Lâu lắm rồi cả nhà mới được coi một bộ phim hoạt hoạ mà cha mẹ con cái, lớn nhỏ gì cũng khoái. Tưởng đây chỉ là một bộ phim giải trí cho trẻ con, ai ngờ người lớn coi cũng phải thích. “Super Mario Bros Movie” vừa ra rạp mới mấy ngày mà đã vượt kỷ lục $200 triệu tại phòng vé, chắc chắn sẽ còn leo cao hơn nữa. Coi xong chỉ biết nói “Wow!”

Nguồn ảnh: Universal Pictures       

Không phải nói chắc ai cũng biết Mario là một nhân vật video game lừng lẫy, ra đời vào giữa thập niên 1980 — thời cực thịnh của những trò chơi điện tử thế hệ thứ nhất như Pac-Man mà ta chỉ có thể chơi tại các tiệm video arcade. Năm 1981, Nintendo tung ra game Donkey Kong, khởi đầu cho một chuỗi video game franchise cực kỳ thành công, trong đó Mario là franchise có doanh thu cao nhất.

Nguồn ảnh: Nintendo

Đây không phải lần đầu Mario được dựng thành phim. Năm 1993 Nintendo hợp tác với Hollywood Pictures để làm một bộ phim “người thật”, tức “live action” về hai nhân vật anh em Mario và Luigi, với Bob Hoskins trong vai Mario. Bộ phim ấy thất bại nặng nề; Nintendo bị mất mặt đến nỗi công ty phải dẹp hàng loạt một số dự án tiếp theo. Nhưng lần này, với Chris Pratt lồng tiếng cho Mario, xem ra Nintendo đã gỡ lại được tên tuổi và… hốt thêm mớ bạc.

Nguồn ảnh: Universal Pictures

Trong thế giới phim hoạt hoạ, những người đóng vai các nhân vật bằng hình được chọn rất cẩn thận mặc dù họ không xuất hiện trên màn ảnh. Họ phải là các tài tử gạo cội có khả năng kiến tạo và biến đổi nhân vật hạp theo ý mình, dĩ nhiên với sự đồng thuận của đạo diễn. Trong phim Super Mario Bros mới nhất này, Charlie Day được hầu hết các nhà phê bình đánh giá cao trong vai phụ Luigi. Cốt truyện xoay quanh chuyện Luigi bị gã Bowser bắt nhốt; Mario phải xả thân giải cứu em mình.

Nguồn ảnh: Universal Pictures

Khác với bộ phim làm năm 1993, lần này câu chuyện được giản lược đến mức không thể nào giản dị hơn. Ta có thể tóm gọn nó trong vỏn vẹn một câu: “Vua gian hùng của Koopa muốn chiếm đoạt Mushroom Kingdom để cưới công chúa Peach” (do Anya Taylor-Joy thủ diễn). Nhiều người chê cốt truyện thường quá, chẳng có gì để bất ngờ hay ngạc nhiên. Nhưng có lẽ chính nhờ vậy mà bộ phim lại thành công — bởi làm cho mọi chuyện rối rắm thì dễ, chứ làm cho đơn giản mà đẹp khó vô cùng.

Nguồn ảnh: Universal Pictures

Tuy Mario xuất hiện lần đầu tiên trong game Donkey Kong năm 1981, nhưng phải đến năm 1985 nó mới trở thành chuỗi game riêng. Tính đến nay, Nintendo đã phát hành gần 50 video game các kiểu với nhân vật Mario. Trong phim, Donkey Kong (Keegan-Michael Key) đóng một vai phụ quan trọng — vừa là đối thủ của Mario vừa là “đối tác chiến lược” trong trận quyết tử với gã vua Bowser.

Nguồn ảnh: Universal Pictures

Bất ngờ lớn nhất, và cũng là điểm son của phim, chính là màn diễn xuất tuyệt vời của tài tử Jack Black trong vai Bowser, vua của xứ Koopa. Nhiều người có lẽ biết đến anh từ phim Kung Fu Panda (2008). Black kể anh đã phải thử nhiều kiểu giọng khác nhau cho nhân vật Bowser của mình, kể cả giọng Anh và giọng dân ruộng miền Nam, trước khi tìm được chất giọng anh cho là thích hợp nhất, dựa trên nhân vật Darth Vader của Star Wars. Black còn là một ca sĩ; bài “Peaches, Peaches, Peaches” anh trình bày trong phim đã vọt lên Top 100 trên iTunes trong vòng chưa đầy một tuần!

Nguồn ảnh: Universal Pictures

Nói về Mario tất nhiên không thể bỏ qua vai trò của Shigeru Miyamoto, nhà thiết kế video game cho Nintendo và là người đứng sau lưng anh thợ sửa ống nước nổi tiếng toàn cầu. Rút kinh nghiệm từ thất bại 30 năm trước, Miyamoto nói lần này Nintendo và đội ngũ chuyên viên Nhật đã đóng góp rất nhiều cho bộ phim về cả nội dung lẫn hình thức. Kết quả là một sản phẩm cực kỳ đẹp mắt với nhiều chi tiết tỉ mỉ đến mức không ngờ. Phim tuy không dài nhưng mãn nhãn; coi xong ta có cảm giác như vừa được ăn một bữa no nê đáng đồng tiền.

Nguồn ảnh: Universal Pictures