Bốp! Tá hoả tam tinh! Nổ đom đóm mắt! Người Bắc gọi là nổi đoá! Trời đất tự nhiên tối đui và quay mòng mòng chung quanh tôi! Ui da! Cái gì vậy Trời? Trời sập trên đầu tôi sao kìa?

Khi hoàn hồn lại, tôi mới biết là Trời không có sập!  Số là chồng tôi đang tập võ Sa Long Cương, cụ thể hơn là múa côn, với cây côn dài cỡ 2 mét, mà ngặt nỗi lại đem vô nhà múa, nên tôi đi ngang bị ảnh vô tình quất trúng vô đầu một cái “bốp”!  Tức thiệt chớ!  Tức điên tiết trong người nhưng cũng chẳng gây chuyện làm gì!  Nếu là người khác, khi bị đánh đau, dù có vô tình, họ sẽ nổi cộc và cũng sẽ không bỏ qua dễ dàng đâu! Tôi luôn nhịn! Nhịn bằng cách nín thinh! Nín thinh để viết nên chuyện này hầu quý độc giả…

Người ta nói trong cái rủi luôn luôn có cái may. Trong cơn tức, tôi nhớ lại chuyện thằng Cà Kheo…

Gần 40 năm trước, tại Việt Nam…

Thằng người gỗ Áo đang cung tay, cung chưn (Wooden pull string puppet – Austria)  

Bà Cô là chị em chú bác ruột của ông Nội tôi. Nhà Bà ở chênh chếch nhà tôi, cách một con mương và một con lộ làm bằng đất đỏ. Tôi thường hay lân la qua nhà bà Cô chơi, câu cá (mời đọc bài Sát Cá ở số báo 1438), phụ bà hái và bán ổi, được Bà cho tiền, đãi cơm trưa, được bác Ba Vịnh dạy thắt cravat và kể chuyện đời xưa, được dượng Ba Nết dạy đánh cờ tướng. Tôi cũng thường coi những pha đấu cờ tướng bất phân thắng bại giữa dượng Ba và bác Ba Đề.

Xem thêm:   Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn

Dượng Ba Nết rất khéo tay.  Dượng có làm một thằng cà kheo múa côn bằng kẹt bần treo trên cửa sổ trước nhà.  Kẹt bần là thứ chất liệu mà người ta dùng để làm nút chai rượu (corkscrew). Cây bần mọc ở ven sông nước lợ.  Trái của nó tròn, có cuống, nhiều hột và ăn chan chát.  Hồi đó tôi hay hái chấm mắm nêm hay muối ớt.  Trái bần chấm mắm nêm có thể làm mồi rất bắt cho những tay nhậu say bí tỉ ở quê tôi, Long An. Rễ bần mọc lĩa chĩa quanh thân cây, rất nhẹ và trồi  trên mặt đất nên khi phơi khô có thể bay trước gió.   Khi nước ròng (thuỷ triều xuống), những rễ cây này lởm chởm lồi lên trên mặt đất sình của bờ sông.

Dượng Ba lấy vài rễ bần, phần đầu lớn bằng ngón chưn cái để làm đầu và mình. Phần dưới chút nữa thì làm tay chưn. Tất cả bộ phận cơ thể của nó được xâu vào nhau bằng sợi chỉ mỏng manh (thứ chỉ may quần áo). Hai tay nó có cầm một cây côn, với một tấm giấy hình chữ nhựt lớn, bọc gió ở giữa để lợi dụng sức gió làm lực kéo cả cơ thể nó chuyển động.

Việt Khôi (bên phải) và ba (ngoài sau) đang đi bài quyền Sa Long Cương

Thằng Cà Kheo múa côn rất hăng say mỗi khi có gió mạnh. Nó giương Đông, kích Tây, nó nhún, nó nhảy, nó cung tay cung chưn, nó đấm, nó đá, ôi thôi đủ trò! Nó rất linh hoạt và nhanh thoăn thoắt, còn hơn cả Tề Thiên Đại Thánh đánh yêu quái hay đại náo Thiên Đình!  Nhìn rất mãn nhãn! Tôi khoái chí lắm, bèn bắt chước Dượng về đẽo kẹt bần, sao y bổn chánh của dượng Ba, mằn mò làm một thằng sanh đôi, nói theo kiểu thời nay là “clone” ấy, rồi cũng treo trước hàng ba nhà. Trên mặt của nó, tôi cũng khắc mắt, mũi, chưn mày và miệng y chang như của Dượng Ba bằng dao mũi nhọn thật bén.

Xem thêm:   Ăn trộm tàu ngầm

Hè năm 2024, gần 40 năm sau, khi đang dẫn con trai Việt Khôi đi lưu diễn violon tận trời Tây, lúc dừng chân ở Áo, quê hương của Mozart, thấy họ bán đồ thủ công có những thằng người giống thằng Cà Kheo.  Khi rời tiệm bán đồ lưu niệm, leo lên xe buýt mà lòng tôi băn khoăn chi lạ! Một hồi lâu mới biết ký ức của tuổi thơ và thằng Cà Kheo bất chợt ùa về, bủa vây kín trong tôi…

Thằng Cà Kheo màu xám, màu của kẹt bần.  Thằng người Áo này màu mè hơn, sang trọng hơn, ăn mặc lịch sự hơn, nhưng thằng Cà Kheo trong ký ức của tôi mang tánh hoài cổ và không gì có thể sánh bằng. Tuy nó có xấu xí hơn, quê mùa hơn, cục mịch hơn, chơn chất hơn, dân dã hơn, đơn sơ hơn, nghèo nàn hơn (nghèo rớt mồng tơi vì không một mảnh vải che thân) nhưng lại múa hăng say hơn, nhiệt tình hơn, múa hết mình mà cũng chủ động hơn. Anh người Áo cần những không phải một mà hai bàn tay người kéo ở hai đầu thì ảnh mới chịu nhúc nhích. Và chỉ khi có lực kéo ảnh mới múa được, bằng không thì ảnh đứng xụi lơ, rất thụ động.

Anh chàng người Áo làm bằng gỗ có dây kéo, đang đứng yên.

Gần 40 năm sau, đang ở trời Tây, tại xứ sở của Mozart, tôi lại nhớ tới cái gốc của mình qua những kỷ niệm nho nhỏ mà tôi hằng ôm ấp và mang theo trong mình gần nửa thế kỷ nay. Có người quên được gốc gác chớ tôi thì không hề, và sẽ không bao giờ! Phải chăng người càng giữ gốc tốt, rễ bám càng sâu thì càng tốt cho thế hệ sau? Hy vọng là thế!

Xem thêm:   Trang thư tín ngày 10 tháng 4 năm 2025

Cà Kheo là nhứt hạng trong ký ức của tôi! Nhớ dượng Ba (đã mất mấy năm trước). Nhớ lắm tuổi thơ tôi!

(Cà Kheo cũng là cái tên tôi mạo muội đặt.  Không biết hồi đó nó có tên không và nếu có, dượng Ba kêu nó là gì nhỉ?)

ND

Khởi viết tại Áo Quốc, hè năm 2024; hoàn tất tại Hoa Kỳ, 2025