1

Nhạc sĩ Hoàng Trọng

Nhạc sĩ Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng (1922-1998) sinh ở Hải-Dương và trưởng thành tại Nam-Định. Sẵn có năng khiếu âm nhạc và được đào tạo “bài bản” tại trường dòng Saint Thomas Nam-Định cũng như học nghiên cứu hàm thụ âm nhạc tại một trường âm nhạc ở Paris, ông đã trải qua những hoạt động âm nhạc sôi nổi ở Hà-Nội trước khi cùng gia đình di cư vào miền Nam năm 1954.

Nơi miền đất mới, ông mở lớp dạy nhạc và phụ trách một số ban nhạc trên đài phát thanh Sài-Gòn cũng như thành lập ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng quy tụ những ca sĩ tài danh thời đó như Thanh Sơn, Trần Ngọc, Lệ Thanh, Mai Hương, Anh Ngọc, Nhật Trường  v.v. cũng như ban tam ca Kim Mộc Châu với 3 ca sĩ Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước.

Sau nhạc phẩm đầu tay “Đêm trăng” ông sáng tác một loạt ca khúc như “Tiếng đàn tôi”, “Phút chia ly”, Tiễn bước sang ngang”, “Mộng lành”, “Ngỡ ngàng”, “Hai phương trời cách biệt”, “Dừng bước giang hồ” v.v. và được mệnh danh là “ông hoàng Tango” của nền tân nhạc Việt-Nam vì hầu hết các nhạc khúc đều được viết theo điệu Tango bềnh bồng, lãng mạn. Với sự nghiệp sáng tác trên dưới 200 tác phẩm, trong đó có 40 ca khúc do ông tự đặt lời, còn lại là hợp soạn với các nhạc sĩ hay thi sĩ như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Vĩnh Phúc v.v.

Một số nhạc phim (soundtrack) do nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác đặc biệt dành cho những cuốn phim được trình chiếu ở miền Nam tự do cũng được ghi nhận như “Xin nhận nơi này làm quê hương”, “Giã từ bóng tối”, “Người tình không chân dung”, “Sau giờ giới nghiêm”, “Bão tình”. Với âm nhạc viết cho cuốn phim “Triệu phú bất đắc dĩ”, ông được giải thưởng Văn học nghệ thuật 1972-1973 của tổng thống Việt-Nam Cộng Hòa.

Xem thêm:   Cây thuốc lá

Sau năm 1975, ông chỉ viết một số bài hát Thánh ca và một vài bài tình ca, trong đó bài “Chiều rơi đó em” (1979) được giới thưởng ngoạn nhắc nhở nhiều. Sau khi được bảo lãnh sang Hoa-Kỳ năm 1992, ông sáng tác thêm 3 nhạc phẩm nữa và qua đời vào năm 1998.

Nhạc phẩm “Nhạc sầu tương tư” được giới yêu nhạc mến chuộng qua âm điệu mượt mà và trân trọng hơn với lời ca thật nhiều cảm xúc của nhạc sĩ Hoàng Dương (*). “Nhạc sầu tương tư” ra đời vào năm 1953 ở Hà-Nội và là một trong những tình khúc đẹp đẽ nhất nhưng cũng buồn bã nhất trong mấy mươi năm âm nhạc Việt-Nam.

Hình bìa tờ nhạc “Nhạc sầu tương tư” của nhà xuất bản An Phú 

2

Nhạc sầu tương tư

Chiều rơi hờ hững trên con phố nhỏ. Ánh sáng vàng vọt từ mấy ngọn đèn đường cũng không đủ thắp sáng những lối mòn quen thuộc. Một ngày nữa sắp đi qua cũng như phút giây có nhau hôm nào đã trôi xa vào cõi nhớ. Hợp rồi tan để kẻ ra đi nơi đầu ghềnh, cuối bãi và người ở lại vương mang nỗi buồn duyên kiếp ..

