Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Anh Tùng tâm sự:

 Nhà tôi là một người đàn bà rất đảm đang, dù phải đi làm vất vả nhưng nhà cửa lúc nào cũng vén khéo, kế hoạch tài chánh cho gia đình đâu vào đó, nhờ vậy mà chúng tôi có được cuộc sống khá sung túc. Tôi hành nghề địa ốc, nên thu nhập có lúc rất khá, nhưng cũng có lúc rất eo xèo.  Việc quản lý tiền nong tôi giao hết cho vợ. Gia đình bên vợ tôi, tất cả đều ở bên Mỹ, nên không phải lo lắng gì. Phần tôi, còn một đứa em gái đang sống ở Việt Nam. Chúng tôi thỏa thuận với nhau, mỗi ba tháng gửi cho gia đình em bốn trăm đô la, để giúp các cháu có tiền ăn học.

Cách đây hai năm, Quỳnh, cô em tôi cùng chồng và ba đứa con được sang Mỹ theo đơn bảo lãnh của tôi hơn mười năm về trước. Ðể tránh tình trạng ở chung có thể xảy ra nhiều điều không hay làm ảnh hưởng đến tình cảm tốt đẹp bấy lâu nay, nên chúng tôi thuê một “apartment” gần chợ Việt Nam cho gia đình Quỳnh. Chúng tôi lo lắng mọi thứ, từ quần áo, thực phẩm trong suốt hai tháng, cho đến khi vợ chồng Quỳnh có việc làm. Vào thời buổi khó khăn, nên việc làm chỉ là tạm thời với đồng lương tối thiểu vừa đủ trang trải tiền nhà, tiền ăn và trả góp chiếc xe mà chúng tôi đã cho Quỳnh ba ngàn đô la để trả tiền “down”. Tuy vậy, cuộc sống của gia đình Quỳnh cũng còn thiếu thốn, chật vật. Không biết Quỳnh có mặc cảm khi nhìn thấy căn nhà mới khang trang và chiếc xe đắt tiền của chúng tôi hay không, nhưng tôi vẫn cảm thấy áy náy, ngài ngại làm sao mỗi khi đến căn chung cư chật hẹp và cũ kỹ của gia đình Quỳnh.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Cách đây bốn tháng, xe Quỳnh bị hư, biết vợ chồng Quỳnh không có tiền sửa, nên tôi viết cái check ba trăm đồng cho Quỳnh. Nhà tôi biết được, cô ấy cự nự một trận và làm giận, làm hờn suốt mấy ngày. Rồi lên lớp cho tôi nào là “Lo như vậy là quá đủ, đã qua đến đây rồi thì nó phải tự túc, chứ đâu phải như hồi còn ở Việt Nam, đừng để nó ỷ lại… con cái ngày càng lớn, nhu cầu càng nhiều, mình còn trăm thứ phải lo, gánh hoài làm sao gánh nổi v.v.”.

Nhà tôi cũng có lý, nhưng thấy em mình khổ, lòng tôi mãi xốn xang. Dĩ nhiên, nếu không có  tôi, vợ chồng Quỳnh cũng tự lo được. Nhưng thấy khổ trước mắt, tôi làm ngơ sao đành! Dù sao, tôi cũng cám ơn nhà tôi đã lo chu đáo cho em tôi khi còn ở VN, cũng như những ngày mới đến Hoa Kỳ.

Mới đây, khi tôi đến thăm, cậu em rể cho biết công việc ở hãng bị bớt nhiều giờ nên muốn tìm việc làm thêm trong những ngày cuối tuần. Cậu đã có nghề chụp hình đám cưới, nên muốn mua sắm máy móc để có phương tiện làm ăn. Quỳnh cho biết, gom hết tiền để dành bấy lâu nhưng vẫn không đủ. Tôi lại móc túi lấy tiền cho vợ chồng Quỳnh mượn. Khi ra về tôi mới giật mình, vì sợ thằng con đi cùng sẽ kể lại cho mẹ nó biết và chắc chắn lại có một trận cãi vã nữa. Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với thằng con:

“Con đừng bao giờ nói với Mẹ là bố cho cô út mượn tiền nghe”

Xem thêm:   Chuyện sui gia

“Dạ!  nhưng tại sao phải nói dối vậy hở bố?”.

