Mùa hè 72 Sàigòn mê mệt với phim Été 42 trên nền nhạc “The Summer Knows” của Michel Legrand. Tôi trong số các thiếu nhi si mê nữ tài tử Jennifer O’Neill. Mùa hè đó tôi còn thuê cuốn 15 Truyện Nghỉ Hè do Nguyễn Tú An phóng tác. Hôm nay đánh máy lại, vì mùa hè lại đến.

(Trần Vũ)

Truyện nghỉ hè

Ðối với tôi không gì thú vị bằng được về nghỉ hè trên cao nguyên với chú Tiệp. Chú có đồn điền trà, có ngựa, lại là tay súng cừ khôi trong vùng.

Tôi luôn luôn theo chú đi săn. Thực ra, chú bắn ít lắm, cần thịt rừng mới bắn: hoặc giả đôi khi có người trong “buôn” Thượng xa xôi tới xin chú hạ giúp con beo con cọp về quấy phá, là thế nào chú cũng nhận lời.

Năm đó du khách miền xuôi lên cao nguyên khá đông. Họ đi đổi gió, đi săn hay ngắm phong cảnh núi rừng. Trong số có dăm bảy người ngoại quốc, toàn những tay thiện xạ tìm đến miền này săn voi, săn hổ.

Ông Dôn là một người trong bọn.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Dôn và chú Tiệp hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng không mấy tốt đẹp. Tôi biết chú không ưa ông khách kiêu căng này. Theo người ta nói thời ông Dôn đã từng đi săn ở Phi Châu. Đi đâu ông cũng khoe:

– Tôi hạ bảy trăm con thú trong chín tháng trời. Chắc không có tay súng nào nhanh như vậy.

Chú tôi chỉ cười. Ông Dôn đắc chí lắm:

– Tôi bắn sư tử, voi, trâu rừng… dễ dàng như bắn chim, dê.

Chú Tiệp hình như không nhịn được nữa; chú thủng thẳng nói:

– Giá ông không dùng súng mà hạ được chúng, mới tài chứ!

– Không dùng súng?

– Đúng vậy. Tôi biết một người không cần súng hoặc tên tẩm thuốc độc mà vẫn mang về cho ông coi: đầu voi, hổ, trâu, tê giác, cá sấu. Trong vòng ba chục ngày.

Ông Dôn tròn xoe mắt, cho là chú Tiệp nói giỡn:

– Vô lý! Tôi cá với ông một trăm ngàn đây…

Ông ta rút tập chi phiếu ra, ve vẩy một cách khiêu khích.

Chú Tiệp phá lên cười:

– Ông mới tới đây, chưa biết cách săn thú của người Thượng, đánh cá như vậy tốn tiền quá… Để tôi đưa ông đi xem một chuyến săn voi đã, khi về sẽ hay… Tôi khỏi mang tiếng đánh lừa ông, được không?

Ông Dôn chừng ý thức được sự nóng nảy của mình, nhanh nhẩu xin lỗi ngay. Hai người hẹn nhau khởi hành vào sáng hôm sau.

Tôi biết chú Tiệp từ lâu: không phải chuyện có thực chẳng bao giờ chú nói. Nhưng trong thâm tâm, tôi không khỏi thắc mắc. Chú đoán được ý nghĩ đó hay sao, nên vỗ vai tôi:

– Cháu cũng không tin hả?… Để cho mày đi coi luôn cho sáng mắt ra!

Tôi mừng như mở cờ trong bụng.

Tôi hỏi chú:

– Ai mà tài vậy chú?

– Chú Pài ở “buôn” Tlung đó!… Tay thợ săn này chỉ cần một chiếc búa, vài thanh lao là hạ hổ, báo, voi, cá sấu… như bỡn. Rồi coi!

–oOo–

Chú Pài tới trại từ sáng sớm vì chú tôi cho người tới “buôn” tìm chú ngay chiều hôm trước. Ít người vạm vỡ như chú thực! Tôi đoán chừng chú phải trên sáu chục cân, toàn gân bắp, trông mà thích mắt. Tuy người Thượng nhưng chú không cà răng, căng tai, nên chẳng khác người Kinh mấy tí. Chú Tiệp gật gù bảo tôi:

– Cha con chú ấy giỏi nhất cao nguyên đấy, săn hổ như đuổi chó. Mà toàn có dao với búa mới tài!

Thực vậy, chú chẳng có súng hỏa mai, cũng chẳng có tên nỏ tẩm thuốc độc. Chiếc búa cán dài giắt ngang lưng, ngọn lao gỗ chừng hai thước vác trên vai. Thêm con dao bằng cây vát nhọn, hơ lửa rắn như đá, khí giới của chú chỉ có vậy.

