Trong một chương trình 60 Minutes của đài CBS mới đây có cuộc phỏng vấn một số giới chức cao cấp về an ninh và tình báo, và người ta nói đến một cuộc chiến trong bóng tối đang diễn ra âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để giành quyền thống trị về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Hai quốc gia đối thủ đang tranh giành lợi thế để vượt lên trên trong việc làm chủ một loại kỹ thuật tuy còn rất mới nhưng có tiềm năng định hình lại tương lai kinh tế, địa chính trị và chiến tranh toàn cầu.

Từ mấy năm qua, AI đã nằm trong danh sách những kỹ thuật khoa học quan trọng của Hoa Kỳ cần được bảo vệ của cơ quan điều tra liên bang FBI, cũng giống như việc Trung Quốc đã đưa nó vào danh sách những kỹ thuật mà họ muốn các khoa học gia của họ đạt được những bước đột phá vào năm 2025. Khả năng AI của Trung Quốc hiện nay được cho là đã vượt trội, tuy nhiên các giới chức tình báo Hoa Kỳ gần đây còn đưa ra những lời cảnh báo mới rằng ngoài mối đe dọa đánh cắp tài sản trí tuệ mà chúng ta đã từng nghe trước đây, Trung Quốc còn sử dụng AI trong lĩnh vực gián điệp.

Thay vì chỉ đánh cắp bí mật thương mại, FBI và các cơ quan an ninh tình báo khác tin rằng Trung Quốc còn có thể sử dụng AI để thu thập và lưu trữ các dữ liệu về công dân Mỹ ở quy mô chưa từng thấy trước đây.

Trung Quốc bị cáo buộc là có liên quan đến một số vụ đánh cắp dữ liệu cá nhân quan trọng trong những năm qua và kỹ thuật AI có thể đã được sử dụng để đẩy mạnh thêm trong việc hỗ trợ cho các hoạt động tin tặc của họ.

Một trong những cáo buộc đó nói đến việc gián điệp của Bắc Kinh đã đột nhập vào hệ thống email thuộc loại ít bảo mật hơn của một số giới chức cao cấp của nội các Tổng thống Joe Biden. Trung Quốc lên tiếng phủ nhận lời cáo buộc này.

Bảo vệ phát minh kỹ thuật

Trong những năm gần đây, mối quan tâm của FBI trong việc bảo vệ những phát minh mới của Hoa Kỳ trong lĩnh vực kỹ thuật thường là nhắm vào các công ty sản xuất những loại chip cực mạnh để vận hành các thảo chương điện toán AI, thay vì là nhắm vào chính các công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Thậm chí ngay cả khi những nhân viên nằm vùng trong công ty hoặc những tay tin tặc có thể đánh cắp các thuật toán dùng làm nền tảng cho một hệ thống kỹ thuật tiên tiến ngày nay, thì hệ thống đó vẫn có thể bị lỗi thời chỉ trong một thời gian ngắn vài tháng và bị vượt qua bởi những tiến bộ lớn hơn của các phát minh kỹ thuật khác, trong đó có sự hỗ trợ của AI.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Năm 2022, công ty cung cấp kỹ thuật sản xuất chip điện tử Applied Materials kiện công ty đối thủ cạnh tranh do Trung Quốc làm chủ là Mattson Technology. Trong đơn kiện cáo buộc một cựu kỹ sư của Applied đã đánh cắp bí mật thương mại của Applied trước khi qua làm việc cho Mattson. Chip điện tử đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển AI. Vụ kiện này đã gây được sự chú ý của các công tố viên liên bang, mặc dù chưa có cáo buộc hình sự nào được đệ trình cho toà án từ Bộ Tư Pháp.

Mattson Technology, có trụ sở chính tại Fremont, California, được mua lại vào năm 2016 bởi một chi nhánh đầu tư của thành phố Bắc Kinh, hiện đang sở hữu khoảng 45% cổ phần của công ty. Vụ kiện trên vẫn còn trong tiến trình thủ tục toà án.

Giám đốc FBI và một số cơ quan an ninh khác trong chương trình 60 Minutes – CBS

Lo ngại từ Hoa Kỳ

Mối lo ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng AI vào trong các hoạt động gián điệp đã trở nên nghiêm trọng hơn trong năm qua đến mức giám đốc FBI và lãnh đạo của các cơ quan tình báo phương Tây khác đã gặp nhau vào tháng 10 cùng với các nhà lãnh đạo của một số công ty kỹ thuật trong lĩnh vực AI để thảo luận về vấn đề này.

