Xăm là dùng một dụng cụ tạo vết rách da nhẹ, thấm mực vô, sau khi da lành, dấu mực đó lưu lại trên da không phai. Theo các tài liệu khảo cổ đã khai quật, xăm mình đã xuất hiện trong xã hội loài người từ thời cổ đại trước Công nguyên.
Truyền thuyết của người Việt kể rằng “Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Vua nói: Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại. Nói rồi, vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.” (Lĩnh Nam Chích Quái, phần Hồng Bàng thị truyện.)
Thời xa xưa, phần lớn người ta xăm mình vì mục đích “đánh dấu.” Thí dụ: Dấu hiệu nhận biết bang phái, bộ tộc, dòng họ, gia đình, tội nhân… Ở giai đoạn xã hội phát triển hơn, người ta xăm mình nhằm mục đích làm đẹp, trang trí thân thể. Truyện Thủy Hử có mô tả nhân vật Lỗ Trí Thâm toàn thân trên phủ khắp hình xăm bông hoa, người đời gọi ông ta là Hoa Hòa Thượng. Nhân vật Sử Tiến yêu thích võ nghệ, con nhà phú hộ, mỗi lần Sử Tiến mời một võ sư về học hết bản lãnh của thầy thì xăm hình một con rồng trên người. Sử Tiến học qua 9 thầy nghề võ, xăm 9 con rồng trên mình, nên có tên hiệu là Cửu Văn Long (Văn, tức là đẹp, là nét vẽ, không phải chữ Vân như nhiều người đọc lầm.) Ngoài các tráng sĩ chọc trời khuấy nước như Lỗ Trí Thâm, Sử Tiến có hình xăm, những người còn lại có hình xăm trên mặt đều xuất thân là tù phạm. Có sách kể rằng Nguyên soái nhà Nam Tống Địch Thanh xuất thân là tù phạm, sau khi ông được phong tướng, trên mặt vẫn có dấu xăm chữ “tù.” Tướng sĩ dưới quyền thấy vậy, sợ ông xấu hổ thân phận, bèn rủ nhau xăm lên mặt giống y như Địch Thanh.
Ở Việt Nam, thời nhà Trần, quân lính dưới trướng Hưng Đạo Vương đều xăm chữ “Sát Thát” (Giết giặc Nguyên) để tỏ rõ ý chí và phô trương khí thế quân đội.
Trong tiểu thuyết “Papillon – Người Tù Khổ Sai” (Henri Charrière) nhân vật chính đã dùng lưỡi lam (razor blade) để xăm hình con cọp trên lưng một vị tù trưởng, vì lúc đó họ không có kim xăm. Ngày nay, người ta không còn xăm hình bằng loại kim chấm mực, mà là kim máy bơm sẵn mực trong thân kim, tương tự như bút máy (fountain pen.) Hiện đại hơn, người ta đã sáng tạo ra nhiều kiểu kim, thí dụ: kim 1, kim Magnum, kim Round Shader (RS), và kim Curved Magnum Shaders (RM). Kim 1 thường được dùng cho các kỹ thuật phun xăm như Hairstroke, đi sợi lông mày. Kim Magnum được sử dụng để tạo hiệu ứng bóng, tô, hoặc đi nét. Kim RS dùng để đánh bóng, tô hoặc đi những nét tô. Kim RM, hay Curved Magnum Shaders, được dùng để tạo hiệu ứng màu và đánh bóng.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không trình bày sâu về kỹ thuật xăm, đó không phải là chuyên môn của tôi, nói bậy nói bạ quý độc giả cười rụng hết răng. Tôi cũng không nhận xét về xăm thẩm mỹ, tức làm đẹp trên mặt của khách hàng. Quan điểm của tôi là khuyến khích xăm làm đẹp trên mặt, gương mặt thiếu điểm gì ta bổ sung điểm đó cho hoàn hảo, tự nhiên. Xăm làm đẹp không phải là kỹ thuật xâm lấn gì ghê gớm, lỡ hư thì có thể chỉnh sửa lại nếu đừng xăm quá xá đậm hoặc quá xá bự. Tuy nhiên, trên mặt đừng xăm thêm những thứ mà tự nhiên không có. Ở đây tôi chỉ nói về xăm thân mình (body tattoo) dưới mắt nhìn khách quan (không phải thợ xăm, cũng không phải người được xăm.)
