LỜI GIỚI THIỆU:
Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (Treasury Inspector General). Cô có bằng IRS Enrolled Agent do Sở Thuế cấp. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, cô Đài Thi đã từng kiểm toán (audit) hồ sơ thuế của các cá nhân và công ty thương mại. Trong thời gian làm việc cho Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố, cô cũng đã từng kiểm tra các hoạt động và cách làm việc của Sở Thuế. Với kinh nghiệm đặc biệt này, chẳng những cô Đài Thi rất rành rẽ về luật thuế, mà còn hiểu tường tận về cơ cấu và nội bộ của cơ quan IRS. Cô thường xuyên chia sẻ các đề tài thuế qua các đài radio và TV tại Dallas. Trẻ hân hạnh được cùng cô Đài Thi cộng tác để hướng dẫn đồng hương về luật thuế liên bang và giải đáp các vấn đề rắc rối với Sở Thuế. Độc giả ở khắp nơi có thể gửi thư bưu điện hoặc email cho tòa soạn Trẻ, ghi chú “Mục Thuế Vụ”.
Email: bientap@trenews.net
Nhắn tin (text only) câu hỏi đến
469-328-3453
hoặc gởi thư về tòa soạn:
3202 N. Shiloh Rd.,
Garland, TX 75044
HỎI: Đọc qua bài báo Trẻ phỏng vấn chị “Hung Thần Của Sở Thuế”, tôi cám ơn chị đã có lòng chia sẻ kiến thức về thuế với đồng hương. Trong bài phỏng vấn chị có nói nếu Sở Thuế làm việc sai trái thì không bị phạt mà bị chính phủ chất vấn và có thể bị cắt giảm ngân sách. Vậy nếu nhân viên Sở Thuế làm việc sai trái thì có bị phạt không?
ĐÁP: Cám ơn anh đã hỏi một câu hỏi rất hay về bài phỏng vấn Đài Thi trên báo Trẻ số 1405. Vì khuôn khổ báo có giới hạn cho nên tôi đã không đi sâu vào chi tiết trong bài phỏng vấn.
Khi thanh tra chúng tôi thấy Sở Thuế làm việc sai trái, thì chúng tôi phải xác định mức độ trầm trọng, vì sao xảy ra, ai là người có trách nhiệm v.v.
Nếu lỗi lầm do quản lý cấp cao sơ sót thì cấp cao phải chịu trách nhiệm trước Quốc Hội và phải điều chỉnh. Chẳng hạn như nếu quy luật hoặc kiểm soát lỏng lẻo thì Sở Thuế phải thắt chặt lại. Nếu nhân viên thiếu kiến thức chuyên môn thì Sở Thuế phải có chương trình huấn luyện khá hơn.
Còn như nếu chúng tôi khám phá ra cá nhân nào đó có những hành vi gian lận thì Sở Thuế sẽ áp dụng những hình phạt tương xứng với những hành vi đó. Tất cả những hình phạt đều có quy tắc rõ ràng. Chẳng hạn như lỗi lầm nhẹ thì bị cảnh báo. Lỗi nặng hơn thì bị đuổi việc, và thậm chí bị vào tù.
Nhân viên của họ thì họ tự giải quyết chứ chúng tôi không can dự vào, tuy nhiên Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố chúng tôi đều giám sát tất cả những hành vi của Sở Thuế. Họ không thể thiên vị con ông cháu cha mà nương tay.
HỎI: Chào chị Đài Thi, những người chủ tiệm, thợ, hoặc làm nghề tự do nhận tiền mặt không khai thuế hết tất cả thu nhập của họ, làm sao Sở Thuế biết được lợi tức thật của họ? Tôi thấy chị nói những người có tiền và tài sản ở Việt Nam phải khai báo số tiền đó, vậy những người làm nghề tự do ở Mỹ kiếm được nhiều tiền mà họ vẫn có thể khai ít mà không bị Sở Thuế bắt được, thì không công bằng chút nào. Mong chị giải thích giùm.
ĐÁP: Xin thưa, câu hỏi của chị có 2 phần riêng biệt không có liên quan đến nhau. Tôi xin trả lời những thắc mắc của chị theo thứ tự nhé.
Thứ nhất, Sở Thuế không biết được lợi tức thật sự, nhất là khi thu nhập của mình là tiền mặt. Theo luật thuế đã có từ xa xưa, thì mình phải khai tất cả lợi tức hằng năm, và luật để cho mình tự ý thức khai.
Chỉ khi nào mình bị audit (kiểm thuế), hoặc khi có chuyện gì xảy ra thì Sở Thuế mới dòm ngó soi mói đến thu nhập của mình. Đến lúc đó Sở Thuế sẽ có cách thức khảo sát của họ. Có thể họ sẽ tìm được hết, mà cũng có thể họ chỉ tìm được một phần. Mỗi trường hợp mỗi khác nhau.
Điều quan trọng là nếu Sở Thuế tìm thấy bằng chứng là mình cố tình khai thuế gian thì không những họ phạt rất nặng mà có thể họ sẽ kết án tù tội. Tội khai thuế gian gồm có: giấu thu nhập, khấu trừ thuế giả, nhờ người khác đứng tên tài sản để trốn né Sở Thuế, và nhất là những hành vi này được lặp đi lặp lại vài năm.
Phần thắc mắc thứ nhì của chị có liên quan đến luật thuế mới của Mỹ, là phải khai báo tài khoản ở Việt Nam hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tài khoản có nghĩa là tiền trong ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán (stocks).
Không cần biết tiền ở đâu ra. Tiền do mình buôn bán, đi làm, gia đình bạn bè tặng v.v. đều không thành vấn đề. Khai báo chứ không có trả thuế đồng nào. Vì vậy, khai báo ở đây không có cùng nghĩa với khai thuế lợi tức. Mình không thể so sánh tại sao người ở Mỹ giấu diếm lợi tức không khai thuế mà người có tài khoản ở Việt Nam phải khai báo hết.
HỎI: Thưa chị Đài Thi, em mới khám phá ra là người khai thuế cho em năm 2022 và 2023 đã khai không đúng. Vấn đề khá dài dòng em không tiện nói ra ở đây. Bây giờ em muốn khai thuế lại cho đúng vì em không muốn sau này bị rắc rối với Sở Thuế. Khai thuế lại có bị Sở Thuế lưu ý và audit không? Cám ơn chị.
ĐÁP: Chào chị, khi mình khai thuế lại thì mình phải giải thích tại sao mình cần phải khai lại. Trong trường hợp của chị thì chỉ cần nói đơn giản là chị muốn chỉnh sửa lại phần nào đó vì những con số đó không đúng.
Sở Thuế sẽ xem qua các giấy thuế khai lại. Khai thuế lại hoàn toàn không có nghĩa là Sở Thuế sẽ lưu ý đến hồ sơ thuế của mình hơn. Họ cần phải xem qua vì có những trường hợp không hội đủ điều kiện để khai lại.
Thông thường khoảng 2-3 tuần thì họ sẽ gửi thư báo là giấy thuế khai lại đã được chấp thuận và kết quả là số tiền thuế chị phải trả thêm hoặc lấy về được thêm là bao nhiêu.
Sau khi chị khai lại và biết chắc rằng mình sẽ phải đóng thêm, thì nếu chị muốn chị có thể trả thêm phần đó ngay lập tức chứ không cần phải chờ đến khi nhận được thư của Sở Thuế. Trả sớm để giảm tiền phạt và tiền lãi suất. Nếu có trả dư thì Sở Thuế sẽ gửi trả lại cho chị.
NĐT