Cô bạn đồng nghiệp người Philippines năm nào bất ngờ gửi cho tôi link YouTube của bài hát Giáng Sinh Last Christmas do ban nhạc Wham từ nước Anh thể hiện. Vào một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo ở miền Tây nước Mỹ, tin nhắn cùng bài hát của người bạn cũ nhắc tôi nhớ về những ngày mùa đông nơi quê nhà dù lời bài hát chỉ phù hợp với các đôi lứa đang yêu hơn là những người bạn đơn thuần như tôi với bạn.

Nói “mùa đông nơi quê nhà” nghe cho… sang vậy thôi chứ Sài Gòn nơi tôi sinh ra và lớn lên đúng như câu hát “quê em hai mùa mưa nắng”, làm gì có mùa đông? Mùa đông giữa phố xá Sài Gòn có chăng chỉ là những buổi sớm cuối năm se se lạnh hay những buổi tối có những cơn gió lạnh lùa ngang mái tóc chỉ vừa đủ làm ai đó rùng mình thích thú trong chiếc áo khoác để làm duyên hơn là giữ ấm. Cảm giác hưng phấn, dễ chịu khi những cơn gió lành lạnh cuối năm tràn về dễ khiến những tâm hồn tinh tế, nhạy cảm ngẫm ngợi: để có được không khí mát lạnh này đồng nghĩa với một nơi nào đó ở phía Bắc hay khu vực miền Trung của đất nước đang gánh chịu bão lụt vì mùa cuối năm cũng là mùa bão lũ càn quét qua.

Tôi thích nghe nhạc, và thường chọn chủ đề của những bài nhạc theo mùa. Cảm xúc của tôi cũng dễ bị tác động bởi các bài hát, từ vui, buồn, hoài niệm, phấn khích. Tôi nghe nhạc ở khắp mọi nơi: trong phòng làm việc ở công ty, trên xe hay máy bay, lúc nấu ăn hay lau nhà, trước và sau khi ngủ dậy. Trên ứng dụng nghe nhạc cài trên điện thoại, tôi tải về những bài nhạc của các ca sĩ ưa thích và lưu vào những thư mục riêng hoặc playlist khác nhau theo chủ đề như “nhạc xuân”, “nhạc Giáng Sinh”, “nhạc trữ tình”, “nhạc ngoại quốc”…

Tôi cũng không đặc biệt thích một thể loại nhạc hay ca sĩ nào. Có những ca khúc tôi thấy hay, không chỉ vì giai điệu của bài hát ấy dễ nghe, dễ nhớ hay lời nhạc lãng mạn, ý nghĩa mà vì nó gắn liền với một ai đó, một kỷ niệm nào đó trong quá khứ, có thể vui hoặc buồn, có thể khiến tôi muốn nhớ mãi hoặc cũng có khi muốn quên quách cho xong mà chẳng quên được.

Tôi vẫn thầm cảm ơn những người đã sáng tạo ra chiếc điện thoại di động kèm chức năng nghe nhạc nên đi đâu, làm gì, bận rộn hay rảnh rỗi, đang bên cạnh ai đó hay lẻ loi một mình, đang buồn hay vui tôi cũng có chiếc điện thoại làm bạn để… nghe nhạc. Thế nên ngoài chiếc điện thoại, cặp tai nghe luôn là vật không thể thiếu trong giỏ xách của tôi để không làm phiền người khác khi tôi nghe nhạc.

Xem thêm:   Thằng cà kheo múa côn

Nói nghe nhạc theo mùa nhưng thực ra chỉ có những bài hát liên quan đến mùa đông mới làm tôi bồi hồi xúc cảm. Phần có lẽ vì tiết trời “mùa đông” ở Sài Gòn đẹp và “gợi cảm” quá nên những tâm hồn hay đu đưa nơi ngọn cây như tôi dễ … rung rinh, xao động. Cũng phải thôi, nhạc xuân thì rộn ràng tươi vui theo kiểu hội hè đình đám, chẳng có chiều sâu. Mùa hè thì nóng toát mồ hôi hột làm gì còn cảm xúc mà mơ mộng, lãng mạn? Mùa thu thì đẹp đấy, nhưng là cái đẹp của sự bình yên, tĩnh tại nên chẳng gợi chút bâng khuâng, da diết nào. Còn những bài hát về mùa đông thì luôn gợi cho những tâm hồn đa sầu đa cảm cơ man nào là cảm xúc: từ cô đơn, ly biệt đến nhớ nhung day dứt…

