Bức tường Bá Linh sụp đổ một phần là do một tai nạn bất cẩn khi ra thông báo lệnh nới lỏng biên giới của chính phủ Đông Đức, nhưng lý do chính của sự sụp đổ là từ kết quả của làn sóng cách mạng xảy ra ở khắp khu vực Đông Âu để sau đó đưa tới sự sụp đổ hoàn toàn của khối cộng sản do Liên Sô lãnh đạo và giúp xác định lại một trật tự mới của thế giới.

Người dân Đức vui mừng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ – nguồn Getty Images  

Sau Thế chiến II, tại hội nghị hoà đàm Yalta và Potsdam, các nước thắng trận quyết định chia nước Ðức ra thành bốn khu vực chiếm đóng của đồng minh. Phần phía đông thuộc Liên Sô, trong khi phần phía tây thuộc Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Thủ đô Bá Linh cũng bị chia ra làm hai phần.

Ngày 23 Tháng 5 năm 1949, ba khu vực do Hoa Kỳ, Anh và Pháp cai quản trở thành nước Cộng hoà Liên bang Ðức (Tây Ðức) trong khi khu vực dưới quyền cai quản của Liên Sô trở thành nước Cộng hoà Dân chủ Ðức (Ðông Ðức) vào ngày 7 Tháng 10 năm 1949.

Do thành phố Bá Linh nằm hoàn toàn bên trong khu vực chiếm đóng của Liên Sô, Tây Bá Linh trở thành một ốc đảo bị bao vây chung quanh bởi nước Ðông Ðức cộng sản.  Kinh tế của Tây Ðức, nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng chiếm đóng của khối tự do Tây phương nên phát triển nhanh chóng. Ngược lại ở Ðông Ðức, lực lượng chiếm đóng Liên Sô không những không giúp mà còn tìm cách chở những tài sản có giá trị về nước, thế nên sự phục hồi kinh tế của Ðông Ðức chậm và trì trệ. Nhiều người dân Ðông Bá Linh đã tìm cách bỏ trốn sang phía tây để đi tìm một đời sống mới tự do và sung túc hơn. Ðể ngăn chặn làn sóng người bỏ trốn, người ta cho dựng bức tường bao bọc lấy Tây Bá Linh, và công trình xây dựng được bắt đầu tiến hành vào Tháng 8 năm 1961. Bức tường Bá Linh trở thành một vết sẹo xấu xí trên đất nước Ðức và là biểu tượng của sự chia cách và đàn áp.

Tổng cộng, có ít nhất 171 người chết do tìm cách vượt tường. Theo sử gia người Ðức Hans-Hermann Hertle, trong khoảng thời gian từ 1961 đến khi bức tường sụp đổ năm 1989 đã có hơn 5,000 người Ðông Ðức vượt tường thành công bằng đủ cách: nhảy từ cửa sổ của toà nhà phía bên kia bức tường hoặc leo qua hàng rào kẽm gai được gắn phía bên trên; thậm chí có người vượt tường bằng kinh khí cầu, hoặc dùng xe chạy thật nhanh lao thẳng vào bức tường hay bò qua ống cống.

Thành phố Bá Linh trước và sau khi bức tường sụp đổ – nguồn Business Insider

Ðến thập niên 1980, Liên Sô phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế cấp bách và thiếu lương thực trầm trọng, và khi lò phản ứng nguyên tử tại nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine phát nổ vào Tháng 4 năm 1986, thì đó chính là điềm báo trước sự sụp đổ của khối cộng sản sắp xảy ra.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Liên Sô lên cầm quyền năm 1985, đưa ra chính sách cải cách “glasnost” (mở cửa) và “perestroika” (cải tổ). Tuy nhiên, nhiều sự kiện chính trị và xã hội khác trên thế giới diễn ra nhanh hơn ông tiên đoán.

Một số phong trào cải cách đã được khuấy động trong khối cộng sản. Sau nhiều năm tranh đấu và đình công tại Ba Lan đã tạo áp lực buộc đảng cộng sản đang cầm quyền phải hợp pháp hoá tổ chức công đoàn Ðoàn kết và cho phép họ hoạt động công khai.

Ðến Tháng 2 năm 1989, qua các cuộc đàm phán giữa công đoàn Ðoàn kết và chính quyền, một cuộc bầu cử tự do có giới hạn được tổ chức vào mùa Hè và mặc dù đảng cộng sản vẫn tiếp tục giữ lại đa số ghế ở quốc hội, công đoàn Ðoàn kết đã toàn thắng tất cả những ghế mà họ được phép đại diện để tranh cử.

Người dân Hungary cũng đã tổ chức được những cuộc xuống đường rầm rộ đòi tự do dân chủ vào Tháng 3. Ðến Tháng 5, một đoạn hàng rào kẽm gai dài 240 cây số dọc theo biên giới với Áo đã bị tháo gỡ – chính là vết rạn nứt đầu tiên của “bức màn sắt”. Cuộc nổi dậy năm 1956 tại Hungary đã bị quân đội Liên Sô đàn áp dã man, nhưng lần này họ đã thành công.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Ðến Tháng 8, làn sóng cách mạng đã thực sự bùng phát khắp nơi. Hai triệu người tại Estonia, Latvia và Lithuania – là một phần của Liên Sô thời đó – đã tổ chức những cuộc xuống đường đáng nhớ nhất được gọi là cuộc “cách mạng ca hát” khi họ cho thiết lập một hàng người nối nhau dài 600 cây số xuyên qua các nước cộng hoà Baltic kêu gọi giành lại độc lập.

