Trong một thông cáo của Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) đưa ra vào hôm 7 Tháng 12 vừa qua công bố các môn lướt sóng (surfing), trượt ván (skateboarding) và leo núi (sport climbing) nay chính thức là những môn thể thao tại Thế vận hội. Ba môn này sẽ lần đầu tiên thi đấu vào năm tới tại Thế vận hội Mùa Hè Tokyo và Thế vận hội Paris 2024.

Những môn thể thao mới tại Thế vận hội Tokyo 2021 – nguồn Daily Hive    

Thêm một môn thể thao khác sẽ được thi đấu tại Pháp là môn nhảy breakdance. Ðây là môn giải trí xuất hiện lần đầu vào thập niên 1970 với những nhóm người trẻ gốc Mỹ Phi châu và Mỹ Latinh cùng với các điệu nhảy uốn éo, xoay vòng và quay tròn bằng đầu theo nhịp điệu của nhạc rap. Lý do IOC đưa một số môn chơi mang tính cách đường phố như môn nhảy breakdance hay trượt ván vào các cuộc thi Thế vận hội là để thu hút nhóm khán giả trẻ tuổi. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là môn nhảy breakdance có thật sự là một môn thể thao hay không?

Uỷ ban IOC trong quá khứ đã từng thay đổi quan niệm của họ về thể thao. Vào Tháng 2 năm 2013, uỷ ban IOC thông báo là họ sẽ lấy môn đô vật, là một trong những môn thể thao nguyên thuỷ đã xuất hiện tại các cuộc thi đấu Thế vận hội nguyên thuỷ tại thành Athens cổ, ra khỏi danh sách các bộ môn thể thao của Thế vận hội. Quyết định trên đã gây nên làn sóng chống đối khắp nơi, và cuối cùng IOC đã phải rút lại quyết định này vào Tháng 9 vừa qua.

Đội kéo co của Hoa Kỳ tại Thế vận hội London 1908 – nguồn Getty Images

Trong khi đó, một vài ví dụ về những giải thi đấu tại Thế vận hội trước đây được cho là khá hấp dẫn nhưng cũng phần nào khác thường đã từng được tổ chức và không lâu sau đó đã bị huỷ bỏ. Như môn kéo co (tug of war) chẳng hạn, đã từng được thi đấu và có trao huy chương hẳn hoi vào năm 1900, thời kỳ đầu của Thế vận hội hiện đại, nhưng sau đó đã bị đưa ra khỏi Thế vận hội sau năm 1920. Ðây là môn thi đấu đồng đội, đòi hỏi sức mạnh, sự bền bỉ và tính toán chính xác hoàn toàn thích hợp với tinh thần Thế vận hội.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Bên cạnh đó, một số cuộc thi đấu được tổ chức và có trao huy chương nhưng chưa bao giờ được IOC chính thức công nhận là môn thể thao của Thế vận hội. Như cuộc thi đấu lính cứu hoả được tổ chức vào năm 1900. Cùng năm này, một số cuộc thi câu cá cũng đã được tổ chức, với 600 tay câu (phần đông là đến từ nước Pháp) tham gia trong 6 giải thi đấu về câu cá.

Thi thả diều tại Thế vận hội Paris 1900 – nguồn Timeline.com

Chưa kể còn có những cuộc thi đấu lạ kỳ hơn nữa. Như môn thả diều đã được tổ chức cũng năm 1900, cùng với những cuộc thi đấu khác như bay khinh khí cầu và bắn súng thần công. Cuộc đua xe trượt tuyết do chó kéo (sledge dog racing) diễn ra vào năm 1932. Cuộc thi đánh đá cục (ice stock – hay còn gọi là đánh bi đá vùng Bavaria – Bavarian curling) xuất hiện hai lần vào năm 1936 và 1964. Các cuộc thi về hội họa, điêu khắc, âm nhạc và văn chương cũng đã được trao huy chương vào những năm từ 1912-48. Ngoài ra còn có bảy giải thi đấu vào năm 1900 cho các cuộc đua chim bồ câu. Tuy nhiên, chim bồ câu thì không được nhận huy chương và người ta cho tổ chức để nhắc lại kỹ thuật dùng bồ câu đưa thư trong các cuộc chiến tranh thời cổ Hy Lạp.