Bảo Huân microsoft ai

Chẳng biết do đang ở một nơi không có mùa đông hay bởi bị “lậm” những bài hát diễm tình về mùa đông (như cách dùng từ đầy mỉa mai, trêu chọc của cô bạn thân) mà tôi vẫn hay mơ về những khung trời mùa đông đúng nghĩa như lời của các bài hát “ngoài kia tuyết rơi đầy…”, hay “dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng…” hoặc “từng bông tuyết nhẹ rơi, một chiều đông giá trắng trong lòng tôi…” Và để kéo dài mùa đông (trong tưởng tượng) của mình, tôi và Solly – cô bạn đồng nghiệp người Philippines có nhiều sở thích tương đồng nọ thường bắt đầu “mùa đông” từ rất sớm bằng cách trang trí cho căn phòng làm việc của mình và mở những bài hát giáng sinh trong lúc làm việc. Có năm nọ, chả hiểu cao hứng thế nào mà từ cuối tháng Chín dương lịch, bọn tôi đã lấy cây thông Noel phủ đầy dây kim tuyến và mấy trái châu bằng nhựa đủ màu sắc ra chưng. Có lẽ mấy cái dây đèn nhấp nháy là thứ dễ đập vào mắt các ông đi qua bà đi lại khiến có ông sếp lớn người Mỹ nọ đi ngang nhìn thấy đã quay ngược lại thò đầu vào phòng nói vui: “This way we can extend the Christmas!” (tạm dịch: chỉ có chưng cây Noel sớm thế này chúng ta mới kéo dài được mùa Giáng Sinh!) Tưởng ông ghé vào mắng cho cái tội không tập trung làm việc mà bày đặt bày vẽ, hoá ra ông cũng thích mùa Giáng Sinh và cũng ủng hộ việc trang trí từ sớm như bọn tôi. Hú hồn!

Tôi và cô bạn ấy làm việc cùng nhau được hơn chục năm. Hơn cả tình đồng nghiệp, chúng tôi thân nhau như chị em gái. Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng Chín, tháng Mười trở đi là cô mở trên điện thoại hoặc trên máy tính bài Last Christmas cùng nhiều bài nhạc Giáng Sinh khác. Các bữa tiệc tại văn phòng vào những dịp Halloween, Noel, giao thừa Tết Tây cô đều mở bài này vì biết tôi thích. Cho đến khi cuộc đời đẩy xô chúng tôi sang những ngã rẽ khác nhau, dù không còn làm việc cùng nhau nữa nhưng mỗi năm tôi vẫn đều đặn nhận được từ cô bài hát ấy qua đường link YouTube hay các ứng dụng nghe nhạc vào những tháng cuối năm khi Giáng Sinh đã gần kề. Còn tôi, đã được thể nghiệm mùa đông trên những đỉnh núi cao phủ đầy tuyết như trong những chiếc thiệp giáng sinh mà tôi vẫn mơ được một lần đặt chân đến vào những ngày thơ ấu, đã “thưởng thức” cái lạnh buốt xương lên đến âm độ vào những ngày cao điểm ở xứ người khiến tôi vừa co ro trong mấy lớp áo khoác dày, răng đánh lập cập, nước mũi chảy ròng ròng, vừa nguyền rủa cái lạnh chết tiệt, tôi đã thôi mơ mộng những giấc mơ mùa đông khi nhận ra “đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ”.

Xem thêm:   50 năm tiếng Việt trên đất mới

Những năm trước khi còn ở Việt Nam, cứ tầm này mà bắt đầu nghe câu hát “Dương trần đã vang lên bài thánh ca” từ nhà hàng xóm vọng lại hay từ bất kỳ một quán cafe nào đó vô tình ngang qua là thể nào hôm đó về nhà tôi cũng bật nhạc Giáng sinh hưởng ứng ngay lập tức. “Gout” của tôi là mấy bài não tình kiểu như Sương lạnh chiều đông, Nỗi nhớ mùa đông hay những bài nhạc liên quan đến công giáo và những mối tình không có đoạn kết như Bài thánh ca buồn, Lời con xin Chúa, Lá thư trần thế… Có người bảo tôi lãng mạn, sống nội tâm. Người khác lại bảo tôi bi lụy, sến sẩm. Nhưng phải thừa nhận rằng những bài hát hay, được nhiều người ưa thích thường là những bản nhạc buồn, chia ly, ray rứt. Còn những bản nhạc rộn ràng nghe vui tai nhưng nghe đó rồi quên ngay đó, chẳng để lại ấn tượng gì.

