Nhà văn Nguyễn Trường Sơn và tác phẩm “Con tàu bí mật” cùng vài tựa sách của thân hữu là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên “tủ sách Tuổi Hoa” với tuổi tên lừng lẫy sau này. Sau khi in được 8 tác phẩm và nhận được nhiều thư từ khích lệ của các bậc phụ huynh cũng như sự thích thú, say mê từ lớp độc giả nhỏ tuổi, ông cho ra mắt tạp chí “Truyện nhi đồng tuổi hoa” (thường được gọi là “nguyệt san Tuổi Hoa”), số đầu tiên vào tháng 6 năm 1962 và đều đặn mỗi tháng một lần. Do số lượng độc giả ngày càng tăng nên kể từ số 36, tạp chí Tuổi Hoa được phát hành theo dạng “bán nguyệt san”, mỗi tháng 2 kỳ.

Nguyệt san Tuổi Hoa         

So với thời Đệ nhất Cộng Hòa, chính sách tự do ở thời Đệ nhị Cộng Hòa đã tạo điều kiện thuận lợi khiến cho tờ “bán nguyệt san Tuổi Hoa” được khởi sắc từ nội dung cho đến hình thức. Nguyệt san cũng như bán nguyệt san Tuổi Hoa thường xuyên giới thiệu các truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, những bài thơ, một số tin vắn về các hoạt động xã hội của thanh thiếu niên như hướng đạo, trại hè và thậm chí tin thư từ miền giới tuyến xa xôi. Hầu hết các truyện dài được đăng tải nhiều kỳ trên nguyệt san hay bán nguyệt san đều được đón nhận nồng nhiệt khi được in thành sách và chiếm được một vị trí trang trọng trên các kệ sách trong thư viện hay ở các tiệm sách báo tư nhân. Năm 1969, tủ sách Tuổi Hoa được ra đời từ những cuốn sách đó với khổ nhỏ, gọn ghẽ trong lòng bàn tay và phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên đương thời.

Xem thêm:   Ballerina

Các tác phẩm của tủ sách Tuổi Hoa được chia làm 3 loại, hoa xanh, hoa đỏ và hoa tím. Loại hoa xanh gói ghém tình cảm nhẹ nhàng giữa gia đình và bè bạn. Loại hoa đỏ dành cho đề tài phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám. Loại hoa tím đặc biệt dành cho tuổi 16, 18, đang tập tành mơ mộng, yêu đương và bước vào cuộc đời những bước thấp, bước cao.

Nhà văn kiêm chủ bút Nguyễn Trường Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Vi Vi

Tủ sách Tuổi Hoa gồm những truyện “phóng tác” từ những cuốn tiểu thuyết ngoại quốc nhưng được Việt-Nam hóa một cách khéo léo, từ nhân vật cho đến hoàn cảnh chung quanh và cũng không thiếu những câu chuyện xảy ra nơi xứ mình trong thế giới tuổi thơ trong sáng, ngập tràn thương yêu xen lẫn niềm tin. Tên tuổi của các tác giả quen thuộc được giới trẻ mến mộ văn tài trải dài từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà-Mau như dịch giả Nguyễn Hiến  Lê, nhà giáo Quyên Di, nhà văn Thùy An, Kim Hài, Nguyễn Thái Hải, Hoàng Đăng Cấp, Minh Quân, Bích Thủy v.v. Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa, ông chủ bút Nguyễn Trường Sơn đã bộc bạch:

– Tủ sách Tuổi Hoa cố gắng gìn giữ cho phần hình thức được sạch sẽ và nội dung cần mang tính giải trí lành mạnh cho các em tuổi từ 14 đến 16.

Bán nguyệt san Tuổi Hoa

Về nội dung, nhà văn Minh Quân là cánh tay đắc lực trong việc khai thác bản thảo và làm cầu nối với các tác giả dạn dày kinh nghiệm trong giới văn chương, chữ nghĩa cũng như những cây bút mới toanh nhưng giọng văn tràn đầy sức sống tươi trẻ, lành mạnh. Do tốt nghiệp từ trường mỹ thuật Đông-Dương nên nhà văn Nguyễn Trường Sơn rất chú trọng đến hình thức cũng như tính mỹ thuật của các ấn phẩm Tuổi Hoa. “Logo” của tủ sách Tuổi Hoa là bông hoa tám cánh do họa sĩ Vi Vi vẽ mang màu tím, xanh hay đỏ tùy vào nội dung cuốn sách. Với tài năng của họa sĩ Vi Vi và sự áp dụng kỹ thuật ấn loát “offset” tân kỳ, các bìa tập san cũng như hình bìa các cuốn sách Tuổi Hoa mỗi ngày càng thêm rạng rỡ và xinh đẹp lung linh.

