Trên đời sống này, ai cũng có những ước mơ, dù lớn hay nhỏ nhưng chắc chắn rằng, những ước mơ đó sẽ rất dễ thương, có những mơ ước lớn lao không thể với được nhưng ta vẫn nghĩ đến, và xem đó là đỉnh điểm để ta cố gắng vươn tới. Tôi đang ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra đường, mùa Hạ cây lá xanh tươi, tôi quan sát bên kia con đường rất rõ, chiếc xe bus ngày nào cũng đỗ gần nhà tôi, các em học sinh lần lượt xuống xe và nhanh chóng bước chân về nhà, ngày hôm sau lại đến trường và mang theo những ước mơ. Tôi đến bên một cậu học sinh, chưa vội về nhà, cậu còn đang mải mê ngắm cảnh hay đang chờ đợi một ai đó, tôi vội vã làm quen rồi nói chuyện trời trăng mây nước, tìm cách nhập đề sao cho hợp lý, cuối cùng tự giới thiệu về mình , cho dù…..cậu ta chẳng buồn hỏi đến???, để thực hiện những điều mà tôi mơ ước khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó là…..viết báo. Tôi bắt tay cậu rồi cười và có cảm tưởng là nụ cười hơi bị… vô duyên, nhưng không sao, xã giao mà.

Lộc Lâm (thứ ba từ trái) thực tập cùng bạn đồng khóa. Photo: LT/trẻ

Lợi Trân (LT): Chào bạn, xin vui lòng cho biết tên và trường bạn đang học.

Thiên phạm: Dạ, tôi tên là Thien Austin Pham, học trường Kennesaw State University, Major: Information Technology

LT: Được sinh ra và lớn lên từ Mỹ, bạn hòa nhập vào học đường rất thuận lợi về ngôn ngữ, bạn có muốn học thêm tiếng Việt không? nếu có, vì sao?

Thiên Phạm: Tôi rất muốn  học thêm tiếng Việt, đơn giản vì nguồn gốc tôi là Việt Nam, muốn tìm hiểu về lịch sử tổ tiên, muốn nhìn cảnh quan đô thị cũng như nhìn những dòng sông hiền hòa uốn khúc bên hàng dừa nước, mà chỉ được biết qua sách vở và phim ảnh, chắc chắn tôi sẽ tìm hiểu và khám phá những gì thuộc về đất nước tôi.

LT:  Bạn có thấy sự kỳ thị chủng tộc thường hay xảy ra trong trường học?

Thiên Phạm: Chúng tôi đi học không có thấy sự kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi rất là hòa đồng, luôn giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau.

LT: Quan niệm của người Việt Nam chữ hiếu đứng hàng đầu, bạn nghĩ sao về điều này?

Thiên Phạm: Thuở bé, tôi vẫn thường nghe bố mẹ dạy rằng: Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra hoặc là “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”, tôi hiểu và thực sự xúc động khi nghe và đọc những câu ca dao này, tôi nghĩ rằng điều mà làm cho bố mẹ vui lòng nhất là thành quả khả quan của sự học tập, vì thế tôi luôn cố gắng học hành chăm chỉ để không phụ lòng bố mẹ.

Thiên Phạm

LT: Ngoài giờ đến trường, bạn có làm thêm công việc nào không?

Thiên Phạm: Tôi đi học về cần học bài ở nhà. Thỉnh thoảng tôi phụ bố dọn dẹp nhà cửa, phụ bố sửa các thứ máy móc để tôi có dịp  học hỏi thêm.

LT: Sau khi tốt nghiệp bạn có dự định nào trong tương lai?

Thiên Phạm: Amazon đã phỏng vấn nhận tôi làm với điều kiện tôi phải đi xa Washington DC, Washington State, Dallas. Nhưng tôi không muốn xa bố tôi, có điều chắc chắn ai tốt nghiệp cũng phải tính cho tương lai.

LT: Cảm ơn bạn, tôi nghĩ bạn là đứa con chí hiếu, được sinh ra và lớn lên từ Mỹ, không đua đòi, sống giản dị và yêu thương cuộc sống gia đình, chúc bạn thành công trên đường học vấn cũng như trên đường đời.

Chiều ngày hôm đó, tôi đi tà tà trong Walgreen, tìm mua cái máy đo huyết áp cho ông anh, gặp một thanh niên đang đứng chăm chú trước hàng bán dụng cụ y khoa, tôi nghĩ có lẽ cậu ấy là một sinh viên ngành y, vội đến làm quen và nhờ chọn giùm máy đo HA, sau khi nói lời cảm ơn tôi vội vàng thăm hỏi vòng vo tam quốc rồi … ngập ngừng đi thẳng vào vấn đề, lại cười mà chẳng biết nụ cười có bị … vô duyên nữa không, nhưng cũng chẳng sao, xã giao mà.

