LỜI GIỚI THIỆU:

Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế.  Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.

Email: bientap@trenews.net

Nhắn tin (text only) câu hỏi đến

469-328-3453

hoặc gởi thư về tòa soạn:

3202 N. Shiloh Rd.,

Garland, TX 75044

HỎI: Kính chào cô Đài Thi, cháu qua Mỹ năm 2017, theo diện du sinh (F-1 visa). Cháu hiện đang đi học và đi làm ở Mỹ. Tính ra đến bây giờ cháu ở Mỹ đã được 6 năm, vẫn còn trong diện F1 visa. Sở làm của cháu trừ tiền thuế FICA. Trong khi các bạn của cháu cũng là du sinh và đi làm không bị trừ tiền thuế FICA. Xin cô giúp cách giải quyết làm sao để sở làm không trừ thuế FICA. Cám ơn cô Thi nhiều.

Xem thêm:   Phúc Lợi Xã Hội ngày 28 tháng 3 năm 2024

ĐÁP: Chào cháu, chỉ có công dân Mỹ và thường trú nhân có thẻ xanh ở Mỹ mới phải đóng thuế FICA, tức là thuế an sinh xã hội, để sau này về hưu mới lãnh được các phúc lợi xã hội.  Không có quốc tịch Mỹ hay thẻ xanh thì không phải đóng thuế FICA cũng như sau này không được hưởng phúc lợi.

Tuy nhiên, du học sinh theo diện F-1 visa thì luật thuế có khác một chút.  Trong 5 năm đầu, du học sinh không được xem như thường trú nhân, phải khai thuế mẫu 1040-NR, và không đóng thuế FICA.

Qua năm thứ 6 thì Sở Thuế xem du học sinh như là thường trú nhân, phải khai thuế mẫu 1040 và đóng thuế FICA đầy đủ. Cháu lưu ý là thường trú nhân để khai thuế chứ không phải là để di trú nhé. Luật thuế và luật di trú hoàn toàn không liên quan với nhau.

Các bạn du sinh của cháu đi làm không phải đóng thuế FICA cũng có thể vì bạn cháu chưa hiện diện ở Mỹ đủ 5 năm, mặc dù tính từ ngày họ đến Mỹ đến bây giờ đã hơn 5 năm.  Có thể họ đi đi về về Việt Nam nhiều lần trong thời gian qua, cho nên số ngày họ có mặt ở Mỹ chưa quá 5 năm.  Công thức để tính ra số ngày mình có mặt ở Mỹ khá rắc rối, cô không tiện giải thích trong khuôn khổ giới hạn của báo.

Trong trường hợp của cháu, nếu cháu thường xuyên về Việt Nam thì có thể cháu chưa có mặt ở Mỹ đủ 5 năm. Nếu vậy thì cháu báo cho sở làm biết để họ không trừ thuế FICA. Có thể sở làm của cháu không rành về luật thuế.

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 4 tháng 4 năm 2024

Cháu và các bạn nên tìm người khai thuế chuyên nghiệp về thuế quốc tế (international tax) để khai thuế cho đúng.  Thuế quốc tế khác thuế trong nước.  Tìm được người chuyên môn rất khó, vì rất ít người làm thuế biết rành rẽ về cách thức khai thuế cho người nước ngoài đến Mỹ đi học, đi làm, kinh doanh v.v. cũng như cho công dân hay thường trú nhân Mỹ ra nước ngoài đi làm, thương mại.

Không những khai thuế sai sẽ bị phạt mà còn có thể sau này bị rắc rối với Sở Di Trú USCIS. Khi cháu xin gia hạn visa họ sẽ hỏi hồ sơ thuế của 3 năm. Nếu họ thấy mình khai sai thì phải khai lại mất thời giờ nhiều và visa của cháu có thể bị hết hạn trong thời gian đang chỉnh sửa hồ sơ thuế.

HỎI: Chào chị Đài Thi, xin chị giải thích và chỉ dẫn cho vấn đề thuế của tôi. Tôi hiện 74 tuổi và tự khai thuế cho tôi. Tôi đã về hưu nhưng vẫn còn tiếp tục đi làm. 

Trong năm 2023 tôi có mượn 30,000 đô la từ quỹ hưu 401(k) của tôi.  Họ không bắt tôi phải trả góp số tiền mượn vì lý do tôi đã ở tuổi về hưu. Nhưng bất ngờ cuối năm họ gửi cho tôi mẫu 1099-R, ghi rõ là tôi đã rút ra 30,000 đô.

Trong năm 2023 tôi đi làm có đóng thêm 11,475 đô la vào tài khoản 401(k) của tôi.  Cuối năm tôi nhận mẫu W-2 có ghi 11,475 đô trong mục 12a D.  Tài khoản 401(k) của tôi có 50,000 đô.

Theo công thức tính thuế của tôi, thì tôi không phải đóng thuế trên trọn số tiền 30,000 đô tôi rút ra từ 401(k), mà chỉ phải đóng thuế trên số 23,580 đô (taxable income). 

Xem thêm:   Mục Thuế Vụ ngày 18 tháng 4 năm 2024

Công thức tính của tôi như thế này có đúng không chị? 30,000 x (11,475/50,000)  = 6420, 30,000 – 6420 = 23,580 taxable amount. Cám ơn chị nhiều.

ĐÁP:  Thưa ông, tôi thật khâm phục ông đã về hưu mà vẫn còn sức khỏe tốt để tiếp tục đi làm và đầu óc minh mẫn để tính các công thức thuế rắc rối.

Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Ông phải đóng thuế trên số tiền 30,000 đô đã rút ra từ tài khoản 401(k).  Con số 30,000 đã ghi rõ trong mẫu 1099-R, box 1. Nếu mẫu 1099-R box 2a có ghi taxable amount thì ông dùng con số này. Nếu 2a bỏ trống, thì ông dùng con số 30,000 gross distribution trong box 1.

Sở Thuế cũng nhận mẫu 1099-R của ông, cho nên họ biết taxable amount là bao nhiêu. Ông khai y như con số đã ghi trong mẫu nhé, để tránh bị Sở Thuế gửi thư phạt.

Còn số tiền ông đóng thêm vào 401(k) thì đã được tính trong mẫu W-2 rồi.  Tài khoản 401(k) ông hiện có bao nhiêu cũng không liên quan đến số tiền phải đóng thuế taxable amount.

Sẵn đây tôi cũng xin quý độc giả lưu ý về vấn đề mượn tiền từ tài khoản 401(k) của mình. Không phải quỹ 401(k) nào cũng cho mình mượn tiền. Tùy theo Sở làm của mình đã thành lập quỹ 401(k) này ra sao, cho nên mình cần phải hỏi cho kỹ. Mượn thì mình còn có thể bỏ tiền vào trở lại được, chứ rút ra rồi thì không bỏ trở lại được mà còn phải đóng thuế, giống như trường hợp của người hỏi câu hỏi này.

NĐT