Xưa người ta nói “Phận gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu.” “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.” Nay thì con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, không phải cha mẹ chồng đem trầu rượu đi hỏi cưới con dâu, mà con dâu chọn cha mẹ chồng.

Bảo Huân
Trước đây tôi học ESL cùng lớp với một bà Việt tóc bạc phơ, vẻ mặt phúc hậu, bà thường mặc áo bà ba, quần vải đen, nói giọng rặt miền Tây, Nam kỳ. Toàn bộ con người bà là hình ảnh rất tiêu biểu của phụ nữ lớn tuổi ở quê. Bà đi học “bữa đực bữa cái,” và mỗi khi thầy giáo hỏi tới thì bà ấp a ấp úng không biết trả lời như thế nào. Cuối cùng, ông thầy phát hiện bà tóc trắng không biết một chữ tiếng Anh, trong cuốn tập bà chỉ ghi cách đọc và nghĩa của từng chữ, từng câu tiếng Anh (ghi bằng tiếng Việt.) Ông thầy hỏi bà học như vầy làm sao thi quốc tịch được, bà ngồi làm thinh. Mấy bà bạn học thấy kiểu học của bà tóc trắng lạ quá, xúm lại hỏi han, thì bà tóc trắng nói bà được con gái bảo lãnh qua giữ cháu ngoại cho vợ chồng con gái đi làm, rồi nó kêu bà đi học tiếng Anh để mai mốt thi lấy quốc tịch Mỹ để xin bảo hiểm y tế và xin nhà housing. Hỏi bà đi học một tuần có một, hai ngày làm sao theo kịp cả lớp? Bà nói hôm nào con bà siêng thì chở bà tới lớp, nó không siêng thì bà phải đi bộ, mà đi bộ xa quá bà đi không nổi. Có hôm bà vô lớp học mà bị ho rất nhiều, bạn học hỏi có uống thuốc gì chưa, bà nói chưa. Hỏi tại sao không đi bác sĩ khám bệnh, bà rưng rưng nước mắt nói bà không có bảo hiểm y tế, cũng không có tiền. Có hôm bà đang ngồi trong lớp thì nhận điện thoại của con gái kêu bà về giữ cháu, bà lại tất tả chạy ra khỏi lớp, để lại sau lưng nhiều ánh mắt nhìn theo ái ngại và thương cảm. Bà tóc trắng đi học được khoảng 2 tháng thì không thấy bà tới lớp nữa. Tôi hỏi thăm một bà bạn học nhà ở gần nhà con gái bà tóc trắng thì được biết bà đã bay về Việt Nam rồi. Từ lúc bà tóc trắng vô lớp học cho tới khi bà nghỉ học, ngoài ông thầy giáo ra thì bạn học không ai biết bà tên gì.
Cũng trong lớp học này có hai vợ chồng ông trung niên qua sống ở thành phố Westminster để “giữ cháu.” Không bao lâu, ông chồng đột quỵ qua đời, bà vợ đem thi hài chồng bay về Việt Nam chôn cất và dứt khoát không chịu trở qua Mỹ dù con cái năn nỉ bao nhiêu cũng không được.
Ngoài ra, lớp tôi còn có đôi vợ chồng kia, thuộc diện “Quần lồng đèn khăn mảnh bát,” nói chuyện rặt giọng miền Tây mà là miền Tây ở “vùng sâu, vùng xa.” Ông chồng khoe mới mua được quán phở (cho tên, địa chỉ trên đường Bolsa, Westminster,) mời bạn học qua ăn phở. Vợ chồng ông này qua Mỹ để “giữ nhà cho con.” Vốn quen làm việc chân tay hơn là ăn không ngồi rồi, ông chồng tỏ vẻ rất vui khi được làm ông chủ quán phở và chạy ra chạy vô bưng phở. So với các trường hợp cha mẹ phải “bị nhốt” ở nhà giữ cháu thì vợ chồng ông chủ quán phở có phước hơn nhiều. Ít ra, vợ chồng nhà này có thể đi bộ từ quán phở tới lớp học.
Có thể nói, các trường hợp ở trên cha mẹ đã lớn tuổi, “bị” qua Mỹ theo ý muốn của con cái để tiếp tục làm “osin” cho con, không phải được con rước qua Mỹ để hưởng phước tuổi già. Các cụ xưa có câu: “Bà già bằng ba con ở.” Dù con có nhiều tiền mướn người giữ trẻ, cũng không bằng giao cháu cho ông bà giữ. Các cụ cao niên này quen sống ở làng quê, quen đi chợ chồm chổm, chợ hẻm, chợ đường, nay không thể hòa nhập với đời sống nước Mỹ. Các cụ bị nhốt trong chiếc lồng vô hình, không thể giao tiếp với người xung quanh, mất khả năng tự mình đi mua con cá, mớ rau hay ăn hàng vặt.
