Hỏi: Tôi dọn vào chung sống với anh như vợ chồng khoảng 2 năm nay. Trước đó, cả hai chúng tôi đều từng bị đổ vỡ trong hôn nhân và có con riêng.  Anh có hai đứa con trai đang tuổi vị thành niên. Tôi thì cũng có một bé gái 8 tuổi.

Tôi có nhà riêng và anh cũng có nhà riêng. Chúng tôi quyết định giữ căn nhà của tôi lại cho thuê, còn căn nhà của anh thì bán đi để cùng tôi đắp vào mua căn nhà lớn hơn cho rộng rãi, thoải mái cho cả các con anh và con của tôi dù các con của anh chỉ sống chung với chúng tôi bán thời gian vì anh thỏa thuận với vợ cũ cùng chăm sóc hai con của anh 50/50.

Anh lớn hơn tôi 14 tuổi. Dù ban đầu chúng tôi chung sống hòa thuận, nhưng thời gian gần đây hai đứa con của anh hỏi mẹ nó về vấn đề tiền bạc của anh sẽ thay đổi như thế nào và có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của chúng nó hay không. Tôi ngầm hiểu rằng có thể các con của anh sợ tôi lợi dụng tiền bạc của anh.

Anh có công việc ổn định với mức lương cao cộng với quỹ tiền hưu anh đầu tư bấy lâu nay và căn nhà chúng tôi cùng mua. Dù tôi trẻ hơn anh nhiều, nhưng income của tôi cũng tương đương lương của anh. Chúng tôi có mở ngân khoản chung và cùng đứng tên căn nhà mà chúng tôi đang chung sống.

Mỗi lần dịp lễ là hai con của anh thường được anh cho những món quà cả ngàn đồng.  Anh và vợ cũ chia nhau trả 50/50. Tôi không đồng ý việc anh nuông chiều hai con anh quá khi chúng nó đòi gì anh cũng mua, gần như bất kể giá cả.

Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo. Quà trong những dịp lễ chỉ mang tính cách tượng trưng mà không nhất thiết phải là những món đắt tiền mà người nhận quà vẫn cảm thấy quý trọng tấm lòng của người tặng. Tôi chia sẻ với anh quan điểm của mình thì anh gay gắt trả lời rằng tiền anh làm ra thì anh có quyền xài. Khi tôi nói rằng có thể anh quá nuông chiều con của anh mà chúng không biết quý giá trị của đồng tiền hay giá trị của sức lao động. Anh nổi giận và nói tôi không có quyền can thiệp vào chuyện giữa anh và con anh.

Xem thêm:   Giảm giá cho người già

Giáng Sinh vừa qua, tôi có nói với anh rằng hãy giới hạn mua quà cho các con của cả hai bên và chỉ chi khoảng $200 là tối đa cho mỗi đứa.  Tôi đoán rằng vợ cũ của anh sẽ tức giận nếu anh nói với bà ta là anh sẽ thay đổi và giới hạn tiêu tiền mua quà cho 2 con của anh. Đồng thời, sẵn dịp này tôi muốn anh và tôi cùng ngồi xuống và giải thích cho các con của anh hiểu rằng chúng nó không có quyền can thiệp vào chuyện người lớn giữa anh và tôi, đặc biệt là chuyện liên quan đến tiền bạc. Như vậy là tôi có quá đáng, keo kiệt và ích kỷ không?

Đáp: Bạn và người phối ngẫu nên nói chuyện với nhau và đi đến một quyết định chung về tiền bạc vì những mối hôn nhân chắp nối vốn dĩ đã phức tạp do những trách nhiệm hay ràng buộc riêng trước khi đến với nhau, cộng với những sự khác biệt mà cả hai phải học làm quen, chấp nhận và thay đổi. Chuyện ngồi xuống giải thích cho con riêng của hai bên và vạch ra một ranh giới rõ ràng mà chúng nó không có quyền can thiệp hay gây căng thẳng thêm cho gia đình chung của bạn và người phối ngẫu là một điều hoàn toàn cần thiết.

Dù theo luật pháp, tất cả tiền có được từ khi sống chung như vợ chồng, kể cả tiền để trong account riêng, cũng vẫn là tài sản chung, và  cả hai đều có quyền tiêu xài tài sản/tiền bạc chung. Khi hai bên đã quyết định cùng nhau gánh vác tất cả những chi phí và gánh nặng của cả hai bên thì điều đó đòi hỏi cả hai bên phải nhường nhịn nhau và tìm cách hóa giải những khác biệt của hai bên thì mới có thể bền vững được. Còn không thì cũng khó mà xây dựng sự gắn bó lâu dài nếu thiếu những hy sinh của tình nghĩa vợ chồng trong đó có dính đến con riêng của mỗi người.