Xem thêm:   Thiện xạ

Điểm tâm xong, chúng tôi lên đường ngay. Ông Dôn và hai người bạn đi sau, chú Tiệp với tôi theo sát chú Pài. Trời còn sương. Ngọn cỏ lấp lánh. Trên lùm cây, màng nhện chăng ngang dọc mang theo những giọt nước li ti, bóng bẩy như ngọc trai. Chim rừng từng đàn bay tới tấp.

Chú Pài băng qua bờ bụi nhanh như vượn. Trong lúc đó chúng tôi phải vừa đi vừa rẽ cây vạch lá, thực là mệt. Đi chừng dăm cây số tôi đã thở dốc. Đường rừng có khác! Qua vài cánh rừng thưa tới một chỗ đất trũng có cỏ cao. Chú Pài bỗng dừng lại, cúi xuống, nhìn quanh quẩn rồi nói với chú Tiệp:

– Tôi hạ con voi này. Nó kiếm ăn đâu đây.

Chú Tiệp ngạc nhiên:

– Đây làm gì có voi. Mùa này voi ăn trong núi chứ?

Người đàn ông Thượng lắc đầu, chỉ xuống đất. Tôi chỉ thấy một hố trũng như cái chậu, dưới có nước. Thì ra đó là dấu chân voi. Chú tôi ngẫm nghĩ:

– Dấu chân cũ mà. Phải hơn tháng trời rồi. Từ trước mùa mưa.

Chú Pài nhe răng cười, làm lắc lư hai chiếc vòng đồng hai bên tai:

– Các thầy nhầm đó. Nước mạch ngấm lên mà!

Chú đi theo dấu chân con vật, rồi chỉ về phía trước:

– Phân voi nhiều. Vậy là đàn voi không đi. Nó uống nước ở suối rồi ăn măng tre. Tìm được mà!

Trưa đến, chúng tôi dựng trại ngay dưới chân núi. Ông Dôn hạ được con heo rừng. Chỉ vài nhát dao khoanh, vài nhát giựt xuôi, giựt ngược đúng chỗ, chú Pài đã lột xong tấm da heo, dày, cứng như da trâu. Chú Tiệp bảo tôi:

– Heo “lăn chai” đây. Nó hay cọ mình vào thân gỗ chai, nhựa gỗ bắt dính vào da, lâu ngày dày như lớp áo giáp bên ngoài. Được cái thịt ngon lắm.

Điều này đúng. Vì tôi chưa ăn bữa nào ngon miệng như vậy. Chú Pài có lối nướng thịt kỳ lắm: chú nướng đá thực nóng, cho xuống hố, lót rau thơm, đặt thịt lên trên, lại phủ rau, rồi tới lớp đá nóng nữa. Cháy hết lá là chín thịt.

Ui chao! Vừa mềm vừa thơm, ăn không biết chán. Ông Dôn ăn lấy ăn để, coi bộ bắt đầu chịu lối ăn uống đặc biệt này của người Thượng.

Chú Tiệp moi buồng gan tươi, thái mỏng, bóp muối tiêu, xiên vào que, gác trên đống than hồng, mùi thơm tỏa ra ngửi mà thèm. Chú bảo tôi:

– Gan tươi bóp ngay muối tiêu, nước ngọt tụ vào trong nướng thực nóng, ăn với rau thơm hái ven bờ suối, mày nếm coi!

Tôi phải nhận chú tôi sành ăn. Cả ông Dôn và các bạn cũng nghĩ vậy.

Ăn no, chú Pài treo da heo lên cây, đứng xa chừng mười lăm thước, thử lao. Ngọn lao của chú bằng gỗ trắc, mịn thớ, quánh như đá. Lối phóng lao của chú cũng khác người. Chú không làm như các lực sĩ trên sân vận động mà lại nắm mũi lao, quăng đi như trẻ con ném dao díp.

Nhát đầu, lao đi ngang, đập vào đích. Chú lùi xa dăm bước. Lần này ngọn lao vút đi, xoay ngược lại, cắm phập vào tấm da heo. Chú phóng mươi nhát nữa, nhát nào cũng mạnh, mũi lao xuyên qua da heo như chọc vào giấy.

Ông Dôn xuýt xoa:

– Thế này thì đến tê giác cũng thủng.

Ông cầm thanh lao, xem thực kỹ rồi quay lại chú tôi:

– Ông nói đúng, khỏi cần súng. Ngọn lao phóng như thế kém gì đạn trái phá!

Chú tôi chỉ cười:

– Vậy mà vị tất chú Pài đã cần tới lao đâu. Chú ta chỉ dùng dao hay búa cũng đủ!

– Giết voi bằng búa, hay bằng con dao gỗ kia?

– Đúng vậy. Không thiếu gì cách giết voi, mà cách nào chú Pài cũng thông thạo, ông khỏi lo cho chú ấy.

