Mùa dâu tằm, không phải là mùa… nuôi tằm ăn lá dâu để lấy tơ dệt lụa như thời xa xưa mà là mùa trái của cây dâu tằm, mà không phải dâu tằm ở xứ Việt ta, mà là cây dâu tằm ở xứ Mỹ!

Cây dâu tằm hay còn gọi là cây “ tằm tang”, dâu ta, dâu… tàu, hay một số đồng bào phía Bắc như người Tày gọi là cây “Mạy mọn”, người Thái gọi là cây “ Co mọn”… tên khoa học là Morus Alba L. Thuộc họ Moraceae, dâu tằm. Có nguồn gốc ở Châu Á và di thực sang các nước Tây Phương và cả Hoa Kỳ, không biết trước đây có trồng thành vườn, thành nương hay không, nhưng thấy có nhiều gia đình trồng ở trước sân, bên đường, hay mọc hoang trong các park như những cây lấy bóng mát khác, ở các tiểu bang lạnh và nóng của Hoa Kỳ.

Theo một số tài liệu về thực vật học, cây dâu tằm được trồng ở Trung Quốc và Việt Nam từ hàng ngàn năm trước, chủ yếu để lấy lá nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa, ngoài ra toàn bộ cây dâu tằm, từ lá, cành, thân, vỏ, rễ đều được sử dụng làm dược liệu để trị nhiều bệnh như khí huyết, an thần, thanh nhiệt, tiêu viêm… rất được Đông y ưa chuộng và các danh y như Hoa Đà, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đều công nhận. Cành cây dâu còn có tác dụng trong phong thủy, trừ tà ma, nên các bà mẹ , thường lấy để ở đầu giường cho các em bé ngủ khỏi bị giật mình?

Xem thêm:   Cầu thang thoát hiểm

Tuy nhiên, cũng theo phong thủy, dâu tằm chỉ trồng ở nương rẫy, ruộng vườn, hoặc phía sau nhà. Tuyệt đối không được trồng ở phía trước nhà, vì sẽ mang lại vận xấu và những điều xui, rủi đến cho gia chủ, thực hư không biết thế nào, song người Việt rất tin về điều này, còn đối với người phương Tây và Hoa Kỳ, thì… vô tư! Dâu tằm vẫn thấy trồng phía trước của nhiều nhà mà vẫn chẳng thấy gia chủ có điều gì… kém may mắn?

Dâu tằm thường có 2 loại, dâu tằm trắng ( trái chín có màu trắng) và dâu tằm đỏ (trái chín có màu đỏ hoặc sậm đen), riêng ở Hoa Kỳ, dâu trắng được lai tạo với dâu tằm đỏ, nên trái chín có khi có hai màu, trắng và đỏ. Trái chín thường mọng nước, có vị ngọt thanh, đôi khi hơi chua, theo Đông y, trái dâu tằm thanh nhiệt, mát phổi, bổ gan, thận. Trái thường có nhiều vào mùa hè, khoảng tháng 6, tháng 7. Ở Việt Nam rất được, người lớn và trẻ em ưa thích, trái cũng có bán ở ngoài chợ. Song, ở Hoa Kỳ, dân bản xứ thấy ít khi sử dụng. Trái chín đỏ, rụng đầy gốc, mọc cây con hay chỉ giành cho… chim, sóc!

Quả dâu tằm

Dâu tằm từ lâu đã gắn bó với con người và hiện diện nhiều trong các tác phẩm văn học nổi tiếng ở Trung Quốc và ở Việt Nam, như trong thơ của Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ đều có nhắc đến “Tằm tang” tức dâu tằm. Trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của bà Đoàn Thị Điểm thì hình ảnh “Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Tình chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?”, ray rứt lòng người hay thơ Nguyễn Bính có câu: “Em ơi! Em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương…”. Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng thường hay nhắc đến từ dâu và từ “Tằm tang” (Hán) hay Nôm: “Dâu” cũng để đặt tên cho địa danh, tên đình chùa ở Việt Nam như “Nghi Tàm”, làng “Dâu”, chùa “Dâu” v.v. để ghi dấu một thời gắn bó cùng ruộng lúa, nương dâu và nghề dệt lụa của người Việt.

Xem thêm:   Một ngày vui

Mùa dâu, nhìn những cây dâu đơn lẻ, cao lớn, có cây cao từ 10 đến 15 mét, um tùm, chi chít những trái trắng, đỏ cùng tiếng chim, lích chích, chuyền cành, ríu rít tranh nhau ăn trái chín trên đất Hoa Kỳ mà nhớ nhung quê nhà một thuở: “Bên chàng đọc sách/Bên nàng quay tơ” hay “Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay” (Bài hát Trăng sáng vườn chè), của Văn Phụng…

THV