“Chiều rơi cho lòng lạc loài chơi vơi

Ngày rơi ai buồn giây phút qua rồi

Thời gian luống phụ cho ai mãi đâu

Luống hận cho ai mãi đâu

Muôn kiếp u sầu”

Tim lòng đang thổn thức thức khi biết cuộc tình ngày đó đã trôi vào dĩ vãng. Mắt lệ cũng nhạt nhòa khi vòng tay ân ái đã buông lơi. Ngoài trời đang giông bão hay trong lòng đang dâng sóng. Gió ơi xin ngừng thổi, hỡi mây ơi xin đừng bay và hãy an ủi giùm cho một mảnh hồn đang tan nát …

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/17/2025)

“Chiều ơi trôi về miền nào xa xôi

Tìm ai tiếng lòng thổn thức vắn dài

Tình ơi mắt lệ chan chứa khắp nơi

Gió đừng khóc nữa gió ơi

Tan nát tơi bời”

Nhạc sĩ Hoàng Trọng, 1973

Người đi phương đó biết có vấn vương về chốn cũ. Mảnh trăng đơn côi và một tâm hồn bơ vơ, lạc lối cứ tiếc nuối hoài một thuở yêu thương. Tình yêu đã chấp cánh bay đi và dư âm chỉ là những giọt sầu mặn đắng khóc cho hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay ..

“Mây trôi bơ vơ mang theo niềm nhớ

Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây

Môi em thơ ngây, mái tóc vương dài

Ðôi mắt u buồn lệ thắm đêm nào, ướt hoen khăn hồng”

Nhạc sĩ Hoàng Dương thời trai trẻ

Vì ai nên nỗi để bây giờ tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Hạnh phúc hôm nào vội vỡ tan như bọt biển giữa muôn trùng con sóng cả. Thời gian có là liều thuốc tiên xóa nhòa vết thương ngày cũ sao những u hoài cứ ray rứt buồng tim. Ngày lên, đêm xuống và hạt nắng mong manh cũng tan theo buổi hoàng hôn tím thẫm. Hạnh phúc bất hạnh sẽ theo gió, theo mưa và chìm sâu trong cõi xa mờ, vô vọng ..

“Vì đâu cho lòng tràn đầy thương đau

Vì đâu cho đời ta xa cách nhau

Ngày trôi xóa tình duyên cũ nghĩa xưa

Ðắm chìm theo lớp gió mưa

Trong cõi xa mờ”

“Nhạc sầu tương tư” dặt dìu trên phím nhạc, bơ vơ trong lời ca như gom hết lại những nỗi buồn nhân thế. Tình yêu khiến cho người ta hạnh phúc khi duyên thắm, tình nồng cũng như khổ đau nếu trái duyên, lỡ nợ. Dù biết vui, biết khổ nhưng người ta vẫn tìm đến nhau, yêu nhau theo lời dẫn dắt của trái tim và không cần biết sẽ ra sao ngày sau. Nhạc phẩm này đã nhiều lần được trình diễn trong những chương trình ca nhạc trên sân khấu đại nhạc hội, ở đài truyền hình hay trên làn sóng điện và được thu thanh vào dĩa hát với rất nhiều tiếng hát thời danh. Riêng những cảm xúc đẹp đẽ nhất từ tiếng hát Hà Thanh, con chim họa mi xứ Huế, đã để lại cho người viết nhiều trăn trở, biết nâng niu cái hiện tại và nhìn thấy được những lỗi lầm cũng như tiếc nuối một thời đã rất xa.

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

TV (23.05.2025)

(*) Với nhạc phẩm “Hướng về Hà-Nội” nhạc sĩ Hoàng Dương (1933-2017) đã làm xuyến xao bao trái tim lìa xa đất Bắc và di cư vào Nam theo hiệp định Genève vào năm 1954. Ông sáng tác không nhiều nhưng chú tâm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực âm nhạc.