Xem thêm:   Từ Houston đến Galveston

Ông Dôn nhìn hai người bạn:

– Tôi hạ mấy thớt voi ở Châu Phi, các anh còn nhớ chớ? Lần con voi đực tấn công tôi, hai tai nó vểnh lên, vòi cất cao, rít như sấm. Mặt đất rung chuyển như sắp nứt. Bữa đó không có khẩu súng bắn đạn lớn, chắc hôm nay tôi không còn đứng đây. Vậy mà “hắn” sẽ hạ voi bằng lưỡi búa hay thanh gỗ. Các anh có tin được không?

Chú Tiệp vỗ vai ông ta:

– Không tin rồi cũng phải tin. Khi các ông trông thấy tận  mắt. Mà không lâu đâu!

Chú thân mật nói với họ:

– Voi nguy hiểm, nhưng không phải khó giết. Người Thượng hạ nó bằng tên thuốc. Đôi khi họ men tới gần con vật, cắm ngược ngọn giáo dưới bụng nó rồi đứng sau lưng voi la hét ầm ĩ. Voi xoay người lại hạ thấp mình xuống, thế là giáo đâm sâu vào bụng

Ông Dôn gật gù:

– Thế ra voi này vừa mù vừa điếc sao?

Chú Tiệp phì cười:

– Đâu có. Voi Á Châu khi vểnh tai đón gió, nghe xa cả cây số. Nhưng không tinh mắt lắm đâu: xa khoảng năm mươi thước là không thấy rõ người rồi. Trời nắng to nó trông còn kém nữa, khoảng ba chục thước thôi. Vậy nếu đi ngược gió và thực êm ả, ông có thể tới gần nó được. Có điều voi nào cũng thế, ngửi thấy hơi người là sợ. Mà sợ quá hóa giận, khi đó ta coi chừng…

Lúc bắt đầu lên đường, chú tôi hỏi người thanh niên Thượng:

– Lần này chú tính giết voi bằng cách nào đây?

Chú Pài nhe răng cười:

– Tôi làm như con rắn cho thầy coi.

Chú Tiệp bảo tôi:

– Vậy là chú ta sẽ dùng búa chặt vòi voi đó. Con vật thoạt đầu chỉ thở với ho, nhưng máu ra nhiều, nó cuống lên, chạy một lúc cạn máu là chết.

Ngừng một chút, chú nói tiếp:

– Kể ra không dã man như dùng tên độc hay đâm nát bụng con vật theo lối nhiều bộ lạc Thượng khác thường làm, nhưng cũng tội nghiệp.

Chú Pài dẫn chúng tôi qua nhiều khóm cây gai góc tới khoảng rừng trống, hẹp, cỏ cao hàng thước, toàn thứ cỏ nước, hoa trắng như bông lau. Gió thổi mạnh. Thoảng bên tai tôi có tiếng voi rít nhẹ. Chú Tiệp đặt tay lên môi:

– Yên cả nhé! Gió có thể đổi chiều lắm đó!

Chú Pài tiến lên trước, luồn bụi như con chồn. Chú vẫy chúng tôi dẹp sang một bên, ra hiệu cho tất cả dừng dưới gốc lim gần đó. Chú lẳng lặng tháo chiếc khố quấn ngang người, nhặt nắm phân voi tươi xát lên da thịt, ngon lành như tài tử đánh phấn. Suýt nữa tôi phá lên cười. Chú Tiệp nghiêm trang:

– Không cẩn thận thế, không sao lại gần voi được. Muốn săn voi phải chịu cực như vậy.

Tôi le lưỡi. Thực may! Chắc chẳng bao giờ tôi săn voi mà lo.

Ông Dôn ghé sát tai chú Tiệp, thắc mắc:

– Sao tôi không thấy voi đâu?

Chú Tiệp chỉ tay ra phía trước. Chúng tôi cẩn thận nhòm qua kẽ lá, và nhìn rõ con vật.

Nó lù lù như đống rạ, nhưng màu da lẫn với màu lá, nên cũng khó thấy, nếu không chú ý. Con voi quay lại phía chúng tôi, hai tai vểnh rộng; tôi trông rõ cả đường viền quanh tai hằn lên. Đôi mắt bé nhỏ lấp lánh sáng. Chiếc vòi to lớn buông thõng, mềm mại. Cặp ngà còn nhỏ, chừng hơn thước, nhưng tuyệt đẹp, thuôn thuôn, nhọn hoắt, vàng bóng.

Chú Pài lùi về phía chúng tôi, thì thào:

– Nó nghe tiếng động rồi đó. Nhưng chắc nó cho là lũ khỉ. Để mặc tôi, đừng ai nổ súng nghe!