Thường thì khi dọn vào chung sống, ít người nghĩ đến việc bàn luận chi tiết về tiền bạc vì những đam mê tình cảm ban đầu mà cả hai thường không nghĩ đến những trở ngại. Ðến khi đụng đến những bất đồng thì, một là không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc một người lấn lướt, xử sự thiếu chữ “tình” làm người kia ấm ức, thế là từ đó “lỗ nhỏ làm đắm thuyền”; hai là cả hai người đi đến giải pháp chuyện anh anh lo, chuyện tôi thì tôi lo, khiến mối quan hệ gia đình bị tách rời thành hai cá thể riêng biệt, rồi thì tình nghĩa vợ chồng ngày càng phai nhạt.

Xem thêm:   Thực phẩm trên bàn ăn - Sriracha 4

Trong hoàn cảnh của bạn, nếu bạn và người phối ngẫu không hóa giải được chuyện chi phí quà cáp cho con cái thì sẽ có những cái khác liên quan đến tiền bạc nghiêm trọng hơn xảy ra trong tương lai. Nếu tiền tiêu xài mua quà cho các con anh không từ tiền hai bạn để chung với nhau thì có lẽ bạn dù có quan điểm khác, nhưng có thể bạn cũng không muốn can thiệp vào. Chẳng hạn, nếu người vợ cũ chi tiền hết cho những món quà của các con anh thì chắc bạn cũng không phản ứng gì mạnh. Nhưng vì nó “mẻ” đi một số tiền từ quỹ tiền chung của bạn và chồng bạn, nên bạn muốn can thiệp vào. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà bạn có quyền quyết định. Người quyết định là chồng bạn và vợ cũ của anh ta vì đó là con của họ. Nếu chồng bạn đồng ý với quan điểm của bạn thì anh ta phải ngồi xuống nói chuyện riêng với người vợ cũ. Bạn đốc thúc chồng bạn hay “dè bỉu” nói rằng anh chiều hư con anh chỉ là “đổ dầu thêm lửa” mà không giải quyết được vấn đề gì. Bạn nên góp ý một cách tích cực hơn với chồng mình thay vì mang tính cách tấn công, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là anh.

Dù chồng bạn quá “hoang phí” trong vấn đề mua quà cho con anh, không ai có thể nói cái nào đúng hay cái nào sai. Thường những gia đình có kinh tế khá giả thì họ cũng tiêu xài thoải mái hơn cho con cái, dù những chi phí đó không thật sự cần thiết so với quan niệm của một người khác. Chẳng hạn, con của một triệu phú thì thường được học trường tư, nhà họ có chuồng nuôi ngựa, có người đến tận nhà để dạy cưỡi ngựa, và hằng năm chi phí đi thi đua ngựa có thể còn hơn là income của một người làm việc cật lực trong cả năm trời.

Chồng bạn có thể không xuất thân từ một gia đình nghèo, hay anh muốn đền bù cho các con mình khi không thể đem đến cho con mình một gia đình trọn vẹn mà chỉ được sống bán thời gian với các con anh. Do đó anh hào phóng xài tiền mua quà cho các con anh vào dịp lễ, Tết. Nhưng dù chồng bạn quyết định như thế nào đi nữa thì từ đó đến giờ các con anh cũng đã quen cái nếp như vậy, nếu anh đột nhiên thay đổi thì anh cũng phải ngồi xuống giải thích lý do chính đáng cho các con anh hiểu để chúng nó không cho rằng bạn là người xấu ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng nó.  Ðôi khi, thay đổi cũng cần có thời gian và làm từng bước một thì sẽ dễ chấp nhận hơn.

Xem thêm:   Thực phẩm trên bàn ăn - Sriracha 3

Còn chuyện các con riêng của anh hỏi mẹ nó về việc bạn có ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng nó hay không, đó là điều chồng bạn phải là người trả lời cho các con của anh. Ðiều quan trọng nhất là bạn và chồng cùng đưa ra một câu trả lời đồng nhất rằng lợi ích, quyền lợi của các con sẽ không bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ của ba với người vợ kế. Chẳng những vậy, khi có hai income của chồng bạn và bạn thì kinh tế gia đình lại càng vững vàng hơn. Hoặc chồng bạn cũng có thể nói rằng: “Các con không phải lo lắng về lợi ích cá nhân vì ba sẽ làm hết khả năng và trách nhiệm của mình để lo cho các con ăn học đàng hoàng.  Khi các con trưởng thành, học xong và bắt đầu phải kiếm tiền để tự lo cho mình thì các con cũng sẽ muốn người khác tôn trọng sự riêng tư và quyền quyết định về tài chính của mình. Khi đó ba và các con có thể ngồi xuống bàn bạc chi tiết về việc chi thu như thế nào cho hợp lý, và việc để dành tiền của riêng mình cho việc đầu tư hay xây dựng cho tương lai ra sao.”

Những cặp vợ chồng chắp nối cần phải có ranh giới rõ ràng cho nhau cũng như ranh giới rõ ràng cho các con của cả hai bên. Khi bạn và chồng bạn nỗ lực xây dựng cho gia đình của nhau, học cách cùng nhau hóa giải để tốt đẹp cho cả hai bên mà đôi khi cần phải hy sinh mỗi người một chút, thì lúc đó họa may hôn nhân bạn mới có thể bền vững được dù có để tiền chung hay riêng.

Ls. AT