Hơn nửa thế kỷ qua, với đà phát triển của kỹ thuật hàng không, đã có rất nhiều người “nhảy dù” mà không “bung dù” lập tức vào thời điểm rời phi cơ. Thường là họ bay tự do một khoảng thời gian nào đó rồi bung dù.
Liều lĩnh hơn, họ không đeo dù mà nhận dù từ đồng đội, hoặc chụp bắt các “túi dù” được tính toán trước, thả bay lơ lửng giữa không trung. Cũng có khi họ rời phi cơ, vừa thả người rơi tự do, biểu diễn nhào lộn một hồi, rồi… chui vô phi cơ trở lại. Tất cả đều là những thử thách công phu ít ai làm được. Nhưng kỳ tích như của phi công Hoa Kỳ Luke Aikins thực sự trên đời chưa thấy ai làm được. Vào ngày 30/6/2016, trên không phận Simi Valley, tiểu bang California, Aikins đã nhảy từ phi cơ, ở cao độ 7,620 m (25,000 feet), không hề mang theo dù, và “hạ cánh” an toàn sau chừng 2 phút rơi tự do. Có thể xem ở đây https://www.youtube.com/watch?v=GaANi96Z-Wg.
Lưới khổng lồ. Ảnh Mark Davis/Getty Images/Stride Gum
Lúc đó, Luke Aikins 43 tuổi, nhưng đã có trên 18,000 cú nhảy đùa giỡn tử thần từ năm 12 tuổi. Người như Aikins trong Anh Ngữ gọi là “Professional Skydiver”. Nhờ kinh nghiệm của mình, Aikins từng được mời huấn luyện lực lượng đặc nhiệm người nhái United States Navy SEALs. Năm 2012, Luke Aikins cũng làm phụ tá cho một tay đùa giỡn tử thần nổi tiếng khác, Felix Baumgartner, lập kỷ lục thế giới rơi tự do trong không khí 39 km (24 mile), đạt tốc độ 1,357.64 km/giờ (843.6 mph), nhanh hơn tốc độ âm thanh. Trong cú nhảy của mình 4 năm sau, tốc độ cao nhất Luke Aikins đạt đến là 193 km/giờ (120 mph).
Bình thường ra, một trái banh thả từ 10 tầng lầu, lúc chạm mặt đất có tốc độ nhanh hơn một trái banh khác rơi từ tầng 1. Nhưng khi lên quá cao, dù 25,000 feet hay 15,000 feet, thì không còn khác biệt. Trong cả hai trường hợp, cơ thể người ta, tùy cân nặng, thể trạng, khi tiếp đất, tốc độ dao động trong khoảng 100-150 mph. Trường hợp của Luke Aikins, con số 25,000 feet, hay 7.6 km, được chọn đơn giản vì đây là độ cao tối đa chiếc phi cơ Cessna 208 Caravan có thể bay tới. Ðể dễ mường tượng, phần lớn các phi cơ thương mại bay đường trường ở cao độ 30,000-35,000 feet. Ðỉnh Mount Everest cao nhất thế giới ở mức 29,030 feet hay 8,848 m.
Hạ cánh an toàn. Ảnh Mark Davis/Getty Images/Stride Gum
Ðể “rớt” trúng chiếc lưới khổng lồ, giảm tốc độ từ 120 mph xuống ZERO mph, Luke Aikins cần sự yểm trợ, tính toán của kỹ sư thượng thặng. Sau hơn 2 phút rơi tự do tốc độ 193 km/giờ (120 mph), tính ra cần tối thiểu 36.5m (120 feet) làm khoảng cách đệm cho Luke Aikins còn nguyên vẹn hình hài. Kết quả là tấm lưới tốn kém trên $40,000, hình vuông, mỗi cạnh dài 30m (100×100-foot). Lưới làm bằng nhựa Polyethylene, rất nhẹ, không có “thắt nút” để giảm chấn động lên cơ thể, nhưng có nhiều “mắt lưới” giúp dàn trải, chịu lực. Lưới được giăng ở độ cao khoảng 20 tầng lầu, với 4 cần cẩu cao hơn 60m giữ 4 góc. Bên dưới còn một tấm lưới khác giữ an toàn tối đa. Xung quanh lưới, các kỹ sư cũng lắp đặt dàn đèn tương tự như hệ thống đèn cho phi đạo phi trường. Tâm điểm tấm lưới cũng có đặt hệ thống định vị điện tử GPS.
