Triển Lãm hình ảnh 50 năm
Trong không khí bồi hồi tưởng nhớ hành trình di tản vĩ đại của Người Việt Tỵ Nạn sau 50 năm, nhiều tổ chức, hội đoàn hoặc cá nhân đã hình thành những buổi tưởng niệm dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hình ảnh trưng bày
Hội Nhiếp Ảnh PSCVN (Vietnamese Photographic Society of California) ở Nam Cali, Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi trưng bày cả trăm bức ảnh của hơn 60 hội viên và bạn hữu. Dưới sự hỗ trợ và góp sức của rất nhiều người, thêm sự bảo trợ của Dân Biểu Tạ Trí, buổi khai mạc đã diễn ra rất long trọng và đông đảo quan khách tham dự. Người Việt ở khắp nơi đã đến và xem triển lãm trong vòng 2 ngày 26 và 27 tháng Tư, năm 2025 tại phòng khánh tiết của Khu Bolsa Row, trung tâm của thủ đô người Việt tỵ nạn “Little Saigon”.
Buổi triển lãm còn có thêm sự góp mặt của Hội Hoa Lan của Ông Hà Bùi với những giò Lan đủ màu được sắp xếp hài hoà trong một khung cảnh lịch sự, ấm cúng và trang nhã. Ngoài ra, Tối Thứ Bảy ngày 26 còn có một buổi văn nghệ giúp vui của Ban Nhạc “No Name Band” do Trần Tùng điều khiển với sự góp mặt của ca sĩ Trọng Nghĩa trong chủ đề Romanza Night.

Lễ khai mạc và cắt băng khánh thành
Buổi khai mạc diễn ra long trọng với sự có mặt của nhiều vị dân cử như Dân Biểu Tạ Trí, Dân Biểu Trần Thái Văn, Giám Đốc Charlie Nguyễn Mạnh Chí, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, và các hội đoàn khác như Hội Phụ Nữ Người Việt Quốc Gia, Cao Minh Hưng của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ v.v.
Phòng tranh rộng rãi, thanh lịch và ấm cúng. Một số hình ảnh triển lãm được in ra và trưng bày trong khung, trên bạt vải. Tuy nhiên vì quá nhiều hình ảnh trưng bày mà diện tích phòng tranh có giới hạn, nên tất cả hình ảnh còn lại đã được trưng bày dưới hình thức Digital với các màn hình TV lớn treo trên 4 bức tường chung quanh khán phòng. Nội dung là những sinh hoạt, biến cố, cuộc sống đời thường v.v. đã ghi lại được trong cuộc sống tỵ nạn suốt 50 năm qua ở Hoa Kỳ.

GĐ Charlie Nguyễn Mạnh Chí trao tặng Bằng Tưởng Lục cho PSCVN
Cô Thư Huyền, Hội trưởng hội PSCVN và Ông Trần Hùng đại diện hội đã lên giới thiệu quan khách và tóm tắt lý do cũng như trình bày về cơ duyên của sự hình thành buổi triển lãm. Hội cũng cám ơn sự đóng góp công sức của rất nhiều người và xin mọi người tha thứ nếu có gì thiếu sót vì thời gian sửa soạn cho cuộc triển lãm quá gấp rút và thiếu thốn tư liệu.
Dân Biểu hạ viện tiểu bang California đại diện hạt 70 là ông Tạ Trí đồng thời cũng là nhà bảo trợ cho buổi triển lãm này đã lên phát biểu.

Dân Biểu Tạ Trí phát biểu
“Tôi chân thành cám ơn sự có mặt của các vị dân cử, giới báo chí và sự bảo trợ của ông Bà Phạm Hoàng Bắc cho buổi triển lãm. Làm được điều này có nghĩa là chúng ta đang viết lịch sử cho sự hình thành và lớn mạnh của tập thể người Việt trong những thập niên qua. Sự hình thành này được nuôi lớn bằng sức lao động, ý chí và sự quyết tâm của chúng ta. Sự thành công tiêu biểu lịch sử là năm 1988 luật sư Trần Thái Văn cùng tập thể người Việt hải ngoại đã xây dựng và dành được danh xưng «Little Sai Gon». Trong 36 năm qua danh xưng “Little Sai Gon” này là 1 vinh quang chúng ta có được. Tôi tin tưởng rằng trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều biểu tượng thể hiện những vinh dự “căn cước tỵ nạn” của chúng ta. Sự có mặt của quý vị là sự ủng hộ, khuyến khích đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Họ đã thể hiện cảm xúc của họ, họ đã ghi nhận những sự kiện, hoặc biến cố qua cảm nhận của họ. Những khoảnh khắc đó đã được ghi lại bằng con tim bằng sự hoà mình vào cảnh tượng để thực hiện những tác phẩm cho cộng đồng …”

