HỎI

Chúng tôi được biết là tính miễn dịch của con người có thể bảo vệ cơ thể. Xin bác sĩ nói thêm về sự thay đổi này. Cảm ơn bác sĩ. Bạch Đăng Thái

Đáp

Thưa ông Thái,

Khi sanh ra, con người đã được tạo hoá ban cho “hệ thống phòng thủ”, chống lại bệnh tật, trong đó có khả năng miễn dịch. Khả năng này được thực hiện bởi hai loại bạch huyết cầu T-cells và B-cells. Chúng tạo ra kháng thể đặc biệt để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh đó trong tương lai. Chúng cũng rất công hiệu trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.

Lúc mới sanh, các huyết cầu này được tuyến ức (Thymus) nằm sau xương ức sản xuất và “huấn luyện” để chống tác nhân gây bệnh. Ðáng tiếc là tuyến ức này luôn bị thoái hóa theo thời gian.

Các huyết cầu miễn dịch sẽ được tủy sống, các hạch và lá lách tiếp nhận để thực hiện chức năng ngăn ngừa, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Nhưng do tuyến ức bị thoái hóa theo độ tuổi nên dẫn đến phòng vệ cơ thể kém. Do đó, người già dễ bị các bệnh nhiễm trùng cũng như ung thư.

Bảo Huân 

HỎI

Xin bác sĩ nói về lợi hại của tục ăn trầu ở nhiều quốc gia.  Cảm ơn bác sĩ.  Nguyễn Văn Việt

Đáp

Thưa ông Việt,

Thói quen ăn trầu xuất phát từ suy nghĩ đơn giản là làm cho sạch miệng, chắc răng, đỏ môi và ăn ngon miệng. Tuy nhiên, trầu cũng có nhiều công dụng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Ví dụ như dùng lá trầu hơ nóng, đắp lên rốn để trị đau bụng, no hơi, ợ chua và sôi bụng. Dùng lá trầu vò nát, bọc trong túi vải, nhúng qua nước sôi rồi dùng đánh gió, có tác dụng tốt trong điều trị cảm mạo, ho thời khí. Người ta còn nấu lá trầu tắm để trị ghẻ ngứa, rôm sẩy. Ngoài ra, nước lá trầu ngậm trong miệng có thể làm giảm nguy cơ viêm răng lợi, nhờ chất polyphenol trong lá trầu có thể diệt  khuẩn.

Y học Ấn Ðộ coi trầu có tác dụng trợ tim, lợi tiểu và có công dụng kích dục, gây hưng phấn cũng như gây nghiền.

Trầu phải đi liền với cau.

Trong trái cau có vài chất tannin và alkaloid. Theo kinh nghiệm Ðông y, cau có tính chất thông đại trường, hạ khí, được các cụ dùng để trị chướng khí, tả hạ, sát trùng. Hạt cau được cho uống để trừ giun sán vì hóa chất trong hạt làm tê liệt hệ thần kinh các ký sinh trùng.Vỏ cau có tính lợi tiểu được dùng để trị thủy thũng.

Nhai trầu cần kèm thêm miếng vỏ cây đay, vị chan chát hòa với một chút vôi tôi để lâu hơi nồng giúp răng chắc bền. Ngày xưa, các cụ thường ít bị hư răng do thường xuyên nhai trầu.

Nhưng ăn trầu cũng có vài rủi ro. Nếu dùng nhiều vôi có thể làm phỏng niêm mạc miệng; nước trầu nồng khiến vị giác kém nhạy, khó phân biệt được hương vị thực phẩm. Nước trầu còn làm cho tuyến nước miếng, niêm mạc miệng và cuống họng bị kích thích và có thể gây ung thư.

Y tế Liên Hiệp Quốc trước đây đã công bố kết quả nghiên cứu về tục ăn trầu. Theo đó, ăn trầu thịnh hành ở các  quốc gia Ðông Nam Á,  dân tỵ nạn tại  Anh, Bắc Mỹ và Úc châu. Ðiểm đặc biệt là giới trẻ lại cũng bắt đầu nhai trầu. Lý do được họ nêu ra là để giúp tập trung, giảm buồn chán, giảm cảm giác đói, thích vị cay cay của trầu, làm hơi thở thơm hơn … Theo WHO, tại các quốc gia Ðông Nam Á, nhai trầu cau là thói quen đứng hàng thứ tư sau thuốc lá, rượu và cà phê. Một kết quả nghiên cứu đã xác định là ăn trầu có thể gây ra ung thư miệng, cuống họng. Cũng theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới có 390,000 ca ung thư miệng thì đã có đến 228,000 ca xảy ra ở Ðông Nam Á.

Bảo Huân

NYD