Một bà khác cũng trong lớp học ESL này, mau mắn hơn 3 nhân vật kia, được con rước qua ở nhà bự, mà không cần phải giữ cháu. Tuần nào bà cũng hái rau đem vô lớp học cho người này người kia. Hỏi bà ở đâu có nhiều “cây nhà lá vườn” vậy? Bà nói nhà con gái bà có vườn rộng, suốt ngày bà không làm gì hết nên trồng rau, không trồng rau thì buồn lắm.
Điểm chung của các vị cha mẹ này là không biết lái xe và không có ý học lái xe. Vì tiếng Anh kém nên cũng không biết làm cách nào đi xe bus. Nếu đi được xe bus cũng khó, không thể “tay xách nách mang” nặng nề được. Vậy là các bà ru rú trong nhà, cảm thấy buồn bã, tù túng.
Nói đi cũng phải nói lại, có những cha mẹ lại “cam tâm tình nguyện” làm osin cho con mà không có nhu cầu gì khác. Vợ chồng bạn học tôi là thương gia ở Sài Gòn (nhìn bề ngoài rất sang trọng) nghe con than thở phải ở nhà trọ cực khổ, bèn hộc tốc bay qua mua căn nhà bự chảng 5 phòng ngủ, sân vườn đầy đủ, tọa lạc tại thành phố Garden Grove (Quận Cam) cho 2 đứa con ở đi học. Mua nhà xong thì hai vợ chồng quá rảnh, chồng biết lái xe, bèn mua luôn xe hơi rồi ngày ngày chồng lái xe chở vợ đi học ESL kiểu “Cỡi ngựa xem hoa” giải trí. Ngoài giờ học, vợ ở nhà lục đục nấu nướng hết món này tới món khác ép con ăn, con thì chê không ăn, nói “Mẹ để con học, đừng quấy rầy.” Vậy là hai vợ chồng phải cố gắng ăn hết phần thức ăn đã nấu, mà ngày nào cũng vậy. Ăn không hết thì kiếm người cho nhờ ăn giúp. Ông chồng bực quá, vô lớp học “nói xấu” vợ. Tôi hỏi: “Sao anh không ngăn cản bả?” Ông chồng nói: “Tui cản không được. Tui không cho nấu thì bả lăn đùng ra giãy đành đạch. Nói ở nhà không có chuyện gì làm thì nấu ăn cho vui.” Vợ chồng nhà này bay tới bay lui từ Việt Nam qua Mỹ, Mỹ qua Việt Nam liên tục như đi chợ.
Vợ chồng một ông ở gần nhà bạn tôi lại làm osin cho con kiểu khác. Ngày trước ông là kỹ sư chuyên về máy tính, nghỉ hưu được hưởng tiền hưu trí cao. Lẽ ra ông bà phải tận dụng cơ hội đi đây đi đó du lịch, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, hưởng thụ của ngon vật lạ bốn phương, nhưng không. Cứ cuối tuần ông bà lại lui cui gom góp đồ đạc “cuốn gói” đi hơn 4 tiếng lái xe tới nhà con trai để giữ cháu nội cho con trai và con dâu đi chơi. Bạn bè muốn kiếm ông ra quán ngồi nhâm nhi ly cà phê, ăn tô phở để hàn huyên tâm sự thiệt là khó. Chỉ có ông mời bạn cà phê, ăn phở, bạn không mời ông được, vì lúc nào cũng nghe ông trả lời bận “giữ cháu.”
Tôi có quen một bà nọ, lần nào gặp tôi cũng khoe được ông chồng lái xe chở đi chỗ nọ chỗ kia. Tôi hỏi bà sao không học lái xe để tự mình lái, lệ thuộc chồng như vậy rồi ổng mắc công chuyện hoặc ổng không vui thì ổng không chở đi rồi làm sao? Bà ấy tự hào trả lời là ổng rất ghen, không cho bả học lái xe, sợ biết lái xe rồi “Đi kiếm trai.” Trời đất quỷ thần ơi, già sắp xuống lỗ hết rồi mà cứ tưởng vợ chồng son.
Nói cho văn vẻ, thì đây là những “nạn nhân tình nguyện.” Khi “nạn nhân” không muốn tự mình “tháo cũi sổ lồng” thì chẳng có ai giúp được.
Ở quê tôi người ta hay nói vui: “Giày dép còn có số huống chi là người. Cái số con rệp thì làm cách nào, đi đâu, quẫy đạp cỡ nào cũng là con rệp.”
TPT