Mất trí nhớ là bệnh tuy không làm chết người nhưng lại là bệnh đáng sợ nhất của người già. Đến nay chưa có thuốc nào điều trị bệnh này. Nhiều người e ngại trong việc tìm hiểu xem mình có bị mất trí nhớ không, điều này là một sai lầm. Nếu được khám phá sớm, bệnh có thể được điều trị để làm chậm lại tiến trình mất trí nhớ. Dưới đây 5 dấu hiệu ban đầu của bệnh mà người ta có thể nhận thấy nếu chú ý.

1. Phải gắng sức với công việc thường làm. Một số việc thường rất dễ làm, nay bỗng trở nên khó khăn như giặt quần áo, nấu một món ăn, truy cập vào tài khoản ngân hàng, trả tiền điện nước… đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh mất trí nhớ.

2. Không phối hợp được các ngón tay. Những vận động nhỏ dễ bị ảnh hưởng của bệnh mất trí nhớ. Điều mà người ta có thể nhận ra ngay là thình lình thấy khó khăn trong việc cột dây giày hay cài nút áo. Nếu bị vấn đề này nên khám với bác sĩ. Không nên lo vì triệu chứng suy thoái nhận thức này không luôn luôn đưa tới bệnh mất trí nhớ.

3. Dễ bị lạc. Tự nhiên bị lạc đường trong một khu vực rất quen thuộc trước đây, hoặc mất cảm giác về thời gian ví dụ như thình lình không nhận ra là buổi sáng hay buổi chiều. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự bất thường về nhận thức, và cũng là cảnh báo của bệnh mất trí nhớ.

Xem thêm:   Đau nhức - đau lưng

4. Tìm không ra chữ. Đang nói chuyện thình lình bị khựng lại vì không tìm ra được từ ngữ mình muốn với cảm giác đầu óc trống rỗng. Nếu điều này xảy ra nhiều lần, phải đi gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và đánh giá về vấn đề nhận thức. Ngoài ra, nếu gặp tình trạng lặp lại một chữ hay một câu nhiều lần cũng là dấu hiệu ban đầu của bệnh mất trí nhớ.

5. Buồn rầu ủ rũ. Có nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tới tâm trạng, vì vậy đơn thuần bị buồn rầu ủ rũ chưa phải là dấu hiệu bị mất trí nhớ. Nhưng nếu buồn rầu ủ rũ đi kèm theo việc thay đổi tâm trạng và cách cư xử thường có như thu mình lại, giảm tiếp xúc, cáu kỉnh… thì có thể là dấu hiệu bị mất trí nhớ.

Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ giải thích về những thay đổi trong trí nhớ, suy nghĩ, và sự ứng xử  mà họ chú ý. Điều này giúp cho bệnh nhân và người thân trong gia đình hiểu rõ  hơn và giảm bớt lo lắng.