Xem thêm:   Đông dược

Nếu thả diều, bay khinh khí cầu, bắn súng thần công, chó và chim được cho thi đấu tại Thế vận hội, thì có lẽ môn nhảy breakdance cũng xứng đáng được thi đấu tại Thế vận hội vậy.

Dạo gần đây, với sự xuất hiện của một số trò chơi gọi là thể thao trên không gian ảo (E-Sports) và một vài chương trình thi đấu xì phé được chiếu trên đài truyền hình ESPN được xếp vào mục thể thao đã dấy lên những cuộc tranh cãi khá sôi nổi về tính chất hợp pháp của những cuộc thi đấu này có thể nào được gọi là “thể thao” hay không. Ở một mức độ chừng mực nào đó, có thể nói cho đến nay vẫn chưa có một tổ chức hay một định chế thể thao nào có thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát định nghĩa về thể thao.

Thi khinh khí cầu tại Thế vận hội Paris 1900 – nguồn Timeline.com

Nếu như trong một cuộc thi đấu không cần có cơ thể của người chơi tham gia, không cần sử dụng đến sức lực, và người chơi dựa vào máy móc để tạo ra những cử động thì cuộc thi đấu sẽ không được gọi là thể thao?

Theo trang tự điển Dictionary.com định nghĩa thể thao là “một hoạt động thể dục đòi hỏi kỹ năng hoặc sức mạnh thể chất”. Trang tự điển này sau đó còn đưa ra những thí dụ hết sức cụ thể như “chạy đua, bóng chày, quần vợt, đánh cù (golf), môn ném banh lăn (bowling), đô vật, săn bắn và câu cá” là những môn thể thao. Còn tự điển Oxford định nghĩa thể thao là “một hoạt động liên quan đến việc vận dụng sức lực và kỹ năng mà trong đó một cá nhân hay một đội thi đấu với một cá nhân hay một đội khác để giải trí”. Vậy theo định nghĩa thứ hai, săn bắn không được coi là một môn thể thao vì nó không liên quan đến thi đấu. Tuy nhiên, những người đi săn lâu nay vẫn tự nhận họ là “người chơi thể thao”. Thế còn những cử động quăng cần và kéo dây trong câu cá có đủ tiêu chuẩn để xếp loại là một môn thể thao hay không, mặc dầu lâu nay vẫn có một số cuộc thi câu cá được chiếu trên truyền hình.

Nhảy breakdance – nguồn Getty Images

Còn E-Sports thì sao? Một điều rõ ràng là những người chơi môn này cũng tự nhận đây là một môn thể thao thật sự là vì nó có liên quan đến sự vận dụng của bộ não, cần có sự phản xạ nhanh và khéo léo khi vận hành hộp điều khiển. Môn này cũng có tính cạnh tranh cao và được hàng triệu khán giả theo dõi. Những người chơi môn này khẳng định rằng họ cũng là những vận động viên giống như những tay đua xe hơi vậy, là vì cả hai hoạt động đều liên quan đến kỹ năng và sự khéo léo trong việc vận hành một cỗ máy.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Vậy thì dựa vào những tiêu chuẩn nào để đưa ra định nghĩa thế nào là một môn thể thao thực thụ có thể là vấn đề đưa tới những cuộc tranh cãi vô tận. Một định nghĩa cho thể thao có lẽ cũng còn tuỳ thuộc một phần vào quan điểm của mỗi cá nhân và cuối cùng khán giả sẽ là người quyết định nếu đó là môn thể thao hay không dưới mắt nhìn của họ.

VT