LỜI GIỚI THIỆU:

Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế.  Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.

Email: bientap@trenews.net

Nhắn tin (text only) câu hỏi đến

469-328-3453

hoặc gởi thư về tòa soạn:

3202 N. Shiloh Rd.,

Garland, TX 75044

HỎI: Thưa chị Đài Thi, tôi hiện làm nails, mỗi năm khai thuế tại một người con và phải đóng thuế thêm khá nhiều. Trong khi đó, cô bạn tôi khai thuế ở một chỗ khác, có khi còn lấy thuế về được, hoặc nếu có phải đóng thêm thuế thì đóng rất ít. 

Tôi và cô bạn đều có điều kiện khá tương đồng. Tôi hơi ấm ức vì sao tôi phải đóng thuế nhiều hơn.  Cô bạn nói rằng người khai thuế của cô ta “hay hơn”, biết trừ này nọ, và còn chỉ dẫn cho cô ta vài cách để khai có lợi.  Tôi muốn chuyển qua bên đó làm thuế nhưng sợ mích lòng người bà con vì họ đã từng là ân nhân giúp bảo lãnh gia đình tôi. Tôi cũng muốn hỏi người bà con cho ra lẽ nhưng chưa dám. Chị thể giải thích giúp tôi, và hướng dẫn tôi nói sao để họ “khai thuế đàng hoàng” cho tôi không?  Cảm ơn chị.

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 18 tháng 4 năm 2024

ĐÁP: Thưa anh, sự “ấm ức” của anh rất phổ biến, phải nói là phổ biến nhất trong tất cả các thắc mắc về thuế mà tôi nhận được. Trong một vài kỳ báo trước tôi có trả lời những thắc mắc tương tợ như của anh. Mùa thuế sắp bắt đầu và có lẽ một số đồng hương cũng sẽ đặt câu hỏi giống như vậy, cho nên sẵn dịp này tôi xin được vừa trả lời câu hỏi của anh vừa chia sẻ những nhận xét của cá nhân tôi.

Tôi không nghĩ rằng người bà con của anh khai thuế không đàng hoàng. Tôi cũng không nghĩ rằng người khai thuế của cô bạn anh là người khai hay. Vì tất cả nhận xét của cá nhân anh và cô bạn hoàn toàn dựa trên số tiền thuế lấy về được hoặc số tiền thuế phải đóng thêm, chứ không dựa vào những thông tin thuế cụ thể mà hầu như chỉ những người chuyên nghiệp mới rành rẽ.

Tôi hiểu tâm lý chung của mọi người là muốn lấy tiền thuế về nhiều hoặc đóng thuế thật ít, cho nên dịch vụ khai thuế nào làm cho khách hàng vừa lòng là người đó được xem như “khai thuế giỏi”. Đây là một sự hiểu lầm rất lớn. Theo tôi, số tiền thuế lấy về hoặc đóng thêm không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá khả năng của người khai thuế.

Anh có nói sơ rằng anh và cô bạn có những điều kiện khá tương đồng và anh thắc mắc vì sao anh phải đóng thuế nhiều hơn cô bạn. Không chỉ riêng anh, nhiều độc giả cũng thường hay nói rằng họ và bạn bè đồng nghiệp có hoàn cảnh thuế tương đồng nhưng lại phải đóng thuế chênh lệch nhau nhiều.

Thú thật là trên thực tế, rất hiếm khi nào tôi gặp những trường hợp thuế tương đồng. Có thể là nhìn thoáng qua thì anh thấy thu nhập của anh và cô bạn có tương đồng, nhưng nếu theo phân tích kỹ của những người chuyên nghiệp thuế thì có lẽ những thông tin thuế khác của hai người lại chẳng tương đồng chút nào, chẳng hạn như khác biệt về tiền nợ và lãi suất mua nhà, tiền thuế nhà, tuổi tác của con cái, thu nhập của người phối ngẫu v.v. Những khác biệt này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến lý do tại sao có sự chênh lệch về thuế.

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 4 tháng 4 năm 2024

Hãy giả sử như anh và cô bạn thật sự có điều kiện thuế tương đồng. Giả sử như anh và cô bạn khai thuế dạng độc thân, làm nghề nails, làm cùng tiệm, ở gần nhà nhau, không mua nhà mua xe, không con cái, không đầu tư, không có thu nhập nào khác, và trong năm không hề đóng thuế trước đồng nào. Tiền thu nhập làm nails của cả hai người đều như nhau, và tiền chi phí vật liệu cũng giống hệt nhau, thì tôi tin rằng hai người sẽ đóng thuế gần bằng nhau nếu khai đúng luật. Nếu có chênh lệch thì chỉ chút đỉnh không đáng kể.

