Càng cua là loại rau đặc biệt sạch, mọc bằng cách phát tán tự nhiên. Vào mùa khô, những hạt càng cua ngủ yên trong đất, đến mùa mưa rau lên xanh lúc nào không hay. Trông đám rau mảnh mai, yếu mềm nhưng là loại rau có sức sống mãnh liệt, hạt dễ phân tán đi xa, gặp điều kiện sống thích hợp, cây lên nhanh và lan rộng. Có phải vì vậy mà dân gian gọi tên nó là càng cua (mạnh mẽ) chăng? Hồi nhỏ, mỗi khi ngồi nhổ rau càng cua tôi hay nghĩ lẩn thẩn như thế, con cua có hai cái càng, nó mà kẹp trúng ngón tay thì chỉ có khóc vì đau!

Ở nhà quê càng cua mọc khắp nơi, bờ mương, gốc cây, khe vách tường, chân tường, trên đá… chỉ cần lớp đất thật mỏng là càng cua sống được. Vào mùa mưa, rau càng cua lên nhanh, thân to mập, mọng nước; càng cua có quanh năm, mùa nắng thân cây nhỏ, ít mọng nước hơn.

Hồi xưa hàng chậu kiểng trên sân thượng nhà tôi lúc nào cũng có rau càng cua mà tôi không hiểu nó từ đâu bay đến rồi mọc lên, chỉ cần siêng tưới là rau tươi xanh, mơn mởn, vài ngày lại có dĩa rau càng cua ăn sống hay làm gỏi. Loại rau trời cho này, biết cách chăm sóc sẽ có ăn quanh năm. Nhiều lúc đám càng cua lên xanh quá mà ăn không kịp hay vì ngán, tôi phải nhổ bỏ. Có bà cụ hàng xóm (nhà phố san sát, sân thượng hai nhà ngang bằng nhau, bên này ngó qua bên kia được) thấy tôi nhổ rau càng cua bà lại xin. Bên này đưa bị rau qua bên kia, tôi hay lẩm nhẩm trong đầu: “Nhà bà ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái chậu càng cua xanh dờn..”.

Mỗi khi nhổ rau tôi giũ cho đất và hạt rớt xuống, độ khoảng tuần đã thấy cây con lúp xúp.

Nếu ngày trước rau càng cua thường có mặt trong các bữa cơm gia đình thì ngày nay, rau càng cua đã được các nhà hàng chế biến thành nhiều món ngon. Tuy mọc tự nhiên, có người còn kêu là rau dại, nhưng rau càng cua không hề rẻ so với các loại rau sống khác. Thỉnh thoảng ra chợ, tôi thấy có bà cụ ngồi bán mớ rau càng cua, bị ớt xiêm, bên cạnh để cái giỏ nhựa, thấy thương thương làm sao!

Xem thêm:   Tiếng hát Như Thủy & chương trình “Tiếng Hát Đôi Mươi”

Theo đông y, rau càng cua ăn nên thuốc, có tính mát. Ngày xưa còn bé tôi không biết tính dược liệu của càng cua thế nào, nhưng mỗi khi bị té trầy xước tay chân, điều làm trước tiên của bọn con nít là tìm rau càng cua, bóp nát rồi xoa nhẹ vào vết thương. Có hơi rát một chút do chất chua trong rau nhưng sau đó dịu dần rồi một lát hết đau. Khi ấy tôi càng không biết rau càng cua có tính kháng khuẩn vết thương, chỉ nhớ sau đó về nhà đi đứng thẳng thớm, cái nhìn “soi mói” của má không thể nào biết được đứa con vừa bị té ngã lấm lem trầy trụa tay chân.

Dầu giấm làm nên thương hiệu cho rau càng cua!

Nói đến rau càng cua người ta nghĩ ngay đến món thịt bò trộn dầu giấm. Có nhiều cách làm món dầu giấm này. Thịt bò ướp gia vị vừa ăn. Rau càng cua rửa sạch để thật ráo nước. Sắp rau ra đĩa. Cho dầu vào chảo, phi hành thật thơm sau đó bỏ thịt bò vào đảo nhanh, xong trút ra san đều trên mặt đĩa rau. Giấm hòa với bột nêm, ít đường, tỏi bằm nhuyễn (có thể cho thêm chút tương ớt), yêu cầu nước giấm phải có vị chua, ngọt vừa ăn. Nước tiết ra từ thịt bò và dầu giấm sẽ làm cho rau thấm gia vị. Món này dùng ngay sau khi chế biến mới ngon.

