Ngày 24-6-2022, một tiếng nổ kinh hồn, những tia lửa bắn ra tứ phía như một chiếc pháo bông khổng lồ, khi một chiếc hỏa tiễn của phe thân Nga phóng đi từ thành phố Alchevsk, Luhansk đột ngột đổi đường bay, quay lại chính nơi phóng.  Nhiều video đã đăng lại khoảnh khắc này (https://www.youtube.com/watch?v=6IwqmezeSuQ).

Các chuyên gia quân sự gọi hiện tượng này là “Boomerang missle”…

Dàn phóng hỏa tiễn 300PMU của Nga tại Syria  

Boomerang missle là gì?

Boomerang là tên gọi một loại vũ khí bằng gỗ có hình chữ V của thổ dân Úc. Khi được phóng đi nó sẽ quay trở lại chỗ người ném.

Một hỏa tiễn có đường bay ngược về nơi phóng, được ví như một chiếc “boomerang” mang chất nổ, dĩ nhiên là sát hại chính chủ nhân của nó.

Trước đây giới quân sự Mỹ từng hé lộ rằng, họ có thể “bẻ cong” đường bay hỏa tiễn của đối phương, thậm chí cho nó phát nổ ở ngay tại nơi nó xuất phát. Lời úp mở này được tung ra khi Trung Quốc khoe khoang vũ khí nguyên tử và Kim Jung Un hăm he phóng hỏa tiễn xuyên lục địa, và không hiểu sao những cú phóng của Bắc Hàn sau đó đều thất bại, nhiều hỏa tiễn đã nổ tung chỉ sau vài giây xuất phát.

Bàn tay vô hình

Trong năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 9 cuộc thử hỏa tiễn (tầm xa) xuyên lục địa (Inter-continental ballistic missile) có thể đạt đến 5,500 km (3,417 dặm), mang đầu đạn hạch tâm.

Trước đó, ngày 17 tháng 4 năm 2017, cuộc thử nghiệm bị thất bại. Hỏa tiễn nổ tung trên không, chỉ sau vài giây xuất phát, cát đá bay mù mịt, bắn cả vào phòng quan sát. Những hỏa tiễn tiếp theo đều trục trặc, khi thì nổ banh xác trên giàn phóng, cái thì gãy cánh nửa chừng. Một vụ thử khác của Triều Tiên từ tàu ngầm Pukguksong-1 cũng thất bại thê thảm, không chỉ bất thành mà còn làm sứt gọng cả chiếc tàu ngầm.

Xem thêm:   Về mùa lễ Phục Sinh

Một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo của Iran vào ngày 25 tháng 1 năm 2017 cũng đã nổ tung ngay sau khi phóng.

Thế giới xầm xì về
những “trục trặc kỹ thuật” bí ẩn này. Cựu Ngoại trưởng Anh, ông Malcolm Rifkind, trong cuộc phỏng vấn với BBC giải mã “Tôi tin rằng Hoa Kỳ, đã dùng kỹ thuật tin học để can thiệp các thử nghiệm này.”

Tiến sĩ Bruce Emerson Bechtel Jr., Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu An Ninh tại Ðại học Angelo State, San Angelo, Texas, tiết lộ “Tôi đoán, đây là do hoạt động của Stuxnet (một loại virus điện toán được tạo ra để xâm nhập vào các hệ thống kiểm soát, từng quậy banh chương trình hạch tâm của Iran năm 2010), được Mỹ và Israel thiết kế và sử dụng.”

Malcolm Rifkind, Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh

Kỹ thuật phá hoại

Có nhiều cách để ngăn chặn một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn trong đó có cách gây nhiễu hệ thống dẫn đường, bằng cách nào, thì vẫn còn bí mật. Giờ đây, chúng ta đang thấy các kỹ thuật mới để đánh lừa hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đối phương và cho phép “gỡ” đầu đạn ra trong khi hỏa tiễn vẫn bay đến mục tiêu.

Khi hỏa tiễn Nga bị đổi ngược đường bay hôm 24 – 6, nhiều người tin rằng có “bàn tay” của Mỹ. Dĩ nhiên, Mỹ lắc đầu nguầy nguậy, có 3 lý do: thứ nhất, muốn giữ vai trò vô can. Thứ hai, không dại gì nhận mình là tin tặc, thứ 3 là giấu bài.

Ngoài việc xây dựng lá chắn phòng thủ (Missile Defense Systems), kích nổ hỏa tiễn đối phương trên không, các chuyên gia vi tính Mỹ tìm cách đột nhập vào hệ thống điều khiển của đối phương.

Muốn xâm nhập vào hệ thống điều khiển hỏa tiễn của đối phương, không dễ, cần nhiều bước, thứ nhất phải xác định vị trí đặt pháo, điều này Mỹ cần tin tức của các điệp viên và thông tin từ các vệ tinh nhân tạo quân sự. Thứ hai, là phải “bẻ” được khóa mật mã, thứ ba là giải được tín hiệu và cuối cùng là làm chủ được chương trình điều khiển mà đối phương không hay biết. Và cuối cùng cài đặt “bọ” điện toán trước khi rút đi.

