Có ý kiến nói rằng Tàu là một nước lạc hậu, chuyên làm hàng nhái và trộm cắp công nghệ, nay họ đã có nhiều lĩnh vực ngoi lên đứng đầu. Khi đã đứng đầu thì không thể bảo nó là hàng nhái được, nên xem xét và học hỏi kẻ thù những gì có thể. Tàu có thể sản xuất được hàng hóa giá rẻ mạt vì họ có sẵn vùng nguyên liệu và giá nhân công rẻ mạt. Tại sao ta cũng có điều kiện như Tàu mà ta không làm được như Tàu?

Một công nhân đang tráng lớp nhựa mới cho parking trong khu chợ Hòa Bình, thành phố Garden Grove, quận Cam.

Quả thật, nếu xét về mặt sản xuất tiêu dùng thì Trung Cộng hiện nay là “đệ nhứt thiên hạ hàng nhái,” mà cái sự “nhái” gần như đã ở tầm “tuyệt kỹ võ lâm,” quanh đi quẩn lại người dân Mỹ đều ít nhiều phải xài hàng nhái của Trung Cộng. Tôi vô trang Amazon coi reviews, thấy người đang sống ở Mỹ mua hàng nhái của Tàu Cộng rất nhiều, đơn giản vì sản phẩm xài tương đối khá so với hàng chính hãng, mà giá cả lại rất rẻ.

Cách đây không lâu, chị bạn tặng quà sinh nhật sớm cho tôi là cây viết Parker 51 bơm mực nước (dòng cổ điển được ra mắt lần đầu vào năm 1941) “Made in France.” Theo tra cứu của tôi thì “Classic Fountain Pen đời 51” này hãng Parker đã ngưng sản xuất một thời gian, khiến nó còn có thêm nickname “World’s Most Wanted” (Kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới.) Nay hãng quay lại sản xuất mẫu cổ điển này tung ra thị trường với những cải tiến mới hiện đại hơn.

Chưa đầy hai tháng sau, cũng trên trang Amazon, hãng Jinhao (Kim Hào, Thượng Hải) của Trung Quốc đại lục đã tung ra mẫu viết bơm mực có tên “Jinhao 86 Classic Fountain Pen” y chang mẫu Parker 51 của Pháp, bán trên Amazon một lô 3 cây viết (3 màu)/$12, tức $4/cây viết. Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy trên trang AliExpress rao bán viết Jinhao 86 Classic $0.99/cây. Quá tò mò, tôi bèn mua thêm lô 3 cây Jinhao 86 do Amazon bán để so sánh. Nhìn bên ngoài vỏ, Jinhao 86 và Parker 51 chỉ khác nhau ở dòng chữ “Parker” và “Jinhao” khắc trên nắp viết. Ngòi của Parker 51 là Fine, Jinhao là Extra Fine. Bơm mực vô viết mới thấy, dù “nhái” giỏi đến 95% nhưng ngòi viết, lưỡi mèo viết của Parker 51 thì Jinhao không “nhái” được. Parker 51 xuống mực đều, viết trơn, mướt, cứng cáp. Hãng Jinhao quảng cáo Jinhao 86 là cây viết dành cho học sinh trong các trường học, cho các văn phòng quả không sai, nó rất rẻ tiền, và viết tốt. Xem ra, nó còn xuống mực tốt hơn cây Hero 331 “thần thánh,” “niềm khao khát một thời” của lũ học trò thế hệ bọn tôi ở Việt Nam.

Ờ, thì mua vài cây Parker 51 chính hãng về tháo banh ra, đo đạc kích thước từng bộ phận, nghiên cứu chất liệu cấu tạo, nghĩ cách tạo khuôn, rồi đổ khuôn ra hàng loạt là xong. Ðâu cần phải khổ công suy nghĩ sáng tạo từ con số 0 ban đầu. Cứ cho là nay Trung Cộng “đứng đầu thế giới” rồi “thế giới” có “học tập” Trung Cộng “nhái” sản phẩm của Trung Cộng được không? Tất nhiên là không, bởi vì hàng hóa Trung Cộng “nhái” của nước khác, không lẽ các nước khác bây giờ lại sản xuất ra cái thứ “nhái của nhái”?

Sản xuất hàng hóa với vùng nguyên liệu có sẵn tại chỗ và giá nhân công rẻ, người Mỹ đã làm điều này cách đây hai thế kỷ, nhưng bây giờ thì không. Chế độ Việt Nam cộng sản đã từng tự hào là quốc gia thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhờ giá nhân công rẻ mạt, và sau hơn 20 năm “thu hút đầu tư” thì giai cấp công nhân vẫn cứ là giai cấp bần cùng nhất trong xã hội. Khi giá nhân công rẻ mạt thì chắc chắn người lao động không có đủ tiền để ăn uống tẩm bổ, không có tiền để lo cho đời sống gia đình, không có tiền cho vui chơi giải trí, không có tiền để đi học thêm nâng cao trình độ, vì lương thấp bắt buộc công nhân phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập, vậy là công nhân không có cả thời gian nghỉ ngơi đủ cho phục hồi sức khỏe… Và đây không phải là mục tiêu hướng tới của chính phủ một quốc gia văn minh, tự do như nước Mỹ.

