Ngay sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 2 của quân đội, người dân Miến Điện đã bày tỏ sự phản đối của họ bắt đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hoà nhưng không lâu sau đó đã biến thành phong trào phản kháng toàn quốc, và nay người biểu tình đang phải tự bảo vệ mình bằng những thứ vũ khí thô sơ như ná, súng hơi tự chế, súng săn cũ và bom xăng.

nguồn Reuters 

Trong một tuyên bố vào trung tuần tháng 4, Cao ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách về nhân quyền, Michelle Bachelet, cho biết cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội tại quốc gia Ðông Nam Á này đã “dẫn đến việc một số cá nhân phải sử dụng tới vũ khí”, và bà Bachelet cảnh báo rằng tình hình hiện nay “giống như Syria năm 2011” và đang “hướng tới một cuộc xung đột toàn diện.”

Ðối với nhiều người dân Miến, cuộc đấu tranh ôn hoà đã rẽ sang hướng khác đến không thể quay lại được sau khi lực lượng an ninh xả súng giết chết ít nhất 150 người vào ngày 27 tháng 3. Theo nhận định của một nhóm nhân quyền chuyên theo dõi các vụ giết người thì đây là cuộc đàn áp đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính. Cho đến nay đã có hơn 740 thường dân thiệt mạng và ít nhất 3,000 người đã bị bắt giữ.

Trong những ngày gần đây, nhiều người dân Miến cũng đã bày tỏ cảm giác họ như bị phản bội và tỏ ra thất vọng đối với Liên Hiệp Quốc, và nói rộng ra là với cộng đồng quốc tế, vì đã không làm gì để giúp đỡ quốc gia họ.

Trong một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra, quân đội Miến đã thẳng tay đàn áp người biểu tình không khoan nhượng, vây bắt các chính trị gia, tra tấn một số cho đến chết, và gây thiệt mạng cho nhiều trẻ em – trong khi đó các chính phủ ngoại quốc và các tổ chức quốc tế họp hành liên miên, nhưng sau đó đã không làm gì hoặc làm rất ít. Trong khi máu người dân Miến đổ ra ngày càng nhiều, thì những lời tuyên bố từ các thủ đô trên toàn cầu cũng tăng theo, bày tỏ các mối lo ngại, từ “nghiêm trọng” đến “sâu sắc”, nhưng súng vẫn nổ và người dân vô tội vẫn tiếp tục ngã gục.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Một số quốc gia đã áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quân đội Miến Ðiện và các cơ sở kinh doanh của họ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự đồng nhất và phần đông những quốc gia khác thì làm ngơ. Các chính phủ ngoại quốc dường như đang có bất đồng về việc liệu, và chính xác là bằng cách nào, có thể liên lạc được với nhóm các nhà lập pháp được dân bầu lên từ một chính phủ vừa bị lật đổ hay không. Những tổ chức như Liên Hiệp Quốc thì hầu như tỏ ra bất lực và tê liệt do không có một hành động cụ thể nào.

Người biểu tình Miến Điện tự bảo vệ bằng ná và gạch đá – nguồn Reuters

Trong khi đó, kinh tế Miến Ðiện sụp đổ và quân đội thì tiếp tục giết người mà không bị trừng phạt. Một số giới chức ngoại giao cảnh báo rằng tình hình trên đã kéo Miến Ðiện đến sát bờ vực của một quốc gia hoàn toàn thất bại về mọi mặt. Tuy nhiên, bất chấp những dự báo đáng ngại này, một điều rõ ràng là Miến Ðiện – một quốc gia luôn tự hào về khả năng tự lực và sức bền bỉ kiên trì – có thể sẽ phải tự tranh đấu lấy. Phản ứng mạnh mẽ của quốc tế khó có thể xảy ra do bởi tình trạng địa chính trị và bởi sự chậm chạp quanh co của các tổ chức quốc tế.