Thằng con thắc mắc đặt câu hỏi. Tôi giải thích và cho nó biết lý do trận cãi nhau lần trước giữa tôi và mẹ nó, rồi kết luận:

“Chỉ vì bố không muốn gia đình bất hoà nên phải giấu mẹ “

Thằng bé gật gù, bày tỏ sự đồng tình.

Tôi rất thông cảm sự phiền hà của nhà tôi khi tôi cho tiền cô em gái. Thật ra, suốt mười mấy năm chung sống, chúng tôi không bao giờ hục hặc về vấn đề tiền bạc. Tôi chưa hề giấu giếm hay có ý định tiêu xài riêng tư bất cứ việc lớn nhỏ nào. Hàng tháng tiền thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, nhà tôi quản lý hết, tôi không hề quan tâm đến số tiền đang có trong ngân hàng. Khi cho Quỳnh tiền sửa xe, vợ chồng cãi nhau, tôi mới cảm nhận được một vấn đề khá tế nhị. Vợ tôi có lý và tôi cũng có lý. Do đó, tôi buộc lòng phải nói dối, với mục đích giữ hoà khí trong gia đình, đồng thời giúp đỡ được em mình trong lúc khó khăn, để không bị bứt rứt trong lòng. Tôi không muốn nói dối, nhưng đành phải nói dối và tự an ủi mình bằng ý nghĩ, đây là “lời nói dối thật thà!”.


Bạn thân mến,

Khi nghe câu “Lời nói dối thật thà” chắc chúng ta đều nghĩ rằng “Sao nghịch lý vậy, đã nói dối thì sao gọi là thật thà được?

Trong nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau, có lẽ, cũng có những người một vài lần phải nói dối vợ hoặc chồng, để mưu cầu sự êm ấm cho gia đình.

Người viết có chị bạn tên Thu, chị rất  thích sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, trong khi chồng chị ít quan tâm đến việc nầy. Chị hay mua những vật dụng trang trí, còn anh thì hay cằn nhằn chị phung phí tiền bạc vô bổ! Do đó, khi mua món gì, nếu giá một trăm đồng thì chị chỉ nói hai mươi đồng thôi. Hàng “Clearance” mà. Chị tâm sự rằng, nếu nói đúng giá thế nào anh cũng bắt đem trả lại, vậy cách tốt nhất để anh vui vẻ và gia đình êm ấm là phải nói dối. Chị cho đó là cách giải quyết êm đẹp nhất mà không tổn hại đến ai!

Bạn nghĩ thế nào? Sự nói dối nầy có tác hại đến hạnh phúc gia đình không? Có ai trong chúng ta, những người đã là vợ hay chồng dám tự nhận rằng mình chưa bao giờ nói dối không? Ðã nói dối thì sẽ có một lúc nào đó bị đổ bể. Chuyện dối trá, dù với mục đích gì, dần dần cũng sẽ trở thành thói quen. Bạn có chắc rằng sự dối trá chỉ sẽ dừng lại ở mục đích đơn giản, có vẻ như vô hại như câu chuyện trên không?

Ðối với con anh Tùng, đó là một gương xấu rất tai hại cho tuổi thơ của cháu. Có thể, một ngày nào đó anh Tùng sẽ nghe cậu con trai gọi điện thoại về nhà nói rằng “Bố ơi, con phải ở lại trường để học thêm, nên chiều nay con sẽ về trễ”, nhưng thật ra, cậu theo bạn bè đi chơi ở đâu đó, vì cậu không muốn bố lo lắng .

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Ðiều khó khăn nhất mà có lẽ ít có ai đạt được là sự đồng thuận của hai vợ chồng, từ việc nhỏ đến lớn trong gia đình, nhất là những việc liên quan đến tiền bạc. Khi nào một trong hai người còn có ý niệm “của anh, của em” thì sẽ có lúc phải dối nhau. Dù có biện minh thế nào đi nữa thì lời nói dối vì bất cứ lý do gì cũng không thể gọi là “thật thà”! Ðó là một vết nứt nhỏ rồi sẽ thành lớn làm rạn vỡ niềm hạnh phúc gia đình.

Bảo Huân