Nguyễn Kim Phượng –

Norcross, GA – Tôi định cư ở tiểu bang Georgia mới hơn ba năm nhưng rất nhiều chuyện buồn vui trong thời gian xa xứ lập nghiệp, nhất là khi chọn một cái nghề để mưu sinh và xây dựng gia đình nơi vùng đất mới.

Thật vậy, mùa đông năm ấy tôi từ giã gia đình bè bạn, anh em để bay đến Cao nguyên Georgia, tiểu bang thứ 13 của nước Mỹ, nơi “Cuốn theo chiều gió” làm say đắm lòng người. Một vùng đất của “ Coca-Cola” cùng hãng thông tấn CNN và nhiều địa danh kỳ thú, nhất là nơi chứng kiến thời kỳ nội chiến Bắc Nam. Nhưng rồi Georgia đã vượt qua tất cả để vươn lên trong hoang tàn đổ nát. Tôi đến đây mang tâm trạng người xa xứ buồn vui lẫn lộn, cố quên kỷ niệm xưa để cùng chồng con lập nghiệp.

Được em trai giới thiệu, tôi vào tiệm Nails của đứa em đồng hương để làm bước đầu. Nhưng chưa được bao lâu thì phải chuyển đến nơi ở mới để chồng con đi làm và đi học thuận tiện hơn. Lại chia tay, bước đi bịn rịn vô cùng. Tôi và con gái được gia đình một đồng hương trẻ người Quảng Nam cưu mang, đón chúng tôi về ở chung nhà và dành cho gia đình cả một basement để sinh hoạt. Tuy hơi chật chội nhưng vẫn thấy hạnh phúc lắm thay!

Rồi chúng tôi được vào chỗ làm mới. Tiệm có tên “Nails of N/Y”, cách xa nhà ở chừng 30 phút lái xe. Tiệm tuy không rộng nhưng ấm áp, cách bài trí cũng nhẹ nhàng nhưng có nét chấm phá dễ thu hút khách. Hằng ngày vợ chồng em chủ chở chúng tôi đến tiệm, tối chở về như người trong một gia đình. Qua Mỹ ban đầu có một chỗ ở, có một việc làm như thế thật ấm lòng. Tuy tôi có người em ruột bảo lãnh đoàn tụ, nhà cửa khang trang, nhưng vì ở xa nơi làm mới nên không chung sống cùng nhau như ước muốn ban đầu được.

Từ chỗ bỡ ngỡ chưa quen với công việc, được các em tạo điều kiện giúp đỡ, dần dần các thao tác “chân tay nước” thuần thục hơn, cách tiếp cận với khách hàng được cải thiện đáng kể. Có một kỷ niệm khơng bao giờ quên; nó nhắc nhở tôi mỗi lần làm đẹp cho khách – nhất là những vị khách khó tính, từng cử chỉ, từng thao tác không vì lợi nhuận trước mắt mà làm qua loa cẩu thả.

Nhớ lại, hôm ấy vào một buổi chiều mùa Thu, khi thời tiết chuyển mùa êm ả, những chiếc lá vàng đang khoe sắc trên cành, tôi ngồi vào bàn với tâm trạng buồn man mác nhớ quê. Người đàn bà da màu ghé vào tiệm, sau vài câu chữ xã giao vừa học được, tôi mở nước và bắt đầu làm việc. Mặc dù cô chủ có dặn dò trước, và tôi cũng chú tâm vào công việc của mình, thế mà không hiểu sao mũi kiềm không chìu lòng người. Ngay chỗ khoé chân tôi để ý làm cẩn thận cho thật sạch ấy lại có rịn ra chút máu. Lúc ấy tôi loay hoay lấy bông và thuốc sát trùng lau sạch vết xước và luôn miệng nói lời sorry trước mặt bà ta, nhưng hình như vị khách này đang toan tính điều gì nên vẻ mặt đăm chiêu lạ thường. Bà ta không nói chẳng rằng gì, lại tỏ ra khó chịu lắm. Xong việc, tiễn bà ta ra cửa tôi vẫn còn nói với theo lời xin lỗi và chúc bà ngủ ngon.

Than ơi! Ngày hôm sau và những ngày kế tiếp vị khách kia vừa gọi điện thoại, vừa đến tiệm để bắt đền. Bà ta nói vết thương đau nhức không đi làm được. Lưỡng nan tấn thối, điều đình không xong, tôi và cô chủ đành chung tiền lại gởi bà ta bồi dưỡng thuốc men, ăn uống, mong mọi chuyện được êm đẹp. Thế là gần một tháng lương làm nails ban đầu đi đứt theo cái bàn chân và buổi chiều nghiệt ngã ấy. Sau sự cố, chồng con tôi hiểu chuyện đã động viên an ủi nên tôi thấy ấm lòng mà tiếp tục nghề nails để mưu sinh.

Bây giờ chúng tôi đã có mái ấm gia đình riêng tại thành phố Norcross. Hằng ngày tôi vẫn đến nhà vợ chồng em chủ ở Doraville để cùng đi đến tiệm làm. Tay nghề của tôi giờ cũng đã cứng cáp hơn nhiều. Khách quen luôn yêu thương hài lòng với công việc mà tôi làm cho họ, và tôi cũng luôn niềm nở thân thiện với họ, cho dù khách quen hay vãng lai.

Xin được cám ơn nước Mỹ, cám ơn nghề Nails, cám ơn vợ chồng cô chủ trẻ luôn khoan dung, vị tha, nhân hậu. Chính nhờ vào cái nghề này mà chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, vợ chồng con cái được sum vầy trong mái nhà chung ấm êm hạnh phúc. Kỷ niệm buồn ngày mới định cư và nhất là khi mới chập chững làm quen với nghề Nails luôn nhắc nhở tôi trong công việc hằng ngày, cho tôi vốn sống trên con đường mưu sinh lập nghiệp nơi quê người.

Nhớ lại chuyện xảy ra ngày ấy luôn dâng trào trong tôi một cảm xúc thật khó quên trong đời!

Nguyễn Thị Kim Phượng