cả sau khi thống nhất đất nước thì phần nào vẫn lệ thuộc vào ngoại bang cách này hay cách khác. Tự do – lại càng không – cho dù bất cứ người dân nào chỉ cần lên tiếng chống đối một chút thôi, thậm chí là chống Trung Quốc, cũng bị bắt bỏ tù hoặc bị đánh đập tàn nhẫn.
Và đúng như sử gia Jim Powell nhận định, giành được độc lập nói chung quan trọng đối với một xã hội tự do, nhưng vẫn chưa đủ. Trong số nhiều yếu tố thiết yếu được hỗ trợ bởi học thuyết về quyền tự nhiên, là quyền được bảo đảm về tư sản, quyền tự do hội họp, tự do hợp đồng, tự do thương mại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, quyền được bầu đại biểu, giới hạn về nhiệm kỳ trong chính phủ, phân lập giữa tôn giáo và quốc gia, phân chia quyền lực bằng cách kiểm soát và cân bằng lẫn nhau, và nhiều biện pháp khác để hạn chế quyền lực của chính phủ. Xã hội càng thực hiện được nhiều điều nói trên thì càng có nhiều khả năng sẽ là một xã hội tự do.
Và đó chính là bài học quý giá mà ta cần học hỏi từ bản Tuyên ngôn Ðộc lập của đất nước Hoa Kỳ.
VH