Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (U.S. Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) thuế doanh nghiệp và cá nhân. Khi làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng audit-Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế vụ qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế. Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.
Email: bientap@trenews.net
Nhắn tin (text only) câu hỏi đến 469-328-3453
hoặc gởi thư về tòa soạn:
3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044
HỎI: Thưa cô Đài Thi, trước đây tôi bị Sở Thuế kiểm toán thuế của năm 2017. Tôi là công dân Mỹ, cư ngụ ở tiểu bang Texas, và tôi có kinh doanh ở Việt Nam và ở Mỹ. Người khai thuế cho tôi ở Dallas, Texas. Không biết họ khai thế nào mà tôi bị audit, ông ta không có bằng hành nghề chuyên môn để đại diện cho tôi trước Sở Thuế, cho nên tôi phải mướn luật sư.
Kiểm toán kéo dài gần 2 năm, và tôi đã trả tiền luật sư hơn 20,000 đô la mà vẫn chưa giải quyết xong. Tôi không hiểu rõ vấn đề lắm, nhưng hình như Sở Thuế không chấp nhận các chứng từ của tôi và không cho tôi khấu trừ thuế cho kinh doanh ở Việt Nam. Họ bắt tôi đóng thuế thêm và cộng tiền phạt và tiền lãi suất, tổng cộng trên 300,000 đô.
Tôi rất đau đầu và mệt mỏi về chuyện audit này. Tôi có chứng từ khấu trừ thuế hợp lệ, nhưng Sở Thuế không cho trừ và tôi cũng không có tiền để trả cái bill thuế mấy trăm ngàn đô la này. Có lẽ tôi đành phải chịu thua Sở Thuế. Tôi không có tiền trả thì họ muốn tịch thu tài sản của tôi thì cứ tịch thu. Tôi nghe nói sau 10 năm thì Sở Thuế sẽ không còn truy thu thuế tôi nữa, cho nên tôi mong rằng chờ thêm 2 năm nữa, đến năm 2027 thì chuyện này sẽ qua đi. Có đúng vậy không cô?
ĐÁP: Thưa ông, theo những gì ông kể, tôi nghĩ có nhiều lý do ông lâm vào cảnh này, và cách thức giải quyết theo kiểu “đành bó tay, tới đâu thì tới”, thì thật nguy hiểm. Tôi mong rằng ông suy nghĩ lại cách giải quyết này.
Hãy nói sơ về trường hợp khai thuế của ông. Vì ông có kinh doanh ở nước ngoài, cho nên khi khai thuế, ông nên tìm đến những ai có kinh nghiệm khai thuế quốc tế. Khai thuế quốc tế rắc rối hơn khai thuế trong nước nhiều. Mà theo tôi biết, rất ít người Mỹ chuyên môn về lãnh vực thuế quốc tế, chuyên gia người Việt thì lại càng hiếm hoi hơn nữa. Thông thường những dịch vụ khai thuế giá bình dân thì họ chuyên khai những trường hợp thuế đơn giản trong nước Mỹ. Hơn nữa, những văn phòng khai thuế kèm theo các dịch vụ khác không liên quan đến thuế, thì đa số lại không chuyên môn về thuế quốc tế. Thuế quốc tế là một lãnh vực chuyên môn hiếm hoi, cho nên lệ phí khá cao.
Bây giờ hãy bàn về tại sao ông bị kiểm toán thuế. Ông nói ông không biết người khai thuế cho ông ở Dallas khai như thế nào mà ông bị audit. Tôi không đánh giá được lý do tại sao ông bị audit, vì tôi không rõ hồ sơ khai thuế của ông, cũng như không thấy những thư từ của Sở Thuế audit những vấn đề gì và tại sao họ không cho ông khấu trừ thuế. Có thể là người khai thuế cho ông khai sai gì đó, mà cũng có thể họ khai đúng nhưng ông xui xẻo bị Sở Thuế dòm ngó.
Khi ông bị audit, người khai thuế của ông không được đại diện cho ông trước Sở Thuế có nghĩa là họ không có bằng hành nghề chuyên môn (Enrolled Agent, CPA, hoặc Luật Sư). Mà cho dù họ có bằng chuyên môn, có thể họ chỉ muốn khai thuế chứ không muốn đại diện cho thân chủ để đương đầu với Sở Thuế. Đây là 2 lãnh vực khác nhau trong ngành thuế.
Ông nói rằng đã mướn luật sư đại diện và đã tốn mấy chục ngàn đô la mà không đi đến đâu. Tôi không rõ luật sư của ông có chuyên về thuế hay không, vì có luật sư chuyên về thuế và cũng có người đảm nhận đủ thứ dịch vụ. Gặp rắc rối với Sở Thuế là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, cần tìm đến chuyên gia, chứ không phải ai biết về thuế là giải quyết được.