Theo các giám đốc điều hành công ty tham gia trong cuộc thảo luận, các công ty nghiên cứu kỹ thuật AI cũng tỏ ra lo ngại rằng bí mật kỹ thuật của công ty họ có thể đã lọt vào tay của Trung Quốc. Gần đây, theo một số nguồn tin thông thạo, công ty OpenAI (tạo ra sản phẩm ChatGPT nổi tiếng hiện nay) đã thông báo với FBI sau khi cuộc điều tra liên quan đến một máy tính xách tay của một cựu nhân viên làm dấy lên nghi ngờ rằng nhân viên này đã mang bí mật của công ty về Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân viên này sau đó đã được minh oan.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Các giới chức phân tích tình báo Hoa Kỳ trong nhiều năm qua cũng đã lên tiếng lo ngại về những kết quả trong hoạt động gián điệp mà Trung Quốc thu thập được từ kho tích lũy thông tin cá nhân khổng lồ mà họ đánh cắp được qua các vụ tấn công tin tặc nhắm vào các giới chức chính phủ và các giám đốc điều hành công ty của Hoa Kỳ.

Tin tặc Trung Quốc

Trong một thập niên qua, Bắc Kinh bị cho là có liên quan đến các vụ đánh tin tặc vào hàng trăm triệu hồ sơ khách hàng của hệ thống khách sạn Marriott International, cơ quan tín dụng Equifax và công ty bảo hiểm y tế Anthem (nay được gọi là Elevance Health), cùng nhiều tổ chức doanh nghiệp khác, cũng như hơn 20 triệu hồ sơ nhân sự của các nhân viên và cựu nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ cũng như gia đình của họ từ Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) thuộc liên bang. Các vụ đánh cắp lớn và thường xuyên đến mức ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ mấy năm trước đây là bà Hillary Clinton đã cáo buộc Trung Quốc là “tấn công tin tặc vào tất cả những thứ gì không đụng đậy”. Và đương nhiên là cứ mỗi lần bị cáo buộc ngay cả khi có những bằng chứng rõ ràng thì Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận.

Theo các giới chức chính phủ Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu về tin tặc và tài liệu từ các cáo trạng hình sự, Trung Quốc rất giỏi trong việc đánh cắp thông tin cá nhân – tổng cộng lên tới hàng tỷ dữ liệu – mà các tay tin tặc của họ đã thu thập được nhiều đến mức người thường sẽ không có khả năng xác định và lựa chọn ra cái nào xài được và cái nào không. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo sẽ không có những hạn chế như vậy.

Tin tặc Trung Quốc trong vụ Equifax – Getty Images

AI trong hoạt động gián điệp

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Công ty Microsoft tin rằng Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng khả năng kỹ thuật AI của họ để lọc lựa kho dữ liệu đánh cắp khổng lồ này.

Một thí dụ, năm 2021, một cuộc tấn công có liên quan đến nhóm tin tặc Trung Quốc nhắm vào hàng chục nghìn máy chủ chạy nhu liệu email của Microsoft mà công ty cho biết họ nhận thấy có những dấu hiệu rõ ràng là nhóm tin tặc đã nhắm vào một số mục tiêu rất cụ thể. Người ta tin rằng kỹ thuật AI của Trung Quốc sẽ còn được tiếp tục cải thiện cho tinh xảo hơn để nhắm vào những mục tiêu mà họ muốn đánh cắp.

Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng các đặc vụ tình báo Trung Quốc đang liên kết các thông tin mang tính nhạy cảm mà họ đã đánh cắp trong nhiều năm từ văn phòng OPM, từ các công ty bảo hiểm y tế và ngân hàng – bao gồm dấu vân tay, liên lạc ngoại quốc, tiền nợ và hồ sơ sức khoẻ cá nhân – để phát giác và theo dõi các điệp viên chìm của Hoa Kỳ và xác định chính xác các giới chức chính phủ được quyền tiếp cận với các loại tin mật. Các nhà phân tích phản gián cho biết thông tin trên các sổ thông hành bị đánh cắp trong vụ đánh tin tặc vào khách sạn Marriott có thể giúp gián điệp Trung Quốc theo dõi việc đi lại của giới chức chính phủ Hoa Kỳ.

Để đối lại, kỹ thuật AI cũng có thể được sử dụng để phát hiện và giảm thiểu các cuộc tấn công từ đối phương. Nếu đầu tư đúng mức, Hoa Kỳ có thể sử dụng AI làm lá chắn phòng thủ có khả năng còn mạnh hơn là nó được sử dụng như một vũ khí tấn công.

Năm 2023 được xem là năm mở đầu cho kỷ nguyên phát triển kỹ thuật AI và bên cạnh đó thì một cuộc chiến âm thầm trong bóng tối cũng gay cấn với sự tham dự của AI trong các hoạt động gián điệp.

VH