Vụ Bản, Nam Định, nơi chôn nhau cắt rốn của ba mẹ tôi. Vào năm một ngàn chín trăm…hồi đó chỉ là thôn làng nghèo, nhà tranh vách đất, đi quanh co một hồi rồi cũng chạm mặt nhau. Từ làng trên xóm dưới chỉ nối nhau bằng vài con đường mòn, hẹp. Cái ao nhỏ nuôi cá nước đục ngầu trước nhà ba tôi và con đê dài chạy quanh ruộng đồng ngăn giòng nước thượng nguồn chảy xuống. Lũy tre xanh với một miếu nhỏ được coi là mốc của thôn làng

Nhà của mẹ và ba tôi cùng trên con đường mòn chỉ cách nhau vài phút đi bộ. Cả hai chưa kịp liếc mắt đưa tình cũng dễ dàng nên duyên chồng vợ do cha mẹ đôi bên cũng đều là tình làng lối xóm đã hứa hẹn từ lúc nào.

Mẹ tôi, cô gái làng xinh đẹp được đánh giá hoa khôi. Nắng mưa ruộng đồng không làm sao tàn phá nổi làn da trắng mịn.

Mẹ tôi là người phụ nữ cổ xưa thời cụ Khổng sân Trình, dù sinh trưởng có thân phụ là cụ đồ, mẹ tôi vẫn không được đến trường với lý do đàn bà con gái đi học biết chữ chỉ viết thư cho … giai (con trai) đó là điều thời đó vô cùng cấm kỵ. Sau này khi vào miền Nam lập nghiệp, sống ở tỉnh thành, cuộc sống đòi hỏi phải tiếp cận với xã hội, mẹ luôn ấm ức về việc không biết chữ, dù đã lớn tuổi, bà vẫn đòi học. Mẹ bèn mua giấy bút tập vở bắt chị em chúng tôi chỉ dạy cho bà. Trong nhà, tôi là người ham học, luôn quanh quẩn với bài vở sách đèn nên bị bà chiếu cố … quấy rầy nhiều nhất. Mỗi lần thấy tôi ngồi vào bàn học, bà cũng xách tập vở mon men lại gần năn nỉ:

Xem thêm:   Nỗi buồn cho mượn

– Con “dạy” cho mẹ … học với. Chỉ cho mẹ chữ này đánh vần thế nào?

Tôi nhăn mặt:

– Mẹ ơi, mẹ lớn tuổi rồi học làm gì nữa. Có giấy tờ gì đã có chúng con gánh vác giải quyết cho mẹ.

Mẹ năn nỉ:

– Nhưng mẹ muốn biết chữ để thiên hạ khỏi coi thường và ăn hiếp mẹ!

Tôi cười, nhíu mày:

– Chỉ lõm bõm vài chữ thì đâu có gì để được … trọng vọng đâu mẹ!

Bảo Huân

Mẹ sa sầm, nét mặt buồn hiu thấy thật tội nghiệp. Mẹ tiu nghỉu đem bánh trái tiền bạc … hối lộ cho tôi, coi như đóng … học phí, tôi thích chí nhận ngay … dạy sơ cho mẹ vài chữ!

– Xê.. hát.. i.. chi.. sắc.. chí. Tê.. hát.. a.. tha.. a.. nờ.. anh.. huyền thành: Chí Thành. Tê.. ê.. tê.. ên..nờ.. ên..tên. Bê.. ô.. bô.. ên.. nờ.. bôn.. hỏi.. bổn (tôi đánh vần tên bổn hiệu cửa tiệm của ba mẹ)…

Chỉ có vài chữ mà tôi cảm thấy uể oải mệt mỏi. Tôi bỏ ngang, không muốn dạy nữa. Mẹ phải nộp thêm…học phí cho tôi lên tinh thần!

Với thời gian, nhìn cái cách lơ là miễn cưỡng của chị em tôi, nhất là tôi, bà chuyển qua làm phiền mấy đứa cháu nội. Có lúc bà ép, có lúc bà dụ dỗ:

– Nào, các cháu của nội tới đây nào, bà có nhiều kẹo bánh cho các cháu đây.