LT: Chào bạn xin vui lòng cho biết tên và trường bạn đang học.

Lộc Lâm: Tôi tên là Lâm Phước Lộc. Hiện nay, tôi đang học tại Philadelphia College of Osteopathic Medicine Georgia Campus (GA-PCOM)

LT: Bạn qua Mỹ năm nào và lúc đó bạn bao nhiêu tuổi?

Lộc Lâm: Tôi qua Mỹ vào giữa tháng 12 năm 2008  Khi đó  vừa được 15 tuổi.

Lộc Lâm diễn thuyết về công trình nghiên cứu y khoa. Photo: LT/trẻ

LT: Môi trường ở Mỹ có thích nghi với bạn không? Cho biết cảm tưởng của bạn khi lần đầu tiên đặt chân trên đất Mỹ?

Lộc Lâm:  Ngày đầu tiên đặt  chân lên nước Mỹ tại tiểu bang Oregon, vừa bước xuống khỏi máy bay,  đã gặp ngay một trận bão tuyết lớn nhất trong một thập niên của tiểu bang. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, một đất nước thuộc vùng nhiệt đới quanh năm mưa nắng, cảm giác lần đầu tiên thấy tuyết và lần đầu tiên thấy được cuộc sống hiện đại của người dân Mỹ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả. Có thể như là một cảm giác thích thú  tò mò về những gì mình sắp được khám phá tại một đất nước mới, xen lẫn với một cảm xúc bồn chồn và hồi hộp vì không biết mình có đủ khả năng để thích nghi với cuộc sống mới mẻ này không. Nhưng rồi năm tháng qua dần, cái cảm giác ngày nào bỗng chỉ là quá khứ vì giờ mình đã thích nghi rất tốt với đất nước Hoa Kỳ và mình tự hào gọi nó là ngôi nhà thứ hai.

LT: Có điều gì quá khó khăn khi bạn đến trường học ngày đầu tiên?

Lộc Lâm: Khi đến nước Mỹ, vốn tiếng Anh của tôi rất là ít ỏi và có thể nói là trình độ chỉ cỡ lớp 1, lớp 2 tại Mỹ. Mình sinh ra tại Bến Tre, Việt Nam và chỉ học tiếng Anh từ trường công lập nên chỉ biết một hai câu giao tiếp như chào buổi sáng hay bạn khỏe không.

Ngày đầu tiên đi học, cũng bởi vì không biết nói tiếng Anh, tôi đã bị xe bus của trường bỏ lại sau khi tan học. Lúc đó tôi rất là hoảng sợ nhưng rất may khi đang ngồi chờ một mình ở ngoài cổng trường, trong lúc trời đang rơi tuyết, một cô giáo ESL tại trường thấy tôi và đã giúp  gọi điện cho người nhà đến để chở  về. Kể từ khi bị bỏ tại trường học, tôi đã thấy được sự quan trọng của việc học tiếng Anh nên đã quyết tâm học cho bằng được ngôn ngữ mới này. Dần dần, khoảng gần sáu tháng sau đó, tôi đã thích nghi nhiều hơn với trường học tại Mỹ và ra khỏi lớp ESL vào khoảng một năm sau đó khi mình đang học lớp 10.

LT: Các bạn học người Mỹ có kỳ thị chủng tộc với bạn không?

Lộc Lâm: Có xảy ra một hai lần với tôi. Nhưng nếu biết cách hóa giải những chuyện nhạy cảm ấy mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Tôi lúc nào cũng lấy câu châm ngôn “một câu nhịn bằng chín câu lành” để giải quyết những chuyện như thế. Mình chỉ  mong là những cá nhân đó có thể ngộ nhận ra sau này về vấn đề kỳ thị chủng tộc và sẽ sống tốt hơn.

LT: Tại trường Y, bạn theo học phân khoa nào?

Lộc Lâm: Hiện nay tôi đang theo ngành Doctor of Osteopathic Medicine gọi tắt là DO tại GA-PCOM. Ngành bác sĩ này được coi là tương đương với Doctor of Medicine gọi tắt là MD. Tại nước Mỹ và đa phần các nước trên thế giới, bác sĩ DO và MD được học chương trình y khoa giống như nhau. Họ đều phải qua huấn luyện 4 năm trường Y và 3-7 năm nội trú. Sau khi học xong, bác sĩ DO có thể cấp thuốc, viết toa, khám chữa bệnh như một bất kỳ bác sĩ nào. Họ cũng có thể làm phẫu thuật cho bệnh nhân trong các chuyên ngành ngoại khoa.