Không thể chối cãi được một điều là những bài hát mùa đông tôi yêu thích đều bắt nguồn từ mối tình đầu của tôi với một người có đạo (tôi khi ấy là người ngoại đạo). Người ấy cũng mê nhạc và có giọng hát ngọt ngào, trầm ấm như thôi miên người nghe. Tôi từng đọc nhiều lời khuyên, một trong những cách tốt nhất để quên đi tình yêu cũ là đừng nghe lại những bản nhạc gợi nhớ “những ngày xưa thân ái” bởi nó dễ khơi gợi lại những dấu yêu ngày cũ. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Cuộc sống như những cơn sóng tiếp nối gối chồng lên nhau, lớp sóng sau đè lên lớp sóng trước, cũng như những lớp bụi thời gian rồi sẽ phủ mờ những ký ức dẫu ta có cố tình muốn nhớ hay muốn vùi chôn đi. Nếu không có những giai điệu gợi lại “một thời để yêu, một thời để nhớ”, ai sẽ nhắc ta nhớ về những thời khắc thanh xuân đẹp đẽ không dễ quên trong cuộc đời, về những bóng hình đã từng đến và đi, để lại cho ta ít nhiều kỷ niệm dẫu vui hay buồn?

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/20/2025)

Kể từ sau lần bất ngờ hội ngộ cùng người ấy tại nhà một người bạn, nhận ra cả hai đều đang sống hạnh phúc bên cạnh chồng/vợ của mình, tôi quyết tâm xoá hết hình ảnh của “người tình mùa đông” năm nào để toàn tâm toàn ý vun vén cho hạnh phúc hiện tại. Những tình khúc bất hủ vẫn làm nhiệm vụ dỗ dành tôi vào những đêm loay hoay khó ngủ, như người bạn tri âm tri kỷ đưa tôi vào những giấc mơ êm ái nhưng không có thật, để tôi tạm quên đi những căng thẳng, muộn phiền, những điều bất như ý trong cuộc sống.

Mùa đông là mùa của hoài niệm, nhung nhớ nhưng cũng là mùa lễ hội, mùa yêu thương, mùa vui, nên nghe những bài nhạc hân hoan, vui nhộn để mở ra niềm hy vọng tươi sáng cho năm mới, mới phải. Cái không khí se lạnh của “một ngày trời không biếc xanh” còn nhắc khéo người ta về một năm nhọc nhằn sắp sửa trôi qua, một cái Tết nữa đang sầm sập kéo đến, và trong chuỗi hành trình trên cõi nhân sinh của mỗi người, một chặng mới lại sắp mở ra. Vậy mà từ bấy lâu nay, tôi cứ tua đi tua lại những lời ca đầy não nùng, bi thảm: “Nay mùa Giáng Sinh đã về Chúa ơi, lòng con như thấy thiếu đi niềm vui…”

Năm nay, nhất định tôi sẽ thay đổi không khí Giáng Sinh ở nhà mình, cũng là để mong cầu một năm mới tươi sáng, tốt đẹp hơn. Tôi lôi ra playlist được đặt tên “Xmas” trên ứng dụng nghe nhạc “Nhạc Của Tui” cài đặt trên điện thoại của mình và kết nối với chiếc loa công suất lớn. Những âm thanh vui vẻ, rộn ràng cũng là những lời chúc tốt lành vang lên khắp gian phòng khách đang lập loè ánh đèn chớp nháy của cây thông Noel đã được tôi lôi ra chưng từ đầu tháng Mười Một:

“We wish you a merry Christmas

We wish you a merry Christmas

We wish you a merry Christmas

And a happy new year…”

VL – Giáng sinh 2024