Hỏi

Xin bác sĩ giải thích về hiện tượng rụng tóc. Cám ơn bác sĩ.

(VL)

Trả lời

Rụng tóc là một hiện tượng bình thường xảy ra ngay từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, khi cao tuổi, tóc rụng nhiều hơn nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng, hoặc do ảnh hưởng của một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu hoặc do vài loại thực phẩm.  Ngoài ra, khi về già tóc khô, giòn, dễ rụng vì các tuyến nhờn kém họat động.

Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng. Lông nách và lông mu cũng chịu cùng số phận.

Bảo Huân

Dược thảo

Hỏi

Xin bác sĩ cho biết những điều cần lưu ý khi dùng dược thảo.

Cám ơn bác sĩ.

(KL)

Trả lời

Tại Hoa Kỳ, Tây y được xây dựng trên căn bản sinh hóa học hiện đại. Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm có nhiệm vụ điều hợp thực dược phẩm, bảo vệ sức khoẻ con người, thường nhìn dược thảo với con mắt dè dặt, nghiêm khắc. Họ cho rằng dược thảo không có công dụng trị liệu và nguy hiểm. Bác sĩ Marcia Angel, Chủ bút tập san Y học uy tín New England Journal of Medicine kêu gọi dân chúng đừng tự chữa bệnh bằng dược thảo vì có nhiều thành phần được pha thêm vào như chì, thạch tín… rất nguy hiểm. Còn giáo sư dược khoa nổi danh Varro Tyler cho là độc tính lâu dài của dược thảo cần được theo dõi vì có tác dụng phụ thường được che giấu hoặc giảm thiểu.

Xem thêm:   Đau nhức - đau lưng

Dù vậy, dược thảo vẫn được người dân tiêu thụ, vì thói quen “có bệnh thì vái tứ phương”, và có ngay khi cần, không phải mất công lấy hẹn, ngồi chờ bác sĩ, cũng như khi gặp những trọng bệnh mà Tây y bó tay.

Tuy nhiên cũng nên lưu ý mấy điểm sau đây để tránh chuyện chẳng lành:

  1. Thông báo cho bác sĩ nếu đang dùng dược thảo để tránh tác dụng không tốt giữa Tây dược và dược thảo. Ví dụ như không dùng ginkgo biloba (bạch quả) với thuốc trị đau nhức Aspirin, thuốc ngừa tai biến não Ticlid, Persantine; âu dược trị trầm cảm với St John Wort…
  2. Không dùng dược thảo khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, không cho con nhỏ dùng dược thảo vì ở trẻ em và thai nhi, gan chưa đủ sức vô hiệu hóa độc chất của dược thảo.
  3. Tuy dược thảo có nguồn gốc thiên nhiên nhưng không thiên nhiên với cơ thể con người. Cho nên thuốc có thể gây bất lợi khi dùng, nhất là vì thiếu kiểm soát nên thành phần không thống nhất, phẩm chất không tinh khiết, đôi khi pha lẫn chất có hại cho cơ thể.
  4. Không nên dùng dược thảo quá vài tuần lễ vì sự an toàn khi dùng lâu dài chưa được chứng minh, cũng như không dùng quá nhiều vì nguy cơ gây độc cho gan và thận. Ngoài ra, không nên dùng nhiều dược thảo khác nhau một lúc vì có thể gây tác dụng tương phản của thuốc.
  5. Dược thảo cũng có tác dụng phụ như bạch quả gây xuất huyết; mã hoàng (ephedra) gây tăng huyết áp, nhức đầu, rối loạn nhịp tim; St John Wort làm chóng mặt, mệt mỏi khô miệng, mất định hướng…
Xem thêm:   Giải trí cho người lớn tuổi (kỳ 2)

Và cuối cùng là không nên quá tin tưởng ở lời quảng cáo, giới thiệu của nhà sản xuất vì những lời này không được cơ quan trách nhiệm xác định giá trị. Ðồng thời cũng nên tìm hiểu về đặc tính trị liệu của loại dược thảo đang dùng.

BS NÝĐ