Ðạo luật về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của tiểu bang California năm 2010 (The California Transparency in Supply Chains Act of 2010 – SB 657) đòi hỏi các tập đoàn, công ty, xí nghiệp (xin được gọi tắt là doanh nghiệp) phải công khai những nỗ lực nhằm xóa bỏ nạn buôn người khỏi chuỗi cung ứng trực tiếp của mình, xóa bỏ lao động trẻ em một cách hiệu quả. Ðạo luật SB 657 không chỉ nghiêm cấm chủ sở hữu doanh nghiệp thuê lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức, mà còn trong bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào về những lạm dụng này, cho dù trong hoạt động của chính doanh nghiệp, hay của nhà cung cấp nguyên vật liệu (kể cả nhà cung cấp tiềm năng) cho doanh nghiệp, phải được báo cáo cho nhà chức trách để điều tra ngay lập tức. Doanh nghiệp bị bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt hợp tác với nhà cung cấp khi phát hiện nhà cung cấp vi phạm nghiêm trọng Ðạo luật SB 657.

Thời nhà nước Liên Xô chưa sụp đổ, ngày “Quốc tế Phụ Nữ 8-3” phụ nữ Liên Xô bị lùa ra đường, mặc váy ngang đầu gối, mang giày cao gót, tay giơ cao ảnh chân dung Lenin đi diễn hành, hô khẩu hiệu để chứng tỏ “nữ quyền.” Nhìn rất đẹp, nhưng mang giày cao gót mà đi bộ ngoài đường nhựa, lại còn phải cầm khung ảnh to đùng, thế nào cũng phồng rộp hết cả chân, mỏi hết cả tay, thì là hành xác chị em phụ nữ chớ chẳng phải “tôn vinh nữ quyền.” Ở Việt Nam thời điểm ấy cũng bắt chước y chang Liên Xô, sau ngày 8 – 3 thì phụ nữ đâu lại vào đó, cũng làm việc quần quật, cũng thiếu ăn thiếu mặc, thiếu cả điều kiện vệ sinh cá nhân. Bọn học trò chúng tôi tình cảnh chẳng khá hơn. Cứ ngày lễ là tập trung ra ngồi chồm hổm phơi cái đầu cháy nắng trên sân trường tráng xi-măng để nghe các vị quan chức A Bờ Cờ nào đó thay phiên nhau đọc diễn văn. Hễ nghe ở trên nói: “Ðề nghị quý vị cho một tràng pháo tay” thì bọn học trò đang rầm rì nói chuyện riêng giật bắn người vội vỗ tay lộp độp. Riết rồi bọn tôi đâm ra ghét ngày lễ vô cùng.

Ðạo luật SB 657 không chỉ bảo vệ quyền của người lao động, mà còn bảo vệ quyền của người lao động ở các quốc gia khác (là đối tác hoạt động của doanh nghiệp Cali.) Thí dụ: Không ai có thể vui vẻ sử dụng một món hàng giá rẻ được sản xuất từ nguyên liệu được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc, hoặc sản phẩm giá rẻ, mà chúng ta biết rõ nguyên liệu ấy đến từ các trại cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông. Khi đó, doanh nghiệp ở Mỹ chấm dứt hợp tác với bên cung cấp vi phạm Ðạo luật SB 657 là việc cần thiết phải làm, vừa tuân thủ luật, tẩy chay việc trục lợi từ hành vi cưỡng bức lao động.

Bảo vệ quyền phát minh sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ (không sản xuất hàng “nhái,”) khuyến khích mọi người luôn sáng tạo ra sản phẩm mới… đó mới là tôn vinh người lao động. Một quốc gia có nhiều phát minh sáng chế, quốc gia đó sẽ hùng mạnh, đời sống người lao động thoải mái, sung túc. Labor Day ở nước Mỹ không cần ai ra đường hô hào “Người lao động Mỹ muôn năm,” “Giai cấp công nhân Mỹ quang vinh muôn năm,” mà tôn vinh người lao động là bất cứ người lao động nào cũng được trả mức lương hậu hĩnh, được bảo đảm các quyền lợi về y tế, hưu trí, học hành nâng cao kiến thức nghề nghiệp, được có điều kiện vui chơi giải trí… Ðó mới thật sự là tôn vinh người lao động.

TPT