LỜI GIỚi THIỆU: Nhà văn Trần Hoài Thư, tức Trần Quý Sách vừa ra đi, chỉ cách sau vợ là chị Nguyễn Ngọc Yến đúng một tháng. Anh Thư và chị Yến ra đi để lại nhiều thương tiếc. Thư xuất thân từ nghề giáo và nghiệp văn, anh cũng là người lính thám báo kiên cường. Nghĩ tới Trần Hoài Thư là nghĩ tới cuộc chiến VN, nghĩ tới người con gái Cần Thơ là chị Yến đã đồng hành với chồng trọn đời, nghĩ tới một công trình văn học đồ sộ do Thư phục hồi từ di sản sách báo của Miền Nam, gồm  trên 100 tác phẩm mang nhãn hiệu Thư Quán Bản Thảo. Nhà văn Trần Lý Lê cũng là người yêu quý anh chị Thư-Yến và đã ghi lại cảm nghĩ của mình trong bài viết sau đây. Xin trân trọng giới thiệu với bạn bè.

 NGUYỄN

Có lần được thong thả, Dế Mèn lần theo dấu một bài viết về chiến tranh Việt Nam trên liên mạng. Những dòng chữ dường như vẫn còn âm ỉ lửa cháy, phảng phất mùi khói từ một chiến trường nghìn dặm xa. Người viết kể lại những mất mát tang thương của cuộc chiến từ nửa thế kỷ đã cũ. Ông ấy nhìn ngắm mà nhớ bạn bè, tiếc tuổi trẻ bị tiêu xài cho chiến tranh. Thơ, truyện, bài viết. Bi tráng nhưng không ủy mị.

Bài viết ấy dẫn đến trang nhà riêng của tác giả và Dế Mèn bắt đầu làm quen với những bài viết, những cuốn sách khác. Tác giả viết về cuộc hành trình từ quê nhà sang đất mới. Đi lại từ đầu, chiến đấu với sách vở để làm công việc mới. Từ bảng đen phấn trắng, rồi áo trận giày sô và sau cùng, ngành điện toán. Đi dạy, đi lính rồi đi làm. “Cổ trắng”, cổ xanh cây lá và lại “cổ trắng”. Những bài viết về khung gian chung quanh, Dế Mèn nhận ra vài con đường mình cũng đã từng đi qua ở vùng Đông Bắc ấy. Những con nai dạn dĩ kiếm ăn sát bên con người, đói khát quá nên đành xông pha băng ngang đường trong mùa tuyết giá rồi gặp nạn. Dế Mèn nhận ra cảm giác áy náy thương cảm kia.
Những cuốn sách được mượn lại để chụp phó bản từ thư viện trong các khuôn viên đại học nổi tiếng. Sách cũ thường được lưu trữ trong mấy tầng hầm của tòa nhà cổ. Cả một thế giới xa cũ tẩm trong mùi ẩm mốc của một thời đã qua. Mùi sách vở ố vàng của thời gian trong tầng hầm xanh tái ánh điện.

Xem thêm:   Ngụy biện

Trang nhà của ông ấy rộng mênh mông, đầy rẫy sách vở.  Những cuốn sách đã tuyệt bản được người yêu văn chương còng lưng đánh máy lại để đem lên  liên mạng chia sẻ với kẻ bàng quan. Chỗ làm việc của thi sĩ nhà văn hẳn chồng chất sách vở, giấy má, những máy móc in ấn, chụp hình…

Trần Hoài Thư qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường

Chao ôi là công phu, phải yêu thương chữ nghĩa lắm mới lặn lội như thế. Yêu như thế nên ông ấy thả vào không gian chữ nghĩa tìm kiếm được, không giữ cho riêng mình.
Người qua đường nhặt được món quà quý giá, ấp ủ trong khoảnh khắc lang thang trên liên mạng; chưa đủ nên tìm mua sách đóng tay của ông ấy. Giở trang giấy giữa hai ngón tay, nhìn ngắm từng khung cửa đời của người viết. Đọc từng trang, đoản văn nào ưng ý thì đánh dấu rồi đọc lại vài ba lần, ngẫm nghĩ xem đã hiểu hết điều tác giả gửi gắm chưa. Văn chương hình như không có giới hạn. Mỗi lần đọc lại, đoạn văn ‘cũ’ vẫn ‘mới’; đoạn văn trước đây bây giờ đọc lại, lại “nảy” ra ý tưởng khác.

Sách cũ rồi sách mới. Đoản văn xưa rồi khúc đương thời kể chuyện khung cửa đang thu hẹp dần. Nhà dưỡng lão của người trăm năm lâm nạn. Món ăn quen thuộc tự tay nấu nướng được ông chồng mang đến bón cho bà vợ liệt giường. Tấm ảnh ông già trắng râu trên xe lăn thăm viếng bà vợ chỉ còn hơi thở. Tấm ảnh ngàn lời thương xót trân trọng. Những yêu thương thủy chung. Người trăm năm và chữ nghĩa.

Xem thêm:   Hát quán nhậu

Mối duyên sách vở mỏng manh ấy vừa tan, sách vở còn đây nhưng người đã về chốn hư vô. Đọc tin ông già râu tóc trắng xóa rời cõi tạm mà ngậm ngùi. Tiếc người tài hoa, chung thủy và rộng lượng. Trần Hoài Thư và Trần Quý Sách là một. Cái tên như người.

Bái biệt ông với lòng quý mến và biết ơn.

TLL