Lắm lúc, trong cuộc sống xa quê, có những mùi vị đặc thù của tuổi thơ tự nhiên ập về, đi kèm với bóng dáng của những người thân làm ra món ấy, thí dụ như khoai lang lùi tro, bánh ít ngọt nhưn đậu, bánh ít lá dứa nhưn dừa, bánh tét nhưn ngọt, nồi thịt kho tàu, xôi vò chỉ có Ngoại; Bánh bèo, bánh bò hấp, bánh da lợn ăn với nước cốt, bánh ít trần, bánh bèo mặn ăn với nước mắm hay món giò heo giả cầy thì chỉ có Nội-Bà Bảy. Ổi xá lỵ Florida cũng không thơm ngon bằng vườn ổi Bà Cô. Còn nữa, món cháo lòng của bác Tư Nhỏ cũng làm tôi nhớ đời, tất cả những mùi vị của tuổi thơ luôn tồn đọng trong ký ức.

Bỗng dưng, tôi sực nhớ mùi ngọt lịm của khoai lang tím lùi thủa nào. Tiềm thức trỗi dậy, thôi thúc tôi xách xe chạy đi H-mart, mua khoai lang! Lựa khoai xong, thấy có một xe đẩy ghi “Roasted Sweet Potatoes” – Khoai lang nướng, khứu giác tôi làm việc tối đa:

– Ôi! Cái mùi gì hửi quen quen trong không khí vậy ta, quen lắm?

Vừa mở cửa lò ra thì đúng là khá giống mùi khoai lang lùi của tuổi thơ. Khoái chí tử, tôi chụp ngay một bịch đem về cho bé Việt Khuê ăn thử, em ấy ăn thấy ngon. Mẹ kể cho em ấy nghe đây là mùi khá quen thuộc của tuổi thơ của Mẹ, hôm nay nó chợt sống dậy!

– Mà hình như không hẳn là mùi của tuổi thơ  của Mẹ con ơi, tuy nó giống lắm, rất giống!

Mẻ khoai lang tím tôi mua hôm nay sẽ chia làm hai: Một nửa hấp và nửa còn lại sẽ nướng – trong lò chiên không dầu (air fryer) – để tìm lại mùi khoai lang lùi tro…

Cũng không phải! Không thơm bằng mùi vị của tuổi thơ tôi! Hơi thiếu cái vị khen khét. Ăn “đỡ ghiền” thì được! Phải chăng mùi thơm của rơm, được bàn tay của người nông dân Việt Nam cần cù, khắc khổ chăm chút, đã góp phần làm nên mùi vị đặc trưng của khoai lang lùi tro?

Ngoại tôi đang gói bánh tét

Rồi tôi lại kể cho các con nghe:

Xem thêm:   Anh em nhà Ruffner

– Các con biết không, hồi nhỏ, bà Cố sai Mẹ nấu cơm bằng rơm, Mẹ bỏ củ khoai vô bếp rơm lùi rồi khi khoai chín, lấy ra, lột vỏ, vừa thổi vừa ăn. Ôi ngon ơi là ngon! Lúc người ta đói ăn cái thứ gì cũng thấy ngon cả. Có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”!

Việt Khải (con trai thứ của tôi) trố mắt hỏi:

– Mẹ vừa nói gì? Rơm ngựa ăn đó hả?

– Đúng đó con. Thời những năm 80, người Việt Nam chúng ta dùng rơm đốt thành lửa để nấu cơm.

– Sao có thể được chớ? Không thể tin được. Việt Khuê bồi thêm.

– Chuyện có thật 100% đó con. Mẹ phân bua.

Đứa nào cũng xoe tròn hai con mắt! Chắc chúng cũng tin vì Mẹ ít khi đùa giỡn trong những chuyện kể về quê hương.

Ngoài khoai lang, lúc đi chợ tôi còn mua bánh bò, bánh ít, bánh da lợn, lắm lúc ổi, để các con biết các loại bánh mà Nội tôi làm bán để nuôi Ba và các cô tôi (vì ông Nội mất sớm khi cô Út được vài tháng tuổi), cũng để nhớ mùi vị quê hương. Gọi là ăn đỡ thèm thì đúng hơn nhưng không bao giờ tôi tìm lại được mùi bánh của Nội và mùi ổi thơm lừng trong ký ức từ vườn ổi Bà Cô. Ổi xá lỵ ở Mỹ lớn trái, ổi họ bán trong Costco thì thơm lắm nhưng không ngọt bằng ổi sẻ trong vườn Bà Cô. Lần nào cũng như lần nào, hễ thấy ổi là vườn ổi thơm lừng trong ký ức cứ dồn dập, đổ xô về như một thước phim quay chậm…

Bà Cô là chị em chú bác ruột của ông Nội tôi. Nhà bà ở chênh chếch nhà tôi, cách cái mương đào và một con lộ. Gần 40 năm, vườn ổi có tiếng chim kêu ríu rít thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của tôi!

Nhà Bà trồng đủ loại ổi: Ổi xá lỵ, ổi sẻ, ruột trắng có, ruột đỏ có, cơ man là ổi. Ổi sạch cả! Bà trồng cả ở sân trước và sân sau. Những cây ổi lâu năm, người leo lên được, những cây nhỏ thì phải có cây thọc hái. Cây thọc bằng trúc chẻ ở một đầu, độn hai miếng sắt tròn cho nó rộng ra thành cái rổ, cắt chỗ hở lớn bằng trái ổi rồi đưa lên cuống vặn, trái ổi xá lỵ rớt vô gọn lỏn trong đó.