Ô Phạm Hoàng Bắc chủ nhân Bolsa Row phát biểu
Ông Phạm Hoàng Bắc, chủ nhân của phòng khánh tiết Bolsa Row- địa điểm triển lãm- cũng lên phát biểu về sự vinh dự đã được tham dự và góp một phần nhỏ của vợ chồng ông trong buổi triển lãm tại Bolsa Row. Trong công cuộc gìn giữ và kể lại những hoạt động cũng như những câu chuyện lớn lao của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ sau 50 năm, Hội Ảnh PSCVN đã thực hiện điều này. Ông cũng cảm ơn tất cả quan khách, các vị dân cử cũng như các nhiếp ảnh gia đã hiện diện và đến tham dự buổi triển lãm.
Các vị dân cử khác như Dân Biểu Trần Thái Văn, Giám Đốc Charlie Nguyễn Mạnh Chí, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, đại diện các hội đoàn cũng lần lượt lên phát biểu cảm tưởng.

Hội Trưởng Hội PSCVN phát biểu
Sau đó Dân biểu Tạ Trí và các vị dân cử đã lần lượt trao tặng một số bằng tưởng lục và vinh danh cho Thư Huyền đại diện của Hội Nhiếp Ảnh PSCVN, Ông Bà Phạm Hoàng Bắc, Bùi Hà của Hội Hoa Lan….
Dù sáng Thứ Bảy, tháng Tư, trời Cali rắc những hạt mưa xuân, người đội mưa đến xem triển lãm vẫn đông. Ai cũng bùi ngùi nhớ lại quá khứ, những giờ phút chia ly đầy nước mắt của những ngày bỏ nước ra đi tỵ nạn ở xứ người. Những hình ảnh người Việt thành công, những tập quán, phong tục, tôn giáo, hay thói quen hàng ngày của chúng ta đều được ghi lại, thể hiện trong các hình ảnh trưng bày. Những tô phở, cuộc cờ, chùa chiền, thánh đường, phong tục Tết hay các cuộc diễn hành đầu năm của người Việt đã được hình ảnh lần lượt kể lại. Hình ảnh ngày nay phần lớn đều được lưu giữ dưới hình ảnh digital nên những khúc phim hình ảnh sống động đã lần lượt được chiếu qua các màn ảnh TV lớn trên tường.

Quan khách
Tôi dạo vòng quanh phòng và thấy được nhiều người không những đã xem hình mà còn chụp lại những hình ảnh mà mình ưa thích hay ghi dấu được những sự kiện trong quá khứ của họ. Mỗi người, mỗi một quá khứ, một mảnh đời tỵ nạn khác nhau, 50 năm là một thời gian quá lớn cho một ký ức, nói sao cho hết, ghi sao cho đầy, chụp sao cho đủ hành trình tỵ nạn của 1 cá nhân, huống hồ gì cả một tập thể người Việt tỵ nạn !!!
Nghĩ như vậy nên tôi gặp riêng Thư Huyền, cô Hội Trưởng Hội PSCVN để xin cảm nghĩ của cô về sự kiện hôm nay.

Hình ảnh trưng bày
Thư thấy trách nhiệm của cuộc triển lãm này quá lớn, vì chủ đề hôm nay về những sinh hoạt cộng đồng của người Việt sau 50 năm là một chủ đề quá lớn lao. Nó đòi hỏi nhiều công sức, nhiều đóng góp và tài liệu cũng như hình ảnh của tất cả mọi người trong cộng đồng. Trong cuộc tìm kiếm hình ảnh, hội PSCVN đã gặp vấn đề lúc kêu gọi hội viên đóng góp hình ảnh đã chụp được. Trở ngại lớn nhất là phần lớn những hình ảnh chụp được của họ đều là những bức ảnh nghệ thuật thuộc những thể loại như phong cảnh, hoa lá, thiên nhiên, chân dung hay động vật hoang dã. Rất ít người chụp những bức ảnh trong các sinh hoạt cộng đồng. Cho nên Thư đã nỗ lực cũng như gắng sức kêu gọi, năn nỉ mọi người chung tay góp sức tìm kiếm và nộp hình của 50 năm qua. Cuối cùng rồi cũng thực hiện được với sự góp sức của rất nhiều người, nhiều bàn tay và những tấm lòng, thời giờ và công sức. Khi bắt tay vào việc này Thư mới thấy được tầm quan trọng của nhiếp ảnh trong việc phục vụ cộng đồng, trong những sự kiện lịch sử. Nó không còn là một thú vui hay trò chơi nghệ thuật phục vụ cho cá nhân nữa….
Trong suốt 2 ngày triển lãm, đã có rất nhiều người ghé xem và ra về trong bồi hồi, cảm xúc.
TTT