Trong cái nóng hừng hực của Tháng 8, Hungary cho mở cửa biên giới với nước Áo ở phía tây, cho người tị nạn Ðông Ðức một con đường để chạy trốn.

Tiệp Khắc cũng cho mở cửa biên giới cho phép người dân Ðông Ðức đi qua mà không bị xét giấy tờ và nhiều trăm người đã tràn vào Toà đại sứ Tây Ðức tại đây xin tị nạn.

Cuối cùng, chính quyền Ðông Ðức quyết định đóng cửa biên giới với Tiệp Khắc vào Tháng 10 để ngăn chặn người tị nạn. Nhưng lúc đó làn sóng cách mạng đã lan tới Ðông Ðức.

Bắt đầu bằng những cuộc biểu tình đòi tự do tại trung tâm thành phố Leipzig. Ngày 9 Tháng 10, chỉ ít ngày trước lễ kỷ niệm 40 năm quốc khánh Ðông Ðức, 70,000 người đã xuống đường kêu gọi cải cách và bầu cử tự do. Không ai biết rằng chỉ ít tuần sau đó bức tường Bá Linh sụp đổ.

Bản đồ thành phố Bá Linh khi còn chia cách – nguồn Alamy

Ngày 31 Tháng 10, con số người xuống đường đòi tự do dân chủ tại Ðông Ðức đã lên đến nửa triệu. Ngày 4 Tháng 11, có thêm khoảng nửa triệu người đã tụ tập về quảng trường Alexanderplatz ngay tại trung tâm thành phố Ðông Bá Linh. Ðến ngày 9 Tháng 11, để trấn an dân chúng, chính phủ Ðông Ðức ra lệnh nới lỏng biên giới. Buổi tối cùng hôm, ông Gunter Schabowski, phát ngôn nhân chính phủ, mở cuộc họp báo lịch sử và ra thông báo: “Việc tái định cư lâu dài có thể được thực hiện thông qua tất cả các trạm kiểm soát biên giới giữa Ðông Ðức vào Tây Ðức hoặc Tây Bá Linh.” Khi một nhà báo vặn hỏi khi nào thì lệnh trên có hiệu lực, ông Schabowski trả lời, “Theo như tôi biết, nó có hiệu lực ngay tức khắc, không trì hoãn.”

Xem thêm:   Biden & Trump

Ông Schabowski đã không đọc kỹ bản viết. Thực ra lệnh nới lỏng biên giới có hiệu lực vào ngày hôm sau với một số chi tiết về việc xin giấy chiếu khán di chuyển.

Nhưng tin tức về buổi họp báo đã được loan đi và ngay sau đó nhiều đoàn người Ðông Ðức đã đổ về các trạm kiểm soát. Lúc đầu, lính biên phòng còn do dự không biết xử trí ra sao nhưng sau đó đã cho mở cửa và người ta đã ồ ạt tràn qua biên giới. Nhiều người còn mang theo búa, đục và bắt đầu đập vỡ một vài mảng tường. Sáng hôm sau, nhiều ngàn người từ phía Ðông Bá Linh tiếp tục tràn sang Tây Bá Linh, trong số đó có bà Angela Merkel, hiện nay là Thủ tướng Ðức.

Vào mùa Hè năm 1989, trong khi làn sóng cách mạng cuồn cuộn khắp Ðông Âu và chỉ ít tháng trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ, học giả Francis Fukuyama đã viết tiểu luận “Sự kết thúc của lịch sử” (The End of History), trong đó ông lập luận rằng các cuộc đấu tranh tư tưởng của thế kỷ 20 – trước hết là giữa dân chủ tự do và chủ nghĩa phát xít và sau đó là giữa dân chủ tự do và chủ nghĩa cộng sản – đã cáo chung. Lịch sử, như Fukuyama định nghĩa là cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng lớn, đã đạt tới điểm kết thúc của nó. Và dân chủ tự do đã thắng.

Ba mươi năm sau, lịch sử đó thực ra vẫn chưa kết thúc và chủ nghĩa toàn trị vẫn chưa chết hẳn. Người dân vẫn xuống đường biểu tình ở khắp nơi trên thế giới – từ Hồng Kông tới Chile, từ Ecuador tới Algeria, từ Lebanon tới Sudan. Lý do biểu tình có thể khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là đòi hỏi phải cho họ có tiếng nói trên những quyết định có ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của họ.

Những người biểu tình hôm nay vẫn tiếp tục bước đi trên những vết chân của những người biểu tình 30 năm trước và tiếp tục xô đẩy các bức tường bê tông và các bức màn sắt của các chế độ độc tài cho đến khi chúng đổ xuống. Ðể bảo vệ cho một xã hội dân chủ mà trong đó quyền tự do được tôn trọng thì người ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu không ngừng cho đến khi không còn một chế độ độc tài toàn trị nào còn tồn tại.

VH

Arlington, TX