Nhìn xem thật đơn giản, chỉ với hai cột dọc, một xà ngang, và mành lưới, nhưng có thể nói, trên sân đá banh, khung thành chẳng những dễ nhận diện, mà còn đóng vai trò rất quan trọng, chỉ thua trái banh tròn.

Toàn bộ chiến lược, chiến thuật, mưu mẹo của đá banh tựu trung quy về chỗ này, với một bên tìm mọi cách bắn phá khung thành đối phương, nhắm tới mục đích tối hậu là đưa trái banh vô lưới. Một trong những tài liệu sớm nhất của văn sĩ người Anh, Joseph Strutt, ghi lại vào năm 1801, đã diễn tả một cách rất chung chung “Khung thành thường được làm với hai khúc cây cắm xuống đất”. Suốt thế kỷ 19, và sang tận thập niên 1980 của thế kỷ 20, khung thành với cột gỗ phổ biến nhất. Chỉ trong khoảng 40 năm gần đây, khung thành làm bằng kim loại hoặc Aluminium thật nhẹ mới trở nên ngày càng phổ thông.

Đá banh đầu thế kỷ 20. Ảnh www.fourfourtwo.com

Một trong những luật chơi đá banh xưa nhất còn được lưu lại là bản quy tắc năm 1832 của trường Uppington School ở phía Bắc London, quy định “Một bàn thắng được ghi khi trái banh được đưa qua giữa hai cột dọc khung thành”. Ðến năm 1848, mới thấy viện Ðại Học lừng danh University of Cambridge đặt luật cho các trận đá banh giữa sinh viên trong trường: “Có bàn thắng khi trái banh được đá xuyên qua giữa hai cột dọc và bên dưới sợi dây (giăng ngang trên đầu cột dọc)”. Cũng chính Ðại Học Cambridge trong một bản tường trình thể thao đầu thập niên 1860, đã xác định “Khung thành nên có hai cột dọc đứng thẳng và cách nhau 15 feet (khoảng 4.5m)”. Ðến năm 1863, Hiệp Hội Ðá Banh Anh Quốc, English Football Association (EFA), chánh thức ra luật hai trụ cột dọc phải cách xa nhau 8 yard (nghĩa là 24 feet, tương đương 7.32m), là quy định còn áp dụng đến ngày nay. Chú ý là tới thời điểm này, vẫn chưa thấy đề cập gì tới xà ngang hay tấm lưới. Tới lúc này, nhiều sân banh còn thô sơ, “khung thành” chỉ là hai trụ cột dọc, không có xà ngang, cũng có nghĩa cầu thủ có thể được công nhận ghi bàn thắng cho dù trên thực tế đã “bắn chim” lên trời 20-30 feet (6 tới 9m).

Khung thành năm 1894. Ảnh en.wikipedia.org

Phải mất ba năm nữa, đến 1866, EFA mới ra quy định cho gắn thêm miếng băng keo chạy ngang qua đỉnh hai trụ cột dọc, với chiều cao 8 feet hay 2.44m tính từ mặt đất. Lại một thập niên nữa trôi qua, sân cỏ đá banh mới bắt đầu có mặt các xà ngang bằng gỗ, thay thế miếng băng keo tạm bợ. Trận chung kết FA CUP năm 1892, với West Bromwich Albion hạ Aston Villa 3-0, được xem như là lần đầu tiên có khung thành với đầy đủ xà ngang lẫn lưới ra mắt khán giả.

Khung thành vuông năm 1961. Ảnh en.wikipedia.org

Qua thời gian, để khuyến khích bàn thắng & giúp trò chơi đá banh thêm hấp dẫn khán giả, không ít lần đã thấy các đề xướng thay đổi kích thước của khung thành (thí dụ nới mỗi bên cột dọc thêm đôi ba trái banh, hoặc nâng xà ngang lên thêm đường kính trái banh). Nhưng đến nay, các xu hướng này đều bị chìm xuồng. Một thay đổi khác, mang tính cách tự nhiên hơn, là hình dáng xà ngang cột dọc. Trước năm 1920, phần lớn các khung thành còn làm bằng gỗ, cột hình vuông. Dần dà xuất hiện nhiều trụ khung thành có cột hình tròn. Phải tới tận năm 1987, sau World Cup Mexico 1986, Liên Ðoàn Ðá Banh Thế Giới FIFA mới hoàn toàn cấm tiệt các sân banh gắn trụ khung thành hình vuông.

Sân Cộng Hòa, Quận 10 Sài Gòn trước 1975. Ảnh nhacxua.vn

Khung thành hiện đại có “Censors” (những đốm đen) giúp xác định banh đã bay qua vạch vôi hay chưa. Ảnh www.goal.com

Xà ngang chậm xuất hiện, rồi chuyển từ chất liệu băng keo, sang gỗ, đến kim loại, cũng không ngoài ảnh hưởng bất di bất dịch của trọng lực. Xà ngang băng keo dễ… bay, lỏng lẻo, tới xà ngang bằng gỗ lại bị mục, hay xệ. Các khung thành đúc bằng sắt thép nặng nề, rỉ sét, thiết kế vụng, trong quá khứ không ít lần đã ngã sụp gây thương tích, thậm chí cả tử vong. Ngày nay, tuy khó thấy với mắt thường, nhưng kỳ thực, xà ngang được bẻ hơi cong, vểnh lên trên một tí, để đối kháng trọng lực kéo xuống. Các khung thành thời hiện đại tiến triển nhanh theo hai hướng “High Tech” và an toàn. “High Tech” giúp quyết định banh đã “vô lưới” ngày càng chính xác hơn. Trước kia các khung thành bị chôn chặt xuống đất, vừa mất công, nặng nề, vừa khó chăm sóc, sửa chữa, điều chỉnh. Ngày nay, có chất liệu mới, chẳng hạn như Aluminium, giúp các khung thành bền vững hơn, vừa nhẹ, dễ cất giữ hay di chuyển, mà lại an toàn hơn nhiều, nhất là cho trẻ em.

Khung thành hiện đại rất bền, nhẹ, dễ di chuyển. Ảnh engagingplaces.files.wordpress.com

TTD