Ông cũng nói rằng bây giờ ông bó tay, chờ ngày Sở Thuế bỏ qua cho ông. Hoặc nếu Sở Thuế không bỏ qua thì ông đành chịu để cho họ tịch thu tài sản của ông, trong đó có một kinh doanh ở Mỹ. Tôi thật lòng khuyên ông là đừng nên xuôi tay, còn nước còn tát, vì Sở Thuế sẽ không dễ dàng bỏ qua đâu.
Thứ nhất, không phải đơn giản là sau 10 năm họ sẽ bỏ qua như ông nghĩ. Không phải là thuế của năm 2017 thì đến năm 2027 họ sẽ xóa bỏ hết. Đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng. Đúng là Sở Thuế có 10 năm để truy thu thuế, nhưng cách họ tính 10 năm không đơn giản chút nào. Tôi tin chắc rằng đến năm 2027 Sở Thuế vẫn tiếp tục truy thu thuế ông.
Thứ nhì, Sở Thuế sẽ không để cho 10 năm trôi qua dễ dàng, vì đây là điều tối kỵ của Sở Thuế. Càng đến ngày đáo hạn 10 năm thì họ càng truy thu thuế ráo riết, họ sẽ tiến hành những thủ tục tịch thu tài sản, tước giấy thông hành (passport), v.v.
Khi họ tịch thu tài sản và bán đấu giá thì thông thường bán rất gấp và rất rẻ, họ lại còn trừ ra chi phí tịch thu và bán, cho nên rốt cuộc rồi họ chẳng thu về được bao nhiêu. Thu được bao nhiêu thì họ áp dụng vào nợ thuế của ông bấy nhiêu. Nếu không đủ để thanh toán hết nợ thuế thì họ lại tiếp tục truy thu phần thuế còn lại.
Vì bán rẻ cho nên chưa chắc bán tài sản xong mà thanh toán được hết nợ thuế của ông. Ví dụ như ông nợ thuế 300,000 đô la, Sở Thuế tịch thu tài sản của ông và thu vào được 200,000 đô, thì ông vẫn còn nợ họ 100,000, và họ sẽ tiếp tục truy thu 100,000 đô.
Nhưng nếu ông tự bán tài sản, đừng để Sở Thuế tịch thu, thì có thể ông sẽ thu được 450,000 đô. Sau khi trả thuế 300,000 đô thì ông vẫn còn dư 150,000 đô. Vì vậy, bằng mọi cách ông đừng xuôi tay cho Sở Thuế tịch thu tài sản.
Còn nói về luật sư ông mướn đã không có kết quả, ông vẫn có thể mướn người khác đại diện cho ông. Càng sớm càng tốt. Tốn thêm một ít tiền nhưng tìm đúng người thì sẽ có nhiều giải pháp hay hơn là xuôi tay như con đường ông đang tính. Con đường ông đang đi thật bất lợi đủ điều.
Tuy Sở Thuế đầy quyền lực nhưng họ làm việc theo luật hẳn hòi. Nếu họ bắt mình phải đóng thuế thêm, đóng loại tiền phạt nào, và tính tiền lãi suất ra sao, thì họ đều phải ghi rõ lý do và đã dựa trên luật thuế nào. Nếu không đồng ý với lý do Sở Thuế đưa ra thì vẫn có quyền bổ sung bằng chứng để thuyết phục họ thay đổi quyết định. Còn nếu như họ cứ nhất quyết không chịu đổi ý thì còn nhiều cách khác để khiếu nại nữa.
Sẵn đây tôi cũng muốn chia sẻ cảm nghĩ, là những ai làm kinh doanh như ông nên có một chiến lược gia thuế cố vấn quanh năm, không phải mỗi năm chỉ gặp một lần khi khai thuế. Chiến lược gia thuế sẽ am hiểu tình hình chi thu, thuế, và cập nhật những vấn đề thuế mới lạ để lên kế hoạch tận dụng những cơ hội tốt quanh năm. Chứ chờ đến lúc đi khai thuế thì đã hết năm, đã quá muộn. Chẳng những vậy, có những chiến lược gia thuế không những sẽ giúp ông chuẩn bị phòng khi bị audit, mà còn đảm nhận luôn cả việc giúp ông đương đầu với Sở Thuế, nếu xui xẻo bị vướng phải rắc rối với Sở Thuế.
Thành thật chúc ông nhiều may mắn.
NĐT