Xem thêm:   Tháng Ramadan

Trong lãnh vực dân sự, kỹ thuật thu hồi hỏa tiễn trở lại bệ phóng đã được Elon Musk nghiên cứu áp dụng cho phi thuyền vũ trụ SpaceX. Ðây là kỹ thuật mới, nhằm giảm chi phí sản xuất và rút ngắn thời gian chuẩn bị. Ngay cả khi có đầy đủ thông số kỹ thuật, việc “vẽ” đường bay cho hỏa tiễn trở lại điểm xuất phát cũng rất nhiêu khê. Trước đây NASA đã nhiều lần thử nghiệm vẫn không thành công. Ðột nhập vào hệ thống điều khiển của địch quân đang giăng bẫy và phòng ngự kín mít còn gian nan vạn lần!

Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Iron Dome của Do Thái do Mỹ thiết kế nguồn ảnh: www.dw.com

Cuộc đua sinh tử

Kỹ thuật vũ khí trên thế giới luôn thay đổi luôn phát triển, nước Mỹ luôn chuẩn bị chống lại  các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, cho mình và cả đồng minh. Phòng thủ hiệu quả nhất là phải tìm hiểu kẻ thù đang mày mò nghiên cứu cái giống gì.

Giàn phóng S300 của Nga được xem là hàng “thượng thặng” với những kỹ thuật tân kỳ nhất, chi phí cho mỗi giàn trên 100 triệu đô la. Chính sự “tân kỳ” này mà Trung Quốc đã hăm hở đặt mua cả đống S300 của Nga trị giá 2 tỉ đô la. Ngoài Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, còn có Iran, Algeria, Armeni, Azerbaijan, Belarus, Ai Cập, Ấn Ðộ, Bắc Hàn…

Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ cũng phải được nâng cấp và phát triển. Không còn là những ngày đầu của Sáng kiến ​​Phòng thủ Chiến lược (Strategic Defense Initiative), có biệt danh là “Chương Trình Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Star Wars Program), do Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng năm 1983.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Hỏa tiễn mỗi ngày một cải tiến, như hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic missiles) bay nhanh hơn, khó phát giác và khó chống đỡ hơn.

Các căn cứ quân sự của Mỹ rải khắp thế giới, riêng tại Alaska có 2 trạm chuyên dò tìm và thử nghiệm hỏa tiễn là Trạm Quan Sát Không Gian (Clear Space Force Station) ở Denali Borough và Căn cứ Pháo đài Greely (Fort Greely Army Base) ở Fairbanks. Gồm các hệ thống phòng thủ để đánh chặn hỏa tiễn tấn công từ bệ phóng hoặc những hỏa tiễn đang bay giữa không trung. Một trong những kỹ thuật mới nhất của Lockheed Martin là Hệ Thống Chiến Ðấu Aegis (Aegis Combat System) có thể triệt hạ hỏa tiễn phóng từ trên không hay dưới nước, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bằng hạch tâm.

Sơ đồ hoạt động của Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Iron Dome của Do Thái do Mỹ thiết kế nguồn ảnh: https://inf.news/en/military

Bình an dưới thế

Hoa Kỳ hiện là quốc gia có hệ thống phòng thủ mạnh nhất hành tinh, đầu tư hàng tỷ đô la để trợ giúp các đồng minh của mình với các hệ thống phòng thủ của riêng họ, chẳng hạn như Iron Dome – một hệ thống phòng thủ tinh vi, gọn nhẹ được thiết kế riêng cho Israel.

Ngoài việc thụ động như phản pháo, lắp đặt hệ thống phòng thủ, chủ động hơn là xâm nhập làm rối loạn hệ thống radar của địch quân, tấn công vào các vị trí đặt pháo, đột nhập vào hệ thống điều khiển của đối phương.

Với khoản đầu tư trên 200 tỉ đô la trong mấy thập niên qua, đã cho nước Mỹ thành lập được một hệ thống phòng chống hỏa tiễn chưa ai sánh kịp.

Trước sự tiến triển của Hoa Kỳ, Triều Tiên và những quốc gia thù nghịch cũng ráo riết thử nghiệm, sáng chế những đầu đạn siêu tốc, nguy hiểm hơn. Chẳng hạn Trung Quốc và Nga đang sở hữu hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic missiles) với tốc độ 15,000 dặm/giờ (khoảng 24,140 km/giờ) khó phát giác và ngăn chặn.

Những bộ óc thông minh nhất của nước Mỹ, có thể trong số đó có những con cháu người Việt chúng ta, cũng không bao giờ ngưng nghỉ, miệt mài ngày đêm để tìm ra các giải pháp chế ngự và giữ an bình cho thế giới.

TA