“Nghệ thuật thì muôn trùng, mà mình thì quá bé nhỏ. Thế nên khi đã trót nhận một vai nào đó tôi chỉ biết cố gắng mang hết sức lực ra đóng, trước hết cho đạo diễn hài lòng, rồi đến người xem, chứ không phải vì lấy cái danh cho mình”
(Mai Thành)
“Điện ảnh là một nghệ thuật tương đối khó, tâm lý cứ bị ngắt quãng, lại cần phải diễn thật chứ không chú trọng vào sự biểu diễn bằng ngoại hình như sân khấu, gian khổ hơn nhiều nhưng vô cùng thú vị”
(Mai Thành)

Nghệ sĩ Mai Thành, 2015
Nghệ sĩ Mai Thành (1939 -2021) tên thật là Võ Văn Thiêm, sanh tại làng An-Ngãi-Trung, huyện Ba-Tri, tỉnh Bến-Tre. Mang giòng máu nghệ sĩ của gia đình (ông ngoại là bầu gánh hát bội Thanh Long), ông say mê nghệ thuật từ tuổi thiếu niên rồi khi trưởng thành, quyết định nộp đơn thi vào trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài-Gòn ở khóa đầu tiên. Ông chọn khoa cải lương cùng với các bạn Hương Xuân, Phương Ánh v.v. và được các nghệ sĩ tiền-phong Năm Châu, Phùng Há dẫn dắt, chỉ dạy.
Sau 3 năm miệt mài học tập, Mai Thành và Hương Xuân đạt điểm thủ khoa, được các bầu gánh hát đại ban mời mọc với những giao kèo hấp dẫn. Nghệ sĩ Hương Xuân và Mai Thành cộng tác với gánh hát Ánh Chiêu Dương của thầy Năm Châu, nghệ sĩ Phương Ánh nhận được lời mời của bà bầu Thơ về hát cho gánh Thanh Minh Thanh Nga. Riêng Mai Thành còn được nhà trường giữ lại để học thêm một năm sư phạm và phụ trách việc trợ giảng bên cạnh các bậc tiền bối như Phùng Há, Năm Châu, Duy Lân cũng như góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ đàn em như Ngọc Hoa (Thoại Miêu), Tài Lương, Đỗ Quyên v.v.
Trên sân khấu Ánh Chiêu Dương, Mai Thành từng tham gia những vở tuồng cải lương nổi tiếng như “Khi người điên biết yêu”, “Giai nhân và ác quỷ”, “Vó ngựa truy phong”, “Men rượu hương tình”, “Trần Minh khố chuối” v.v.
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ bị Việt cộng “tiếp quản” với lời hứa suông rằng sẽ cho phép nhà trường sử dụng lại các tác phẩm của soạn giả Nguyễn Thành Châu, Duy Lân cùng những tác giả khác để giảng dạy và cho học sinh tập dợt. Đến cuối năm 1975, họ thay thế bằng những tác phẩm của miền Bắc vào giờ học cũng như trong các kỳ thi cuối khóa.

