Người ta dễ dàng bỏ qua những thay đổi của mắt và xem đó chỉ là do mình đã già đi nên mắt yếu. Nhưng những thay đổi ở mắt có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể đưa tới mù mắt hoặc là biểu hiện của một số bệnh khác. Vì vậy khám mắt thường xuyên sẽ giúp bảo vệ khả năng nhìn của mắt và phát hiện bệnh khác. Dưới đây là một số vấn đề cần quan tâm.
- Dấu hiệu cho thấy mắt có vấn đề. Nếu thấy có thay đổi khi nhìn sự vật, tốt nhất là nên tham khảo ngay với bác sĩ chuyên về mắt. Những thay đổi này bao gồm: khả năng nhìn giảm ví dụ như thấy khó khăn khi đọc chữ nhỏ, nhìn màu không rõ, tròng mắt bị lệch (lé) hay bị mỏi khi nhìn lâu, nhức đầu vào cuối ngày, mắt bị đau hoặc ngứa kéo dài, mắt bị đỏ, nhìn một vật thành 2 ảnh (double vision), đốm đen nhỏ bay lượn lờ khi nhìn, nhìn thấy vật có hào quang, thấy có điểm sáng lóe khi nhìn.
- Khi nào cần đi cấp cứu. Nếu thình lình bị mất thị giác ở một hoặc cả 2 mắt, cần đi cấp cứu ngay. Trong một số trường hợp, việc mất thị giác này có thể trở thành vĩnh viễn, nghĩa là bị mù hẳn, và trong một số trường hợp khác còn có thể gây chết người. Việc mất thị giác thình lình có thể là: khi nhìn sự vật bị mờ đi, hoặc nhìn thấy tối chung quanh, hoặc thấy có màn đen che phủ một phần hay toàn bộ mắt, thấy ánh sáng chói lóe che phủ một phần hay toàn bộ mắt. Nếu gặp dấu hiệu này phải gọi ngay cấp cứu. Bệnh nhức nửa đầu cũng có thể gây mất thị giác tạm thời trong một khoảng thời gian. Phải thảo luận với bác sĩ xem mình có cần đi cấp cứu ngay hay không.
- Có thể tự kiểm tra mắt không? Mặc dầu tự kiểm tra mắt ở nhà không thay thế được việc khám bởi một bác sĩ, nhưng đó là bước đầu để biết rõ tình trạng mắt. Người ta có thể dùng Snellen chart (xem tại https://www.aao.org/eye-health/tips-prevention/home-eye-test-children-adults) để đo thị lực hoặc dùng Amster grid (xem tai https://www.macular.org/about-macular-degeneration) để xem có bị thoái hóa võng mạc không. Một số loại smart phone cũng cung cấp ứng dụng để khám mắt nhưng cần phải gắn thêm dụng cụ nên cũng không tiện lợi lắm. Ngoài ra màu của mắt cũng thể hiện một số bệnh như ung thư da hay ung thư mắt. Nhưng cần lưu ý là một số thuốc uống, bị chấn thương hay bệnh khác cũng làm thay đổi màu mắt.
(còn tiếp)