Mùa Hè, những chuyến nghỉ mát không chỉ để nghỉ ngơi, tái nạp năng lượng sau những ngày làm việc vất vả mà còn là cơ hội để nhìn thấy một thế giới rộng mở hơn, khi tiếp xúc với văn hóa, lịch sử, con người … của những nơi đến. Với giới trẻ, việc khám phá và thưởng thức những món ăn thức uống lạ lẫm, truyền thống và mang đầy nét bản địa còn là một trải nghiệm đầy thú vị và đáng nhớ, tạo nên sự vui thú cho chuyến đi. Các số liệu cho biết có đến 81% nhóm du khách trẻ này tìm hiểu về nền ẩm thực địa phương và tin rằng đó cũng là một cách để hiểu về văn hóa nơi mình đến. Họ hứng thú chụp hình các món ăn ngon, mới lạ chưa từng biết đến hay ăn qua để đăng lên các trang mạng xã hội, chia sẻ cùng bạn bè. Còn bạn thì sao?

Thăm nhà máy sản xuất bia MillerCoors
Hồi tháng trước, tin Anthony Bourdain tự tử đã gây nên sự bất ngờ và xúc động với hàng triệu người từng mến mộ các sô truyền hình của ông. Kết cục của một con người thú vị, vui vẻ và đem lắm điều mới lạ cho người khác như ông quả là điều khó lòng nghĩ đến. Những người Việt chẳng có dịp biết đến ông trước kia thì tấm hình ông ngồi ăn bún chả Hà Nội với Tổng thống Obama cũng đã làm tên tuổi ông trở nên quen thuộc với họ hơn. Nhìn cách hai người ăn bún, uống bia ngon lành, thoải mái và tự nhiên, ắt cũng có người muốn ghé thử quán bún chả ấy một lần cho biết, vì dù sao đó cũng là một quán đặc biệt trong hàng ngàn hàng quán khác tại Hà Nội. Nó tương tự như cách ông diễn giải lịch sử và hít hà bưng tô bún bò Huế, ăn cơm hến, bánh bột lọc… tại Huế trong loạt phim về Việt Nam của ông. Sô truyền hình du lịch và ẩm thực Anthony Bourdain: Part Unknown của ông đông khách và thú vị là vậy. Nó trình bày một góc nhỏ độc đáo nào đó khắp thế giới, không chỉ đồ ăn thức uống mà cái gì đó thông tuệ hơn cách người ta vẫn nghĩ về ăn uống. Tổng thống Obama “tweet” khi nghe tin Anthony mất rằng, “Ghế nhựa thấp, bún chả ngon và rẻ, bia Hà Nội. Ðây là điều tôi sẽ còn nhớ đến Anthony. Anh dạy chúng ta về ẩm thực, nhưng quan trọng hơn thế nữa là khả năng mà nó mang chúng ta lại với nhau, làm chúng ta bớt sợ hãi những điều chưa từng biết đến. Chúng ta sẽ còn nhớ anh”. Chắc chắn là vậy. Sang Atlanta hay vào CNN, thấy hình ảnh, hoa tưởng niệm ông còn để khắp mọi nơi. Và nhắc đến Anthony để thấy người ta yêu thích việc du lịch ẩm thực đến dường nào.

