1. Ca sĩ Trung Chỉnh

Ca sĩ Trung Chỉnh tên thật là Huỳnh Văn Chỉnh (1943-2025), sanh quán ở Mỹ-Tho. Sau khi lấy được bằng Tú Tài, ông thi đậu vào trường Quân Y vào năm 1964. Với lòng yêu thích âm nhạc từ tuổi thiếu niên, cậu sinh viên y khoa trẻ tuổi khởi sự sinh hoạt văn nghệ sôi nổi ở đất Sài-Gòn và được nhạc sĩ Tấn An đặt nghệ danh là Trung Chỉnh. Được sự “lancé” của hãng dĩa Việt-Nam, Trung Chỉnh được công chúng biết đến qua nhạc phẩm “7000 đêm góp lại’ của Trầm Tử Thiêng (song ca với ca sĩ Phương Dung) và “Rồi 20 năm sau” (hát với ca sĩ Hà Thanh). Cuối năm 1966, tên tuổi Trung Chỉnh vụt sáng khi song ca với ca sĩ Hoàng Oanh qua nhạc phẩm “Anh tiền tuyến, em hậu phương” của nhạc sĩ Minh Kỳ ở hãng dĩa Sóng Nhạc. Cũng trong năm này, đài truyền hình “số 9” ra đời và Trung Chỉnh được mời tham gia cùng các đồng nghiệp như Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Thúy, Hà Thanh, Hoàng Oanh, Quỳnh Giao,v.v.

Cuối năm 1971, ca sĩ kiêm bác sĩ Trung Chỉnh tốt nghiệp trường Quân Y khóa 18 và gia nhập sư đoàn Thủy quân lục chiến giữa lúc chiến cuộc đang diễn ra ở giai đoạn khốc liệt. “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, đơn vị của ông được điều ra Quảng-Trị và chiến đấu ở đó đến năm 1975. Giống như số phận của các đồng đội, ông phải trải qua trại tù “cải tạo” của Việt cộng sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Khi được tại ngoại, ông làm việc tại bệnh viện Phước-Kiến cho đến năm 1979 cùng vợ con xuống tàu đi vượt biển.

Xem thêm:   Doanh nhân

Sau chuyến hải hành đầy gian nan và trải qua một thời gian ngắn ở trại tị nạn Galang, ông cùng gia đình (gồm vợ và 4 người con) được định cư ở Hoa-Kỳ. Với ý chí học hỏi và cầu tiến, ông đi học trở lại và lấy được bằng bác sĩ Y khoa tại Oklahoma rồi hành nghề từ 1986 cho đến khi hưu trí vào năm 2004. Năm 2004, ông dời về miền Nam California nắng ấm và mở phòng mạch riêng vào năm 2006.

Orange County là “cái nôi” văn nghệ của người Việt tỵ nạn nên một lần nữa, ông lại gắn bó với duyên nghiệp cầm ca bên cạnh nghề nghiệp chính là bác sĩ khám bệnh nơi phòng mạch. Cùng với ca sĩ Hoàng Oanh, ông đã góp mặt trong nhiều chương trình ca nhạc gây quỹ cứu trợ thương phế binh hay trong chương trình thu hình của các trung tâm băng nhạc với những nhạc phẩm ca ngợi người lính chiến oai hùng hay tình yêu đôi lứa trong thời binh lửa trên một quê hương đã mịt mờ xa.

Ca sĩ Trung Chỉnh là một trong những người đề xuất thành lập một nơi an nghỉ vĩnh viễn cho các cựu chiến binh Việt-Nam Cộng Hòa tại hải ngoại, lấy tên là “Nghĩa trang Biên-Hòa hải ngoại” tại miền Nam California với tôn chỉ “Sống đã bên nhau, chết cũng vẫn bên nhau”.

Ca sĩ Trung Chỉnh, bác sĩ Huỳnh Văn Chỉnh là tấm gương của một bác sĩ quân y tận tụy trong thời chinh chiến cũng như tinh thần cầu tiến, lập nghiệp và thành công trên đất mới từ đôi bàn tay trắng. Ở lãnh vực văn nghệ, ông nhận được sự nể trọng của đồng nghiệp cũng như cảm tình của khán thính giả bốn phương. Những ngày cuối đời, ông ra đi vì căn bệnh quái ác và để lại nhiều nuối tiếc cho gia đình, người thân, đồng nghiệp cũng như bao người mến mộ tài năng và tiếng hát.

Ca sĩ Trung Chỉnh thời trai trẻ

  1. Nhạc phẩm “Nàng” của ca sĩ Trung Chỉnh
Xem thêm:   Nghệ sĩ Mai Thành

Nhạc phẩm “Nàng” của ca sĩ Trung Chỉnh được tác giả thâu thanh vào dĩa hát Việt-Nam năm 1969 với phần phụ họa của hai ca sĩ Mai Hương, Quỳnh Giao và phần hòa âm của ban nhạc Y Vân. Năm 2016, ca sĩ Trung Chỉnh đã trình bày nhạc phẩm này trong đêm nhạc kỷ niệm “50 năm âm nhạc Trung Chỉnh”.

“Nàng” của Trung Chỉnh ca ngợi tình yêu thủy chung của người nơi chốn hậu phương dành cho người nơi giới tuyến cũng như lời hứa hẹn tao phùng khi chiến chinh chấm dứt và đất trời ngập một màu hoa thắm. Mối tình “anh tiền tuyến, em hậu phương” được viết lên khung nhạc với lời ca bùi ngùi, thương cảm nhưng lạc quan, tin tưởng vào một ngày đoàn viên và cùng nhau chung khúc hát ân tình.

Dưới đây là lời ca của nhạc phẩm “Nàng” do Trung Chỉnh sáng tác vào năm 1969 ..

Trung Chỉnh và Hoàng Oanh, 2006 (Ảnh của Asia Entertainment)

TV – 17.02.2025

Lời 1:

Nàng yêu hoa trung trinh vờn theo nắng

Bước tiên nga lung linh đóa sen vàng

Và đôi môi say sưa mùi hương thắm

Khiến anh hùng bồi hồi nương cung gấm

Nàng yêu anh hiên ngang màu áo chiến

Thức bao đêm thư xanh viết đôi hàng

Rồi tương tư mộng lòng chìm xao xuyến

Nhớ thương người, nàng mơ tính thời gian

 

Điệp khúc:

Nàng hay mơ hay buồn vì vắng anh

Nghe bơ vơ khi trăng chiếu qua mành

Có những chiều ngồi kề bên song vắng

Tiếng tiêu ai ru não lòng xuân xanh

 

Nàng không yêu ai bằng yêu chiến binh

Nên xa anh em khép kín tâm tình

Hứa khi nào ngày về đây ông lính

Bước vu quy có em về với mình

 

Xem thêm:   Bang bang

Lời 2:

Từ xa xôi biên cương mờ khói súng

Bước chinh nhân xông pha giết quân thù

Từng đêm qua chập chờn hồn mơ bóng

Thoáng nghe lòng bùi ngùi thương nhớ lắm

Nàng yêu ơi, anh yêu nàng say đắm

Phúc ơn trên xui khiến cho duyên nồng

Rồi mai kia ngập trời đầy hoa thắm

Khúc ân tình mình chung hát từ đây