Liên Hiệp Quốc và vị tổng thư ký của tổ chức này đã phản ứng quá chậm đến không thể hiểu nổi đối với những gì đang xảy ra tại Miến Ðiện. Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc và hiện nay là Chủ tịch của tổ chức Xã hội châu Á, một viện nghiên cứu có trụ sở chính tại thành phố New York, mới đây có nói rằng: “Với việc quân đội Miến sát hại hàng loạt thường dân cách đây vài tuần, nếu đó không phải là nguyên nhân dẫn đến hành động tức thì của Hội đồng Bảo an, tôi không biết là điều gì khác.” Lời phát biểu của ông Rudd là ám chỉ sự kiện xảy ra vào ngày 27 tháng Ba, trớ trêu thay cũng là Ngày Quân lực của Miến Ðiện.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Mặc dù đại dịch Covid-19, trước cuộc đảo chính, Miến Ðiện đã nhìn thấy nền kinh tế quốc gia họ bắt đầu có tăng trưởng. Cuộc đảo chính của quân đội đã xoá đi thành quả đó, và tệ hơn thế nữa. Tổ chức nghiên cứu tín dụng quốc tế Fitch Solutions Macro Research đã chỉnh sửa dự báo kinh tế của họ đối với Miến Ðiện từ mức tăng trưởng 2% thành thụt lùi 20%. Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế The Internation Crisis Group nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra tại Miến Ðiện “sẽ đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo,” và Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc dự đoán có thể có thêm 3.4 triệu người Miến sẽ bị đói trong sáu tháng tới với giá thực phẩm trong nước tăng quá nhanh.

Người biểu tình tại Miến Ðiện đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy thi hành lời cam kết trong “trách nhiệm bảo vệ,” hay còn gọi là R2P (responsibility to protect). Ðây là một tập hợp các nguyên tắc được thông qua năm 2005 tại Thượng đỉnh Thế giới Liên Hiệp Quốc với sự quy tụ của 200 nhà lãnh đạo thế giới. R2P được thiết lập để tìm cách ngăn chặn các tội ác diệt chủng hàng loạt, tội ác chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và tội ác chống lại loài người, với mong muốn không để cho những cuộc diệt chủng tương tự như ở Rwanda và vùng Balkan vào thập niên 1990 có thể xảy ra trong tương lai. Những cam kết trong R2P là dựa trên ba trách nhiệm cột trụ: rằng mỗi quốc gia phải bảo vệ người dân của họ; rằng thế giới phải giúp các quốc gia bảo vệ dân số của họ; và rằng cộng đồng quốc tế phải bảo vệ người dân khi các quốc gia của họ không thực thi được trách nhiệm đó.

Người biểu tình tự cứu nhau nguồn AFP

Những lời kêu gọi trên phần nào minh hoạ cho thấy một hố sâu cách biệt giữa những gì người dân Miến Ðiện tin rằng họ cần và những gì thế giới sẵn sàng cung cấp cho họ. Theo nhận định của giáo sư Morten Pedersen thuộc Ðại học New South Wales Canberra tại Úc chuyên nghiên cứu về chính trị quốc tế thì có lẽ sẽ không có bất kỳ cường quốc nào theo đuổi việc thực thi nguyên tắc R2P, đơn giản là vì họ không muốn nhận lấy trách nhiệm này.

Xem thêm:   Ham & hố

Một vấn đề khác nữa vừa thực tế lại vừa mang tính cách chính trị là ở chỗ Nga và Trung Quốc là hai thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và cả hai sẽ ngăn cản bất kỳ hành động quan trọng nào tại Miến Ðiện – là vì Nga là một bạn hàng lâu năm chuyên cung cấp vũ khí và chương trình huấn luyện cho quân đội Miến; trong khi Trung Quốc, một quốc gia láng giềng khổng lồ, trong quá khứ luôn giữ mối quan hệ hữu nghị hàng hai với cả chính quyền dân sự và quân đội để thủ lợi cho riêng họ.

Riêng với Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) cho đến nay cũng không có một hành động cụ thể hay một chính sách rõ rệt nào trong tương lai, mặc dù cuộc đảo chính có thể đưa tới những rủi ro lớn đối với sự ổn định cho khu vực, với dòng người tị nạn và khả năng xung đột có thể tràn qua biên giới Miến Ðiện.

Sau gần 3 tháng kể từ ngày đảo chính, một cuộc họp bao gồm các nhà lãnh đạo của khối ASEAN diễn ra vào ngày 24 tháng 4 vừa qua với sự tham dự của tướng Min Aung Hlaing, lãnh tụ nhóm quân phiệt, và điều này đã khiến những người biểu tình tức giận, cho rằng việc này là một cách chính thức nhìn nhận và hợp thức hoá chế độ quân phiệt đã lật đổ một chính phủ dân chủ một cách bất hợp pháp.

Ðành rằng công cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ luôn phải đặt nền móng căn bản từ sự tham gia hưởng ứng của người dân trong nước. Nhưng làm thế nào để phong trào tranh đấu thành công nếu như người biểu tình với ná và súng hơi phải đối đầu với một quân đội được trang bị súng ống đến tận răng thì không khác gì lấy trứng chọi với đá. Nếu không có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế thì sớm muộn gì phong trào đấu tranh lần này của người dân Miến cũng sẽ bị dập tắt như đã từng xảy ra trước đây.

 VH