Nhưng nếu người bà con khai thuế cho anh bảo rằng anh phải đóng thuế 5,000 đô la, trong khi cô bạn chỉ đóng 1,000 đô, thì tôi nghĩ ở đây có hai vấn đề. Một là người bà con của anh khai thuế khá “thật thà”, khai đầy đủ thu nhập và không khấu trừ thuế nhiều. Hai là người khai thuế cho cô bạn đã không báo cáo tất cả thu nhập hoặc khấu trừ thuế khá “táo bạo”.

Vậy anh thử hỏi người bà con xem họ đã khai thu nhập của anh ra sao và họ khấu trừ thuế những gì, và có cách nào trừ thuế hợp pháp thêm được nữa không. Tôi nghĩ rằng người đó sẽ không ngần ngại giải thích cho anh hiểu. Rồi từ đó anh có thể suy ra được là họ “khai thuế đàng hoàng” hay không, trước khi anh quyết định đổi người khai thuế.

Việc anh gửi câu hỏi đến cho tôi chứng tỏ rằng anh có quan tâm đến thuế của anh. Tuy luật thuế Mỹ khá rắc rối, nhưng anh hãy cố gắng hỏi kỹ để hiểu rõ ràng hồ sơ thuế của mình, chứ đừng nghe lời đồn đại.  Giấu diếm thu nhập hoặc khấu trừ thuế không hợp pháp thì tuy có lợi trước mắt, nhưng về sau này nếu bị kiểm thuế thì không những phải trả thuế lại mà còn bị đóng tiền phạt và tiền lãi suất nữa. Đó là chưa kể nếu Sở Thuế có bằng cớ là mình đã cố tình khai thuế gian lận thì có thể bị tội hình sự. Anh hoàn toàn chịu trách nhiệm vì anh đã ký tên vào tờ khai thuế.

Xem thêm:   Phúc Lợi Xã Hội ngày 18 tháng 4 năm 2024

HỎI: Cảm ơn chị Đài Thi đã mau chóng trả lời giúp tôi có quyết định nhanh hơn. Tôi sẽ tham khảo các CPA ở đây. Tôi xin bổ sung một vài ý của chị, thứ nhất là tôi hiện là công dân Mỹ, và để giảm phiền nhiễu, tài khoản ngân hàng ở ngân hàng Việt Nam do bạn gái tôi đứng tên, và con số lớn hơn 10,000 đô nhiều lần. Khi mở kinh doanh, cả hai đều hiểu rằng, là cô ấy tuy đứng tên mọi thứ nhưng tài chánh là do tôi cung cấp, lợi nhuận (nếu có), thì vẫn chia cho cô ấy như một cổ phần.

(Lưu ý: Trên đây là câu hỏi bổ sung của cùng một độc giả. Để giúp cho độc giả khắp mọi nơi dễ theo dõi đề tài này, xin đăng lại dưới đây câu hỏi mà độc giả đã hỏi trong số báo trước:

“Cách đây vài năm, tôi có về Việt Nam mở một cơ sở kinh doanh cho cô bạn gái. Ban đầu công việc cũng tương đối ổn, nhưng sau dịch Covid đến nay thì lỗ lã liên miên. Tôi sẽ quyết định ngưng việc kinh doanh và cũng chia tay cô bạn gái. Những sự thất thoát này tôi có được khấu trừ thuế không chị? Cảm ơn chị rất nhiều.”)

ĐÁP: Thưa anh, cám ơn anh đã bổ sung thêm chi tiết. Theo như anh giải thích thì tuy anh không có sở hữu kinh doanh và tài khoản ở Việt Nam, nhưng anh có phần can dự rất quan trọng trong vấn đề tài chánh (financial interest), cho nên theo luật thuế Mỹ thì anh phải khai báo tài khoản hằng năm.

Còn vấn đề kinh doanh lợi nhuận và lỗ lã, thì trường hợp của anh khá rắc rối và thiếu nhiều chi tiết, mà anh không tiện để giãi bày rõ ràng ở đây và tôi cũng không thể giải thích nhiều vì khuôn khổ báo có giới hạn. Mong anh tìm được người khai thuế chuyên nghiệp. Nếu còn gặp trở ngại thì anh có thể liên lạc với tôi qua email NguyenDaiThi1040@gmail.com.

NĐT