VPN (virtual private network) giống như một người lính gác cho trương mục nhà băng của bạn. Khi bạn dùng wi-fi công cộng (tại McDonald’s, Starbucks…) VPN sẽ bảo vệ bạn không bị đánh cắp mật mã, không bị vướng vào các nơi “không an toàn” trên mạng.

Global Web Index báo cáo 25% người dùng internet đã dùng VPN trong tháng vừa qua; thị trường VPN sẽ tăng đến 35 tỷ đô la vào năm 2020. Tuy nhiên không phải dịch vụ VPN nào cũng có mức độ an toàn và đáng tin cậy như nhau.

Các chuyên gia an ninh đặc biệt lưu ý người dùng về VPN miễn phí, nhất là VPN nằm ngoài Hoa Kỳ, đặc biệt là VPN của “xứ lạ” (“xứ lạ” cấm người dân của mình dùng VPN mà sao lại tốt bụng cho người dân các xứ khác dùng VPN của mình hoàn toàn miễn phí?)

Nói chung, giá chúng ta phải trả cho việc dùng VPN miễn phí là cung cấp tin tức cá nhân cho các công ty VPN!

Khoảng 86% VPN apps chạy trên hệ thống điều hành Android và iOS có “điều khoản và điều kiện” – theo các chuyên gia an ninh “thối” không thể tả kể cả việc chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng với Bắc Kinh. Báo cáo an ninh của hai công ty khác nhau về 10 VPN miễn phí đứng hàng đầu của Android và iOS năm 2018 xác nhận điều này.

Tháng Bảy 2019, Apple nói sẽ trừng phạt các công ty VPN miễn phí vi phạm việc chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng với các công  ty khác. Trên thực tế, 80% các công ty cung cấp dịch vụ VPN miễn phí trên iOS vẫn tiếp tục chia sẻ tin tức của người dùng.

Phần Android còn tệ hại hơn nữa: 77% các app VPN miễn phí bị đánh giá “không an toàn”; 90% các apps này nằm trong danh sách Free VPN Risk Index.

Các chuyên gia an ninh còn khám phá ra các apps VPN miễn phí còn gắn bọ điện toán vào máy của người dùng và gửi rất nhiều quảng cáo đến người dùng.