Xem thêm:   Nhỏ mà có võ

Bà Cô hay nhờ Hiếu hoặc tôi hái ổi với Bà rồi cân bán cho những người tới nhà mua, hoặc đem lên xóm chợ cân cho cô Ba Mành bán. Tôi và Hiếu được bà cho tiền. Bà Cô hay xách rổ, tôi thì cầm cây để hai bà cháu hái ổi. Bà luôn mặc áo bà ba trắng phếu, với đầu tóc bạc phơ cùng một búi tóc nhỏ tí ti đằng sau, gương mặt có thật nhiều đồi mồi vì đã cao tuổi. Nhiều lúc thèm quá, tôi xin “bà Cô cho con ăn một trái nha”, có đôi lúc Bà cho ăn trước khi tôi xin. Hái xong, bỏ ổi vô rổ rồi cân bán.

Mùa ổi chín thơm lừng cũng thu hút muôn loài chim về ăn rồi kéo nhau ríu rít làm ổ. Tôi nhớ có lần thấy chúng xây ổ ở mái trên của mặt tiền nhà. Những trái ổi trên cây phía ven bờ hoặc ổi ruột đỏ chim ăn lỡ dở, rớt xuống mương, nổi lềnh bềnh. Lâu lâu có mấy con cá cửng, cá lóc trồi lên mặt nước đớp mồi nghe một cái “tốc”.

Khi Ba tôi đi tù cải tạo về, tôi bị hội chứng xa lạ với Ba (stranger anxiety) vì cả đời không gần gũi hay sao ấy. Tôi không hề tới gần và chỉ kêu “Bờ-a” thay vì kêu“Ba”. Thế là Bà Cô cho Ba những trái đu đủ, trái ổi mang về để lấy lòng con gái. Từ đó tôi mới gần gũi với Ba hơn. Con nít dễ bị dụ hay chính phụ tử tình thâm lâu ngày, khởi đầu bằng những trái ổi của Bà Cô, hay cả hai, đã kéo tôi lại gần Ba hơn?

Ngoài sau nhà Bà Cô còn có cỏ mực, tôi được kể lại là mỗi lần tôi bị cảm sốt, Bà Nội qua nhà Bà Cô hái về, đâm nát ra và pha nước cho uống vì thời đó ở Việt Nam không có đủ thuốc.

Món kế tiếp của quê hương là cháo lòng. Nói về cháo lòng ở Mỹ, ăn cũng đỡ thèm thôi nhưng không qua mùi cháo lòng của bác Tư Nhỏ ở chợ Thâm Nhiên của tuổi thơ tôi. Có lẽ mùi cháo của Bác Tư ngon đặc trưng và thơm mùi đặc biệt trong ký ức mà sau này tôi không bao giờ tìm lại được. Quầy cháo lòng bác Tư Nhỏ ở phía trên, kế Lộ Đất. Tô cháo lòng của bác Tư chỉ đơn sơ, lỏng lẻo, chỉ vài cục huyết, dồi trường, vài lát ba rọi, thêm miếng chanh xanh xanh, vài lát ớt đo đỏ, dĩa giá trăng trắng, vàng vàng nhưng đó là những tô cháo ngon nhứt đời của bọn trẻ quê tôi.

Xem thêm:   Một mảnh đời tỵ nạn

Tuổi thơ tôi rất thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình thương, tình người. Giờ đây, với cuộc sống của người xa xứ, lại thiếu một vùng trời quê hương, xa vắng cả những người thân. Xa quá! Nhớ quá! Những người xưa lần lượt đã thành người thiên cổ: Nội, Ngoại, rồi dì Hai, cậu Năm… Thương lắm!

Những câu chuyện về quê hương vẫn râm ran trong bữa cơm gia đình cho thế hệ kế tiếp; tôi sẽ truyền lại con cháu tôi, thế hệ thứ ba và sau nữa: Ngày xửa, ngày xưa… Ký ức về quê hương Việt Nam sẽ không bao giờ bị quên lãng.

Tôi cũng được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều thức ăn, đôi khi cao lương mỹ vị cũng có, nhưng sao lại không nhớ, không thèm một cách mãnh liệt như những món ăn trong tiềm thức? Phải chăng “chốn quê hương đẹp hơn cả”, như một bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của ông Trần Trọng Kim mà có lần tôi đã đọc trên channel của mình, Tiếng Việt Sử Việt?

Những mùi vị thân thương của quê hương này không biết các con tôi có ngửi và cảm nhận được như tôi? Có phải nỗi nhớ quê hương này thế hệ Ba Mẹ tôi cảm nhận được nhưng khắc khoải hơn, quay quắt hơn, da diết hơn gấp bội phần? Thế hệ của họ và cả của chúng tôi sẽ nằm lại trên quê hương thứ hai, nơi chốn tạm dung này. Hương hồn của họ và của cả thế hệ chúng tôi, khi mất, sẽ được quay về thăm lại cố hương, nơi chôn nhau cắt rún?

Mong lắm thay!

ND