Mùa đông là mùa với nhiều lễ lạt vui chơi, nhiều thú vui như uống chocolate nóng hay ngồi bên lò sưởi cùng với gia đình. Nhưng mùa đông cũng mang tới nhiều thay đổi trên cơ thể: da khô, trầm cảm hay nhức đầu nhiều hơn… Dưới đây là vài thay đổi của cơ thể cần lưu ý để tránh bị bệnh nặng.
1. Huyết áp tăng. Vào mùa đông các mạch máu co lại để giữ ổn định nhiệt độ cho các bộ phận chính của cơ thể, vì vậy sẽ làm tăng huyết áp. Điều này sẽ gây căng thẳng cho tim và có thể đưa tới nhồi máu cơ tim.
2. Khô da. Vào mùa đông, ẩm độ hạ thấp vì vậy da sẽ bị tổn hại nặng. Do ẩm độ không khí thấp, nước trong da sẽ bốc hơi nhanh hơn gây ra cảm giác da khô, se lại và trông giống như bị bong ra. Để bảo vệ da đủ ẩm trong mùa đông, cần mặc quần áo bảo vệ và bôi lotion mỗi ngày.
3. Lượng máu cung cấp cho não ít hơn. Vào mùa đông chúng ta dễ bị nhức đầu hơn mùa hè. Khi ra ngoài trời, không khí lạnh sẽ tác động vào các dây thần kinh vùng mặt và làm mạch máu co lại, đưa tới nhức đầu. Người bị chứng nhức nửa đầu (migraine) sẽ có cảm giác tệ hơn rất nhiều. Vì vậy ra ngoài trời nên đội nón giữ ấm đầu và hai tai.
4. Cholesterol tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong mùa đông mức cholesterol sẽ tăng cao. Điều này có liên quan tới việc thiếu vitamin D. Do ngày mùa đông ngắn, ánh sáng mặt trời ít hơn không đủ để chuyển hóa cholesterol thành vitamin D. Vì vậy xảy ra tình trạng thiếu vitamin D và dư cholesterol trong máu.
5. Nhiều mỡ hơn. Cơ thể có một loại mỡ được chuyển thành nhiệt. Vào mùa đông, mỡ này được cơ thể giữ lại để làm ấm, và vì vậy cơ thể có thể tăng cân khi nhiệt độ hạ thấp đi. Khi thời tiết ấm lại, lượng mỡ này sẽ được tiêu hóa dần và trở lại bình thường.
6. Khí quản bị viêm. Không khí lạnh và khô không chỉ tác động lên da mà còn gây khó chịu cho khí quản, nhất là ở những người bị suyễn mãn tính hay bị viêm phế quản mãn tính. Người bị bệnh sẽ thở khò khè, ho hoặc có khi thở ngắn thở dồn dập. Vì vậy nên che mũi và miệng khi ra ngoài trời.