LỜI GIỚI THIỆU:
Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế. Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.
Email: bientap@trenews.net
Nhắn tin (text only) câu hỏi đến
469-328-3453
hoặc gởi thư về tòa soạn:
3202 N. Shiloh Rd.,
Garland, TX 75044
HỎI: Chào cô Đài Thi. Tôi đã 73 tuổi, hiện vẫn còn đi làm và vẫn còn đóng góp vào quỹ hưu 401(k). Vậy thì bao giờ tôi mới bị bắt buộc phải rút tiền ra từ 401(k)? Xin cám ơn cô.
ĐÁP: Xin thưa, ông không cần phải rút tiền trong quỹ hưu 401(k) ra nếu ông vẫn còn làm việc cho cùng một công ty.
Sở Thuế chỉ bắt buộc ông rút tiền ra theo hạn định RMD (Required Minimum Distribution) nếu như ông đã đến tuổi 73 và đã nghỉ việc, hoặc ông còn đi làm nhưng lại làm cho một hãng khác chứ không phải cùng một hãng mà đã mở ra tài khoản hưu trí cho ông.
Ví dụ như tài khoản 401(k) của ông do hãng A mở ra cho ông trước đây, nhưng hiện tại ông lại đi làm cho hãng B, thì Sở Thuế bắt buộc ông phải rút tiền ra. Nếu như ông vẫn còn làm việc cho hãng A thì không phải rút tiền ra.
HỎI: Chào chị Đài Thi, em thường theo dõi tin tức trên Facebook, thấy có một bà người Việt tự xưng là ký giả hành nghề tự do và hay đi săn những tin tức đặc biệt để chia sẻ với người Việt. Gần đây bà ta tìm được một cuốn phim tài liệu “The Slave Nation”, tạm dịch là “Quốc Gia Nô Lệ”, của đạo diễn người Mỹ tên Steve Peters.
Dựa trên cuốn phim này, bà nói rằng người dân Mỹ không cần phải đóng thuế lợi tức cho Sở Thuế IRS, vì hiến pháp Mỹ không bắt buộc, và đóng thuế là hoàn toàn tự nguyện. Bà kêu gọi mọi người ngưng đóng thuế. Bà còn nói rằng mấy dịch vụ khai thuế hù dọa mọi người để họ kiếm khách khai thuế, chứ Sở Thuế không có quyền audit, tịch thu tài sản, bỏ tù, v.v.
Và sau cùng là bà kêu gọi mọi người đóng góp một ít tiền để bà mướn người bỏ phụ đề tiếng Việt vào cuốn phim để giúp cộng đồng người Việt sáng tỏ là bao nhiêu năm nay chúng ta đã bị lường gạt. Thực hư như thế nào vậy chị Thi? Em thấy đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng chứ không phải chuyện đùa.
ĐÁP: Chào chị, rất cám ơn chị đã chia sẻ. Chị nói đúng, đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Tin tức trên Facebook nhiều khi là tin tào lao, nhưng đôi khi cũng có một số người nghe theo rồi tự chuốc họa vào thân.
Trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng việc đóng thuế lợi tức là nghĩa vụ công dân, có rành rành trong hiến pháp Mỹ. Sở Thuế là một cơ quan chính phủ có toàn quyền thi hành luật thuế. Chuyện Sở Thuế audit, tịch thu niêm phong tài sản, bỏ tù v.v. là chuyện có thật.
Tôi biết có những người trốn thuế một thời gian, khi Sở Thuế tìm được thì họ sợ quá và chọn con đường tự tử hoặc bỏ trốn ra nước ngoài, bỏ hết lại sau lưng gia đình và sự nghiệp.
Sở Thuế có gần 100,000 nhân viên. Có người là luật sư, có người chức vụ cao, học rộng, thông minh, rành rẽ đường đi nước bước của nội bộ Sở Thuế, vậy mà họ đâu dám ngang nhiên thử thách Sở Thuế bằng cách không khai thuế và không đóng thuế. Ngay cả khi họ đã về hưu, họ cũng vẫn tiếp tục làm nghĩa vụ công dân của họ. Cách tốt nhất của họ là biết cách khai và khấu trừ thuế hợp pháp để có thể đóng thuế ít nhất.
Ngay cả Tổng Thống Mỹ và các tỉ phú như Bill Gate, Mark Cuben, v.v. vẫn đóng thuế hằng năm. Thậm chí năm 2023 tỉ phú Mark Cuben đóng thuế 276 triệu đô la. Đóng ít hay nhiều là do đội ngũ CPA giỏi của họ nhiều mưu lược và biết cách khai hợp pháp.
Bây giờ, hãy nói sơ về bà ký giả trên Facebook. Tôi không biết những tin khác bà ta chia sẻ có đúng không, nhưng tin thuế thì thật sự là tào lao. Tôi đã xem qua cuốn phim tài liệu “Quốc Gia Nô Lệ” mà bà ta quảng bá. Theo cá nhân tôi thì phim này chẳng có gì đáng tin. Quý vị muốn đóng góp tiền cho bà ta mướn người làm phụ đề tiếng Việt thì đó là tùy lòng hảo tâm của quý vị.
Tôi thấy có hai điểm chánh bà ta nói sai bét, cho nên tôi đánh giá rằng sự hiểu biết của bà rất kém, nhất là về luật thuế và hệ thống chính quyền liên bang và địa phương.
Điểm thứ nhất, bà ta nói rằng việc đóng thuế là tự nguyện (voluntary) chứ không bị bắt buộc. Bà nói rằng luật thuế có ghi rõ từ “tự nguyện”. Thật ra luật thuế ghi rõ từ “voluntary compliance”, tạm dịch là “tự nguyện tuân thủ”. Cái từ “compliance” (“tuân thủ”) rất quan trọng ở đây, nhưng bà ta làm lơ cái từ đó và chụp duy nhất từ “tự nguyện” cho nên bà bị lạc đề, không biết do bà vô tình hay cố ý lạc đề. “Voluntary compliance” có nghĩa là Sở Thuế để cho mọi người tự nguyện tuân thủ việc đóng thuế hằng năm. Nếu không tuân thủ thì họ mới ra tay thi hành “compliance enforcement”, có nghĩa là lùng kiếm, audit, tịch thu tài sản.
Điểm thứ nhì, trong một lời bàn luận comment của bà trên Facebook, bà nói rằng đóng thuế lợi tức cho tiểu bang là đủ rồi, không cần đóng thuế liên bang IRS. Bà đã nhầm lẫn rất lớn. Ở Mỹ này, chính quyền liên bang, tiểu bang, quận, thành phố v.v đều riêng biệt. Tiền thuế đóng cho chính quyền địa phương thì được dùng vào chuyện địa phương, không liên quan gì đến thuế liên bang. Có nhiều tiểu bang không có thuế lợi tức như Texas, Florida, nhưng lại có các loại thuế riêng biệt khác của các tiểu bang đó. Vậy thì tại sao bà tuyên bố rằng đóng thuế lợi tức tiểu bang đủ rồi? Có phải tại vì bà kém hiểu biết?
Những điều tôi phân tách trên đây chứng tỏ rằng bà ký giả này không hiểu gì về luật thuế và hệ thống thuế ở Mỹ. Tôi mong rằng cộng đồng người Việt đừng tin bà. Xin đừng xem nhẹ luật thuế Mỹ, đừng vi phạm, đừng trốn thuế v.v.
NĐT