Lộc Lâm (thứ hai từ phải) và sinh viên cùng trường. Photo: LT/trẻ

LT: Bạn có thể cho biết rõ hơn sự khác biệt giữa bác sĩ DO và MD.

Lộc Lâm: Một điều khác biệt giữa DO và MD là họ được huấn luyện thêm về ngành trị liệu xương khớp gọi là Osteopathic Manipulation khi còn là sinh viên Y khoa. Ngành này được sáng lập bởi một bác sĩ MD tên là Andrew Still từ năm 1892. Vào lúc ấy, bác sĩ MD còn rất là thiếu về kiến thức Y khoa nên việc chăm sóc bệnh nhân không được hiệu quả. Thấy được sự thiếu kém ấy, bác sĩ Andrew Still muốn tạo ra một ngành Y khoa có thể trị bệnh tốt hơn và chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện (holistic approach). Do đó ông đã sáng lập ngành Y khoa Osteopathic Medicine để có thể thực hiện mục đích ông đặt ra.

Giờ đây, tại nước Mỹ, đã có hơn  114,425 bác sĩ DO và dự kiến sẽ tăng lên thêm 20% lượng bác sĩ đang làm việc tại Mỹ.

LT: Có khi nào bạn nản chí cho những bài học quá khó có thể vượt xa ngoài sự hiểu biết của mình?

Lộc Lâm: Việc nản chí thì khó tránh khỏi khi một người đang theo học ngành y khoa. Lượng kiến thức về ngành Y rất là nhiều mà thời gian để học nó rất là hạn hẹp. Mỗi ngày đều có nhiều nghiên cứu Y khoa đột phá được đưa ra nên việc trau dồi kiến thức liên tục là điều rất cần thiết cho người học Y.

LT: Người ta nói học ngành Y khoa là học suốt đời và câu nói đó có đúng không?

Lộc Lâm: Rất chính xác. Thế nhưng mặc dù phải học rất nhiều và đôi khi cũng vì thế mà làm nản lòng, tôi lúc nào cũng tự nhủ rằng mình là người chọn con đường này, bởi vì mục đích chính khi mình dấn thân vào trường Y là vì mình muốn dùng kiến thức Y khoa của một Y sĩ để đi giúp những bệnh nhân kém may mắn hơn mình, không có khả năng chăm sóc bản thân họ, và không thể gặp bác sĩ dù chỉ một lần.

Tác giả và Lâm Phước Lộc sinh viên năm thứ ba ngành Y – 2019. Photo: LT/trẻ

LT: Ngoài những giờ đến trường bạn có đi làm thêm giờ để kiếm thêm tiền chi phí cho đời sống của bạn?

Lộc Lâm: Lúc còn đi học 4 năm đại cương tại trường đại học, tôl có làm thêm tại trường và bệnh viện gần trường học. Nhưng khi vào trường Y, tôi phải học rất nhiều nên không có thời gian để làm thêm. Khi học trường Y tại Mỹ, người ta coi nó như là một công việc nên lúc nào cũng dành mọi thời gian cho việc học.

LT: Ước mơ của bạn sau này?

Lộc Lâm: Ước mơ sau này của tôi là trở thành một bác sĩ thật tốt, để có thể đem lại sự chăm sóc tận tình nhất cho bệnh nhân.

LT: Một câu hỏi cuối, bạn có tự hào bạn là người Việt Nam?

Lộc Lâm: Tôi rất tự hào mình là người Việt Nam, và tôi nghĩ rằng, người Việt Nam rất có tài,  có thể sinh sống tại bất kỳ nơi nào và dù khó khăn đến mấy thì họ cũng có thể vượt qua…

LT: Cám ơn, xin chào bạn, chúc bạn sớm đạt được ước mơ của mình và hy vọng sẽ gặp lại bạn trong một ngày đẹp trời nào đó…

Tôi trở về nhà, lên lầu ngồi bên khung cửa sổ, gió chiều thổi nhẹ, vi vu, vạt nắng còn rơi rớt bên đường vì lão mặt trời bận hàn huyên với hàng thông trẻ bên kia đồi, tôi mơ màng ôn lại giây phút chuyện trò ban nãy, một chút suy tư pha lẫn với một chút cảm giác hài lòng, đưa tay mở Laptop trong tâm trạng buồn … ngủ, nhưng thực sự không muốn ngủ lúc này, vì còn phải tận hưởng cái hạnh phúc mà tôi có được là đã thực hiện một phần ước mơ của mình, ngủ rồi thức dậy lỡ quên hết làm sao. Xin cảm ơn hai bạn trẻ Thiên Phạm và Lâm Phước Lộc đã đồng hành cùng tôi làm nên phóng sự này.

LT