Thử hamburger của chef Gordon Ramsay tại Las Vegas – photo Dinh Yen thao
Kỹ nghệ du lịch hiện nay đã mở sang những trang mới so với vài thập niên trước. Người ta không chỉ du lịch kiểu “nghỉ mát, nghỉ hè” mà còn du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tôn giáo, du lịch thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch y tế, du lịch nhiếp ảnh, du lịch tình dục…, rồi đến xu hướng du lịch ẩm thực (food tourism). Ðó là kiểu tìm một trải nghiệm về các món ăn mới lạ ở nơi xa xôi nào đó hay ngay quanh thành phố sở tại mà mình chưa bao giờ có dịp biết đến hay thử qua. Nhiều du khách thích thú cái không khí và cảm giác riêng biệt khi ngồi ăn bên quán hàng rong hè phố hay trong các khu chợ ngoài trời, kiểu như Anthony ngồi ăn các món Huế tại chợ Ðông Ba vậy. Có khi tiệm ăn đó gắn liền với những nhân vật tên tuổi, sự kiện quan trọng nào đó. Kiểu quán hot dog Ben’s Chili Bowl gắn liền phong trào dân chủ tại Washington DC, tường vách treo đầy hình ảnh những nhân vậy nổi tiếng, chính khách, tổng thống đã từng ghé qua. Hay như tiệm Paschal bán đồ ăn đặc trưng miền Nam như gà chiên, sườn nướng, bbq nằm tại downtown Atlanta, là cái nôi không chính thức phong trào nhân quyền với Mục Sư Luther King Jr. cùng những nhân vật chủ chốt phong trào thường xuyên nhóm họp. Hay như Pink’s, tiệm bán hot dog và hamburger – một huyền thoại tại Hollywood, Los Angeles. Những nơi đây là những tiệm nhỏ, chỗ đậu xe khó, thức ăn chỉ là những món fast food hay đường phố thông thường nhưng thực khách ra vào liên tục, đông đúc. Có lẽ một phần bởi chúng gắn liền với những lịch sử và thu hút với những du khách yêu thích những nơi chốn đặc biệt như vậy.
Những người không quen, chẳng thích hợp với những điều như vậy có lẽ sẽ hỏi rằng, chúng có gì lạ để ghé. Vâng! Chẳng có gì khác biệt nếu chỉ với món ăn. Nhưng đó là một trải nghiệm và cảm xúc riêng biệt của riêng mỗi người, khi được ngồi ăn và ngắm nhìn các tranh ảnh, đọc lại dăm sử liệu một cách sống thực. Nó thích hợp với những đầu óc khoáng đạt, yêu thích điều mới mẻ. Còn trẻ nhỏ đã quen với cách giáo dục và suy nghĩ phương Tây thì luôn thú vị, phấn khích khi đến với những tiệm ăn như vậy. Ðơn giản là chúng khác lạ và còn đọng lại trong trí nhớ các em hơn là những tiệm fast-food thông thường. Những thành phố có những tiệm ăn tương tự như thế luôn tự hào và trân trọng, đưa chúng vào danh sách những “thắng tích” (landmark) của thành phố mình.
Còn nếu chỉ muốn “ăn ngon” thì có cái app Yelp trên điện thoại để bạn tìm tiệm hay chỗ ăn ngon dựa theo đánh giá của thực khách tại những nơi mình đến hay ngay chính thành phố mình ở. Bằng không thì thử tham gia các “food tour”. Các thành phố du lịch lớn nhỏ hiện nay đều mở ra những tour ăn uống như vậy. Với giá vài chục đến trăm đồng tùy theo tour, người hướng dẫn sẽ dẫn du khách đi ăn năm, bảy nhà hàng, tiệm ăn trong vài tiếng đồng hồ. Mỗi tiệm thử qua một đôi món, nghe dẫn giải về nhiều điều thú vị quả cũng là điều đáng nhớ trong chuyến đi. Lắm người thích thú học cách nấu các món ăn đặc trưng cho vùng đất mình ghé. Vài tháng trước, các thủy thủ Mỹ trên chiếc Hàng không mẫu hạm Carl Vinson cặp bến cảng Ðà Nẵng đã hào hứng học cách nấu mì Quảng và đổ bánh xèo. Khác hơn chút nữa là những tour thăm các hãng bia rượu hay các hãng sản xuất nước giải khát có lắm điều hay với cả những người không thích bia rượu. Ở những nơi này là cả một lịch sử của một kỹ nghệ lâu đời gắn bó với đời sống con người. Các tour nếm rượu vang luôn là điểm đông du khách.

Anthony Bourdain( phải) và TT Obama ăn bún chả Hà Nội – nguồn esquire
Du lịch ẩm thực đã trở thành một cái nghề chuyên nghiệp với một số người. Không phải ai cũng có cơ hội có riêng những sô truyền hình trên các hệ thống truyền thông tên tuổi, nên một số người tự viết blog rồi thành danh, như trang blog Legal Nomads về du lịch ẩm thực của Jodi Ettenberg người Canada là một. Jodi vốn là một nữ luật sư tài ba cho một hãng lớn tại New York. Mười năm trước, cô bỏ việc để du ngoạn Chile và những quốc gia khác với ý định sẽ quay lại công việc sau một năm du lịch. Thế rồi những chuyến đi đã cuốn hút cô, đến độ cô bỏ hẳn nghề luật sư để đi du lịch và viết blog khi số độc giả tăng cao. Với kiến thức, sự bén nhạy và tinh tế của một luật sư, dù nhắm vào ẩm thực, độc giả vẫn thích thú khi tìm được trong đó vô số điều hay ho, lôi cuốn trong các bài viết và hình ảnh của cô chụp. Jodi Ettenberg trở thành nổi tiếng, viết sách, diễn thuyết về du lịch, viết báo cho các tờ báo lớn và tất nhiên, viết blog chỉ kinh nghiệm và nhiều điều hữu dụng cho những người yêu thích du lịch như cô. Ðáng tiếc là sau khi bị phát hiện căn bịnh ngặt nghèo đến độ đi đứng, viết lách khó khăn, cô đã phải chấm dứt việc du lịch và viết blog từ cả năm qua.
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà văn Vũ Bằng với những bút ký ẩm thực “Miếng Ngon Hà Nội”, “Món Lạ Miền Nam” là những bút ký ẩm thực xuất sắc, ý nhị. Ðọc ông, thấy miếng ăn đáng được trân trọng khi cảm nhận cái lòng người nấu, cái tinh hoa của món ăn của một vùng đất thương yêu. Tả tô phở bò, ông viết “Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn thơm xanh biếc, mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ, mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu…, ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cảm giác được ngắm một bức họa lập thể của một họa sĩ trong phái văn nghệ tiên tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá nhưng mà đẹp mắt. Trên tất cả mấy thứ đó, người bán hàng bây giờ mới thái thịt bò từng miếng bày lên…” (Miếng Ngon Hà Nội-Vũ Bằng). Nghe tả bát phở cứ như đang xem một bức tranh. Và ký ức lại bồng bềnh, lãng đãng về một thủa xa xưa nào đó để hỏi lòng, mình đã từng ngồi với cô bạn học mà ăn một bát phở như vậy?

Jodi Ettenberg và tô phở – nguồn frontier blog
ĐYT