Phần Luke Aikins không mang theo dù, nhưng vẫn đội nón an toàn, vì yêu cầu của TV, của hãng bảo hiểm, để bảo vệ não bộ mỏng manh (khi chui vô lưới, lúc lỡ va chạm với đồng đội trên không), và cũng là nơi gắn thiết bị định vị GPS. Trong lúc rơi tự do, Aikins nhiều lần làm các động tác nhào lộn, xoay trở, lật người qua lại, không chỉ để biểu diễn, quay phim, mà còn vì nhu cầu rất thực tế, nhằm đạt tư thế và vị trí lý tưởng. Với trợ giúp của GPS, Aikins phải “nhắm trúng” mục tiêu 30×30 m ((100×100-foot) từ khoảng cách 7,620 m (25,000 feet). Lúc bay trong không trung, theo kinh nghiệm, cơ thể nằm sấp là tối ưu, nhằm giảm thiểu áp lực gió (Anh Ngữ gọi là tư thế “Eyeballs In”). Nhưng trong cú nhảy này, vì không có dù, ở thời khắc sau cùng, Luke Aikins phải lật người lại, lưng chạm lưới trước, đơn giản vì giới hạn tự nhiên của cơ thể học. Nếu mặt/ngực chạm lưới trước, tay chân không “bẻ ngoặt” về sau được, sẽ bị gãy, thậm chí xương sống có thể gãy gập làm đôi.
Trong vòng tay bạn hữu. Ảnh Mark Davis/Getty Images/Stride Gum
Tư thế sau cùng quan trọng tới đỗi Aikins phải luyện tập riêng với các chuyên viên thể dục nghệ thuật “Gymnasts” để quen kỹ thuật xoay người đưa lưng hướng xuống đất. Công việc chuẩn bị, tập luyện, thử nghiệm kéo dài 18 tháng không chỉ nhắm đến đạt tư thế và vị trí lý tưởng lúc Luke Aikins “hạ cánh”, mà còn để giảm thiểu nhiều rủi ro khác, kể cả làm sao chắc 100% để lưới “tóm” được, mà không “tung” Aikins ngược lên trời, hay loại trừ chấn thương cột xương sống v.v.
Nhiều người khó hiểu sao lại có những kẻ thích đùa giỡn tử thần như Luke Aikins. Câu trả lời đơn giản nhất là vì họ thích như vậy. Những kẻ mang tâm hồn chinh phục luôn thích là kẻ đầu tiên. Khác Sir Edmund Percival Hillary (New Zealand) và hướng đạo Tenzing Norgay (Nepal), những người đầu tiên chinh phục đỉnh Mt Everest “nóc nhà thế giới” trong âm thầm tê tái lạnh hôm 29/5/1953, cú nhảy của Luke Aikins năm 2016 còn được TV truyền hình trực tiếp, và thế giới Internet “lên đồng” theo dõi. Gộp tất cả lại, Aikins ngày nay được săn đón thập phần nhiều hơn trước. Ngoài làm cố vấn cho binh chủng nhảy dù Hoa Kỳ và Hiệp Hội Nhảy Dù HK “United States Parachute Association”, thỉnh thoảng chụp không ảnh nhảy dù đăng trên các tờ báo và tạp chí thế giá, Luke Aikins còn được mời đi diễn thuyết khắp thế giới, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, những cuộc ra mắt ngắn ngủi nhưng phong bì dày cộm, kể cả nhận lời làm MC trong các sự kiện đặc biệt.
Luke Aikins và đồng đội bay trên đồi Hollywood. Ảnh Andy Farrington/Red Bull/Getty Images
TTD