“Tiếng hát vành khuyên”

Sách truyện “Mùa sương mù”

Ngược dòng thời gian và đi về miền quá khứ của hơn nửa thế kỷ trước, thằng Tám được sống lại những giây phút hồn nhiên, thơ dại nhất là khi được cầm trong tay những cuốn truyện Tuổi Hoa. Tám phải nhịn bớt tiền quà sáng và gom góp lại từng ngày để đủ “mượn” một cuốn sách từ tiệm Đại Chúng hay Cảnh Hưng trên đường Phan Đình Phùng. Tám yêu thích những câu chuyện nhân từ và ngọt ngào từ tủ sách “hoa xanh”. Tình cha, nghĩa mẹ cũng như bạn bè trang lứa dẫn dắt Tám đi vào những ngõ ngách của tình thương cũng như sự dễ dàng thông cảm, bao dung. Muốn đọc những câu chuyện trinh thám hay mạo hiểm, Tám phải chạy qua nhà thằng bạn chung lớp trong khu Cư xá Đô Thành. Tánh tình thằng Phi năng động và được sanh ra trong gia đình khá giả nên nó sở hữu một loạt sách truyện “hoa đỏ” mới toanh chứ không cũ kỹ hay bị trầy sướt như những cuốn truyện mà Tám thường mang về từ những cửa tiệm cho mướn sách. Đôi khi vì tánh nết tò mò, Tám cũng mượn từ anh của Phi mấy cuốn truyện “hoa tím” để đọc thử nhưng không thể hiểu được nhiều vì tuổi tác còn quá nhỏ.

Sách “hoa xanh” (trên) và “hoa tím” (dưới)

Chiến cuộc chao đảo vào tháng 4 năm 1975, tòa soạn “Tủ sách Tuổi Hoa” bị đóng cửa và nghe đâu sách báo được giao lại cho Trung tâm mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế lưu trữ. Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 233 được ấn hành vào những ngày cuối cùng của miền Nam tự do. Hai cuốn truyện “hoa xanh” sau cùng mà Tám được đọc là “Tiếng hát vành khuyên” và “Mùa sương mù” của nhà văn Nguyễn Thái Hải. Anh em nhà thằng Phi cũng rời Sài-Gòn trong những chuyến bay cuối cùng nên những cuốn truyện “hoa đỏ, hoa tím” cũng bềnh bồng theo gió cuốn, mây trôi. Tám còn giữ một cuốn “hoa đỏ” mượn của Phi mà chưa kịp trả lại. Cuốn sách “Mật lệnh u đỏ” của tác giả Hoàng Đăng Cấp lọt vào tay đội “băng đỏ” và chìm trong biển lửa những ngày sau tháng Tư năm 1975.

Xem thêm:   Nghề vú em xưa và nay

Sách “hoa đỏ”

Tủ sách Tuổi Hoa quy tụ những cây bút chuyên viết cho các tạp chí thiếu nhi với cánh chim đầu đàn là nhà văn Nguyễn Trường Sơn là món ăn tinh thần vô cùng bổ ích cho lứa tuổi mới lớn. Mỗi khi thấy lại một bìa sách Tuổi Hoa, Tám như tìm thấy được cả một vùng trời mơ ước ngày xưa. Chữ nghĩa trong sáng và đẹp đẽ đã góp phần hướng thiện những tâm hồn nhỏ nhắn và nhất là trau dồi cũng như giữ gìn tiếng Việt qua những giờ học quốc văn hay ít ra tránh được lỗi chánh tả không đáng có trong những bài tập làm văn. Năm tháng phôi phai thì không thể tránh khỏi cảnh sao dời, vật đổi nhưng những cảm xúc đẹp đẽ thuở còn ấu thơ, biết yêu người và biết thương xót quê hương triền miên chinh chiến vẫn theo Tám qua mỗi nẻo đường hay trên từng bước viễn phương.

TV – 02.07.2025