Chú đặt lao và dao xuống đất, chỉ cầm có chiếc búa, rồi lom khom bò lại ngang sườn con vật. Cỏ cao quá, tôi không thấy chú đâu, nhưng cũng đoán chừng chú ta đã vòng ra phía sau lưng voi. Nhờ có phân voi trên người, con vật không đánh hơi thấy chú.

Xem thêm:   Gió hắt hiu mùa

Tít ngoài xa, có dăm con voi nữa, nhưng con nào cũng thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Con voi trước mặt chúng tôi thực là tinh. Hai lần nó cất vòi lên, đón gió, ve vẩy tai. Rồi nó quay mình sang bên phải, nghe ngóng. Không có gì lạ, nó đứng yên, tai dẹp xuống. Đúng vào lúc đó, chú Pài luồn trong cỏ như con rắn, đã tới bên con vật mà nó không hay.

Chú bật dậy như cái lò xo, sát mạng sườn nó. Chú hét lên:

– Ai!…

Hai tai voi xòe rộng như đôi quạt, chiếc vòi đưa ngang ra cứng như thân gỗ, con voi hốt hoảng hạ thấp mông xoay mình lại. Tôi chỉ kịp thấy ánh thép lóe lên: lưỡi búa sắc như nước của tay thợ săn đã phạt cụt đầu vòi, khoảng hơn gang tay. Con voi rít lên khủng khiếp, máu phun ra như mây mù, chiếc vòi cụt dựng đứng.

Nếm mùi máu, nó rít lớn hơn, quay hẳn lại, đập tai phành phạch. Nhanh như cắt, chú Pài luồn ra phía sau. Lưỡi búa lại giơ cao.

Chú Tiệp thúc khuỷu tay vào tôi:

– Thế nào con vật cũng ngã… Pài nó chặt gân voi đó… Nhìn coi… Hễ đứt gân là voi ngã à!

Đúng lúc ấy, con voi hình như rúm người lại; đôi tai cụp xuống, chiếc vòi máu me đầm đìa không ngớt lắc lư. Nó rít khẽ rồi làm như muốn ngồi xuống, nhưng lại ngã vật sang một bên… nằm im.

Phía đằng xa đàn voi băng vào rừng, tiếng cây gãy răng rắc, mặt đất rung lên, bụi mù.

Ông Dôn ngơ ngác:

– Y làm thế nào vậy? Dễ dàng quá nhỉ.

Chú Tiệp nhìn ông ta:

– Y chặt đầu vòi, rồi cắt gân chân sau… Các con vật khác có thể đi bằng ba chân, nhưng loài voi, không! Phải đủ bốn chân mới đi được. Theo tôi, con vật biết là giờ cuối cùng của nó đã tới, nên nằm chịu chết cho rồi…

– Sao lại chặt vòi?

– Vòi voi có nhiều mạch máu lớn. Đứt vòi là voi chết vì mất máu. Bây giờ ông đã chịu là có thể săn thú lớn khỏi cần súng chưa?

Ông Dôn gượng cười, bắt tay chú Tiệp:

– Chịu lắm rồi… Nhưng tôi không sao làm như thợ săn Thượng được.

Chú Tiệp cũng cười vui vẻ:

– Tôi cũng vậy. Có lẽ ta nên giúp con vật chết nhanh một chút thì hơn.

– Ta làm sao đây?

– Ông cho nó ba bốn viên đạn vào tim đi.

Ông Dôn thi hành ngay.

Chú Tiệp nhìn những người bạn mới:

– Tôi sẽ để chú Pài giữ cho các ông đầu voi với cặp ngà nguyên vẹn. Chú ta khâu liền mẩu vòi cụt, khéo như đàn bà cho coi!

Trên đường về, tôi càng nghĩ càng phục chú Pài. Có lẽ chú không biết sợ là gì chắc! Khi tôi hỏi chú Tiệp về điều đó, chú chỉ cười.

Rồi chú còn nói thêm:

– Chú đã thấy Pài nó quỳ gối, chờ cho hổ vồ, ngọn lao chống ngay trước mặt. Hổ phóng tới thúc cả người vào ngọn lao. Lúc đó nó mới tránh ra, để bồi thêm cho hổ vài nhát búa. Chú ta còn biết cách đào hố bẫy tê giác nữa kia.

Ngừng một chút, chú nói tiếp:

– Tất nhiên nguy hiểm rồi. Nhưng họ đã quen nên cũng coi thường. Vả lại, nếu không gan dạ như vậy, làm sao những bộ lạc man rợ sống nổi từ ngàn vạn năm nay giữa đám thú rừng chỉ rình ăn thịt họ. Cháu thấy không?

Tôi chịu là chú có lý.

NTA phóng tác

(Theo A. Lake)

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1972

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2025