Xăm thân mình là xăm bao gồm tất cả phần da của cơ thể, là một loại hình nghệ thuật vẽ vĩnh viễn trên da, phần lớn khách hàng chọn xăm ở thân trên. Thí dụ: người Nhật Bản, người Bắc Phi, người New Zealand, những bộ lạc ở vùng đảo Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á. Một thời gian dài, hình xăm rằn ri khắp thân mình là biểu hiện của giới xã hội đen Nhật Bản (Yakuza) nên người ta ác cảm với người xăm mình, người Nhật không thích xăm mình nữa.
Thông thường, người hành nghề biểu diễn (showbiz) xăm hình là để gây sự chú ý với khán giả. Hình xăm càng lạ, càng quái dị, càng độc đáo thì họ càng thích. Giới trẻ hiện nay dùng xăm hình như cách thể hiện cá tính, phong cách riêng. Hình xăm cũng có thể giúp người trẻ nổi bật và khác biệt so với đám đông.
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới đều có người xăm hình, xăm chữ trên thân thể, không phân biệt nam nữ, cá biệt có người xăm còn “bo” thêm cắt, xẻo, độn, đeo… lủ khủ. Vì vậy, ngày nay dưới mắt nhìn của dân chúng thì xăm mình chia thành hai trường phái: xăm nhìn được và xăm nhìn không được.

Một vài hình xăm khôi hài trên Internet
Xăm nhìn được là hình xăm không gây chướng mắt người nhìn, không làm cho người nhìn cảm thấy sợ hãi, khó chịu, bất an. Đặc biệt là hình xăm nhỏ, màu sắc sống động, nét vẽ sắc sảo, mang tính hài hước… để che thẹo (sẹo), che vết bớt xấu thì càng được ưa chuộng.
Xăm nhìn không được là những hình xăm quá lớn, màu đậm, nét vẽ thô kệch, rằn ri, diện tích hình xăm che phủ hầu hết da thân thể, hình ma quái, thú dữ, nhân vật có biểu hiện hung tợn, chữ cái bự, xăm luôn đen thui lên mặt nhìn rất kỳ dị. Thời nay, xã hội không còn kỳ thị với người có hình xăm như ngày xưa, nhưng một số nghề vẫn công khai đưa ra tiêu chuẩn tuyển nhân viên không có hình xăm, nhất là đối với những nghề tiếp xúc với khách hàng là trẻ em.
Khi còn trẻ, da căng bóng, xăm hình coi cũng được. Khi da bị lão hóa, nhăn, chùn, có đồi mồi… hình xăm sẽ méo mó, quái dị, rất là xấu. giả sử quý vị lấy trái dưa leo vẽ hình lên, rồi đem trái dưa phơi nắng vài ngày, dưa héo teo tóp nhăn nheo, hình vẽ hẳn sẽ thay đổi méo mó thấy ghê. Do đó, nếu có xăm thì nên xăm hình nhỏ và không quá đậm, có thể dùng quần áo để che được, hoặc có thể dễ dàng xóa đi nếu đổi ý hoặc hình đã mất ý nghĩa.
Tệ hơn nữa là hình xăm bị sai lệch với hình mẫu nhiều quá, không khác gì “Người Đẹp (hình mẫu) và Quái Vật (hình sau khi xăm)” vậy, lúc đó thiệt là “Tiến thoái lưỡng nan”, bỏ đi cũng dở mà giữ lại càng dở hơn. Tôi biết có cô kia, trước khi đi xăm hình thì rất háo hức, nôn nóng chờ tới ngày hẹn xăm. Xăm rồi về nhà trùm mền nằm dàu dàu cả tuần vì hình xăm quá xấu, không như ý nghĩ ban đầu, mà muốn xóa xăm làm lại thì… hết tiền rồi.
Còn trẻ xăm tè le chơi, xăm càng nhiều càng thích, tới lúc có con, có cháu nội cháu ngoại thì rất ít người muốn con cháu mình nhìn thấy những hình xăm ấy nếu xăm nhiều quá và xăm không đẹp.
Từ thập niên 90 tôi đã thấy các tiệm chạp phô ở Việt Nam có bán hình xăm giả, tức miếng dán nilon in mực đen, giá rẻ. Mua về dán lên da, tắm rửa bình thường, giữ được khoảng 2 – 3 ngày. Thật ra cũng đâu cần giữ lâu tới 2-3 ngày, dán vô chụp hình “lấy oai,” dán vô đi chơi khoe với bạn bè cho thiên hạ tưởng mình cũng “xăm trổ” hầm hố, xong rồi về lột miếng dán ra thì chưa tới một ngày. Hôm khác lại dán mẫu mới lên chơi tiếp. Như vậy đỡ hại da người dùng mà lại linh động mẫu mã, muốn đổi kiểu gì cũng được.
TPT