Nghệ sĩ Mai Thành trong vở kịch “Lá sầu riêng”, 1975
Mai Thành bất mãn “vậy là xong rồi, cải lương sẽ không còn đất sống” và coi như kết thúc nền ca kịch cải lương “thật và đẹp” hàng chục năm của miền Nam Việt-Nam thân yêu. Ông nêu lên thắc mắc và nhận được câu trả lời “chế độ nào có nền văn hoá của xã hội đó” và họ cũng khẳng định rằng chế độ xã hội chủ nghĩa không sử dụng cũng như chấp nhận nền cải lương và âm nhạc của Sài-Gòn cũ. Họ lớn tiếng chê bai và đánh giá nền văn nghệ ở miền Nam là “tiểu tư sản” và thiếu tính hiện thực. Họ lên án nhân vật Lĩnh Nam trong tác phẩm “Sân khấu về khuya” của soạn giả Nguyễn Thành Châu là “thằng điếm đội lốt văn nghệ” và khó chịu với cảnh một chồng với hai, ba vợ trong vở tuồng “Mạnh Lệ Quân”. Có lần ông còn được nghe từ một vị có “máu mặt” của phía Việt cộng lớn tiếng miệt thị “phải dẹp bỏ ngành cải lương miền Nam bi ai, sầu thảm”.
Ông nghĩ rằng nếu còn tiếp tục giảng dạy ở trường (lúc này đã đổi tên thành trường Nghệ thuật sân khấu) là làm rẻ rúng tên tuổi mình trong mắt khán giả, là chấp nhận sự thất bại, là niềm sỉ nhục cho nền nghệ thuật cải lương miền Nam Việt-Nam. Cải lương chỉ là một hình thức giải trí nhưng ép buộc cải lương chuyên chở thêm những giáo điều, sự áp đặt và tuyên truyền thì cải lương sẽ như con thuyền quá tải giữa cơn lốc xoáy. Đời người chỉ sống có một lần, ông không muốn làm cánh tay nối dài cho chế độ và nhất là không chấp nhận sống nhục, sống hèn.
Mai Thành quyết định rời lớp, bỏ trường và chuyển qua thoại kịch để kiếm sống qua ngày. Ông cởi bỏ “chiếc áo cải lương” mà ông đã từng gắn bó, đam mê và hạnh phúc trong khoảng thời gian 15 năm có lẻ.
Do làn sóng phim Hong Kong tràn vào thị trường Việt-Nam vào cuối thập niên 80, sân khấu cải lương xuống dốc trầm trọng. Giới chức ngành văn hoá, văn nghệ mới cho phép “cởi trói” và sử dụng trở lại tuồng tích của các soạn giả ngày trước như Kiên Giang, Quy Sắc, Yên Lang, Hà Triều Hoa Phượng v.v. nhưng cũng không thể nào vực dậy khi cải lương đã thoái trào và bị khán giả quay lưng.
Mai Thành là một nghệ sĩ có tài và đầy nhiệt huyết. Với giọng ca chân phương, giọng thoại sang sảng nhưng mộc mạc, chân thành và lối diễn xuất đa dạng, ông có thể đảm trách vai chánh, vai phụ, từ kép đẹp cho đến kép lão, kép độc trên sân khấu. Ít ai biết được, ông từng là một trong những nhân vật cốt lõi lèo lái chương trình văn nghệ phát triển nông thôn của Bộ Dân Vận Việt-Nam Cộng Hòa cũng như của Trung Tâm Văn Hóa Việt-Mỹ ở Sài-Gòn trước năm 1975.

Nghệ sĩ Phương Ánh trước giờ thâu hình cho đài truyền hình số 9 (THVN9)
Để có thể tồn tại cũng như nuôi sống gia đình, sau lần “lấn sân” sang thoại kịch, Mai Thành quay lại với cải lương một thời gian ngắn ngủi rồi “rong chơi” bên điện ảnh cho đến cuối cuộc đời nghệ thuật.
Ở địa hạt điện ảnh, Mai Thành dễ dàng nhập vai những “ông già râu tóc bạc phơ” với gương mặt thanh tú, nụ cười hiền lành, phúc hậu và lối diễn xuất chững chạc, mẫu mực. Ông góp mặt trong hơn trăm cuốn phim lớn nhỏ, đóng quảng cáo và có chỗ đứng nhất định trong giới “lồng tiếng” phim ảnh (synchronise).
Với tánh tình khẳng khái, ông chưa bao giờ là thành viên của các hội văn nghệ sĩ, hội điện ảnh hay sân khấu. Dù trước hay sau, ông vẫn là nghệ sĩ Mai Thành và thẳng thắn từ chối lời đề nghị làm đơn xin được tặng thưởng danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú” hay “nghệ sĩ nhân dân”.
Có lần trên đường từ Bạc-Liêu về lại Sài-Gòn, ông ghé lại mua bánh pía ở một cửa tiệm bên đường. Người bán hàng nhìn ông thật lâu rồi thốt lên: “Ủa, ông già … mì Hảo Hảo”. Ông mỉm cười hiền lành và người bán hàng ân cần xin ông nhận hộp bánh làm chút quà kỷ niệm sơ giao.
Tuổi già, sức yếu, ông ra đi lặng lẽ trong mùa đại dịch vì một chứng bệnh nan y. Dù không là “nghệ sĩ ưu tú” hay “nghệ sĩ nhân dân” nhưng Mai Thành xứng đáng là một nghệ sĩ chân chính và những vai diễn của ông đã lưu lại nhiều cảm mến trong lòng công chúng yêu chuộng nghệ thuật “thật và đẹp”.
TV