Xem thêm:   1001 kiểu ăn quỵt của khách nails

Cầu kỳ hơn, để trang trí cho món dầu giấm có hình thức hấp dẫn, tôi xếp lên mặt ít lát cà chua và trứng vịt luộc cắt múi cau. Lúc này dĩa rau càng cua là một bức tranh với các màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, nhìn qua biết nhiều chất bổ dưỡng, kích thích các giác quan, chưa ăn đã thấy ngon!

Cho đủ lệ bộ tôi thêm ít hành phi, đậu phọng rang lên mặt, tạo kiểu ngon khác nữa – vị hơi chua (mát lạnh) của càng cua được tô đậm thêm bởi cà chua và giấm, chút cay nhẹ của tương ớt, vị đậm đà của thịt bò, thanh tao của trứng luộc và thơm thơm bùi bùi của đậu phọng. Quá hấp dẫn!

Đơn giản, dầu giấm và trứng vịt thôi cũng làm nên món càng cua ngon tuyệt vời! Ăn mát miệng, đủ dinh dưỡng. Hay, có thể thay trứng vịt bằng đậu phụ cắt miếng nhỏ chiên giòn, làm thành món chay hấp dẫn!

Rau càng cua với thịt ếch cũng ngon. Phi hành tỏi cho thơm rồi xào chín ếch, bắc xuống cho rau càng cua vào trộn đều. Có thể cho ít bột mì tinh hay bột năng vào nước giấm rồi pha chế gia vị nấu lên để thành nước ‘sốt’. Có người chế nước ‘sốt’ vào rau, có người dùng chấm! Đây là khúc biến tấu của món xào nhanh. Ngon và bổ. Cũng có thể chế biến rau càng cua với cua, tôm, cá…. Thứ nào cũng ngon!

Rau càng cua làm được nhiều món

Với món gỏi, rau càng cua rửa sạch, để ráo nước. Giấm hòa với gia vị sao cho dịu rồi bóp (thật nhẹ) với rau càng cua. Hành phi trộn với tôm khô, da heo luộc xắt mỏng, đậu phọng rang cho vào rau càng cua, nêm nếm gia vị vừa ăn. Các vị mặn, ngọt, chua, lẫn trạng thái giòn giòn (càng cua) dai dai (da heo, tôm khô) làm thành món gỏi ngon đặc biệt!

Xem thêm:   Mình sẽ đi Mỹ

Có nhiều cách chế biến gỏi rau càng cua tùy theo ý thích của mỗi gia đình. Với thịt bò, thịt gà, thịt heo luộc, tôm, tàu hủ ky (món chay)…

Rau càng cua trộn chung với các loại rau khác như rau sam, rau thơm… ăn sống chấm với nước cá kho hay thịt kho. Chính trạng thái giòn nhẹ và vị chua chua của càng cua khi chấm với nước kho mặn sẽ tạo cảm giác ngon miệng và rất đưa cơm. Hay, dùng nhúng nhanh vào món lẩu cũng tuyệt vời. Người miền Nam thích ăn rau càng cua với lẩu mắm.

Canh rau càng cua nấu với thịt băm cũng là món ngon, dễ ăn, lành tính.

Rau càng cua trộn với thịt, tôm luộc cuốn bánh tráng, chấm nước mắm ớt tỏi ăn cũng ngon lắm, lại mát miệng.

Hồi nhỏ, tối học bài đói bụng, muốn ăn gói mì tôm, tôi lại lên sân thượng hái nhúm rau càng cua, rửa sạch bỏ vào tô mì chế nước sôi vào, tưởng không có gì ngon hơn. Bây giờ tôi vẫn thường thấy trên facebook nhiều bạn bè post hình tô mì gói có rau càng cua và thêm mấy con mực, trông thấy thèm, nuốt nước miếng!

Tuy là loại rau hương đồng cỏ nội và không phải ai cũng ăn được hay thích ăn rau càng cua, nhưng giờ đây rau càng cua đã có mặt trong các nhà hàng với những món ăn nghe tên rất gợi thèm; còn nữa, rau càng cua mà chấm với nước cá kho nghe quê mùa nhưng xào với thịt bò thì thành món trong thực đơn nhà hàng, giá không rẻ – “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. (*)

Và bất cứ thứ gì cũng vậy, ngoài tính bổ dưỡng, rau càng cua còn kiêng kỵ trong một số bệnh, tất nhiên, ăn nhiều đã chưa hẳn là tốt!

ĐTTT

(*) Bài thơ “Chân Quê” của Nguyễn Bính.