Các cháu ùa đến, vây quanh bà chầu chực. Thế là trúng kế của bà. Đứa nào ăn bánh kẹo của bà nhiều nhất coi như ăn phải ngải khó mà từ chối yêu cầu của bà, phải ngồi lại chỉ dạy bà học!

Dụ dỗ cỡ đó, nhưng cuối cùng xem ra trong nhà, không ai tha thiết nhận một … học trò dù rất siêng năng, chăm chỉ như bà. Tất cả đều chạy hết. Thế mà không hiểu sao, bà không nản lòng, quyết chí tới cùng, không ai dạy, một mình bà tự học. Hằng ngày thấy bà tội nghiệp cặm cụi ghi ghi chép chép và tự đánh vần, rồi bà cũng viết và đọc được. Mỗi khi viết xong một bài văn, chép ở đâu đó không ai biết được, bà đem khoe với tôi, đưa cho tôi chấm, chỉnh sửa. Nhưng nói không phải tội, nhìn tập vở bà học, tôi không khỏi nhịn cười khi thấy chữ kia đá lên chữ nọ. Các dấu “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng” bà bỏ lung tung chả ra làm sao cả, cứ như râu ông này cắm cằm bà kia. Hàng chữ viết thì lên dốc xuống đèo quanh co uốn lượn tưởng như mình đang đi lạc vào vùng đồi núi! Nhưng thôi, coi như niềm vui của mẹ và cũng cám ơn mẹ truyền cho con cháu, nhất là tôi, cái “gen” chăm học!

Xem thêm:   Ngồng hành xào hải sản

Có điều bà không biết chữ nhưng văn thơ từ đâu, cả tục ngữ ca dao, Lục Vân Tiên của Cụ Nguyễn Đình Chiểu, thơ Kiều Nguyễn Du bà thuộc vanh vách.

Mẹ tôi thế đấy. Hở một chút, mở miệng nói chuyện là bà xổ thơ, đôi khi “xuất khẩu” thành thơ nữa. Không ai biết bà học từ đâu!

Chẳng hạn, để quảng cáo mấy ổ bánh mì tiệm bà sản xuất, bà cười nói với mấy cô dâu sắp lên xe hoa tới đặt bánh mì cho tiệc cưới:

Làm thân con gái mà chẳng biết lo.

Trai bánh Tây không lấy, lấy học trò.

Văn chương chữ nghĩa chất đầy kho.

Không bằng bánh Tây, anh chất đầy lò.

Rồi bà cười nét mặt rất hồn nhiên.

Bà vốn hồn nhiên, hồn nhiên đến độ đôi khi nói lời làm tổn thương người khác mà bà cũng không biết. Nhưng trong bà có lòng nhân hậu hay thương người, rồi từ sự hời hợt bẩm sinh, bà dễ bị thiên hạ lợi dụng phỉnh gạt. Chỉ một vài lời nói nịnh bợ, ngon ngọt là bà trút hết hầu bao. Trong nhà, tôi không biết… nịnh mẹ, trái lại, hay cản ngăn nhắc nhở mẹ, nên tôi thường bị mẹ … ký đầu mỗi khi hai mẹ con trò chuyện với nhau.

Ba tôi thì rất yêu mẹ. Chiều chuộng bà hết mình. Bà mê lên đồng. Cứ mỗi 3 tháng, mẹ tôi tổ chức hầu đồng một lần. Những lần như thế, mẹ sắm sửa quà cáp, đủ thứ linh tinh, bánh kẹo, trái cây hoa quả, đổi nhiều tiền lẻ, để mỗi lần chầu là phát cho người tham dự. Khách mời có khi đến tới ba, bốn chục người.

Xem thêm:   Cám ơn anh

Từ sau năm 1975, cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam, cấm cản mọi sinh hoạt tôn giáo trong đó có hầu đồng, mẹ tôi không được phép hầu đồng nữa, tôi thấy mẹ buồn bã, héo hon như cánh hoa không được tưới nước và sức khỏe mẹ cũng yếu theo … cho đến hơi thở cuối cùng.

Mẹ tôi mất năm bà 96 tuổi. “Sự nghiệp” của bà chỉ vỏn vẹn bằng tốt nghiệp “vỡ lòng” biết đọc, biết viết thôi, tuy nhỏ nhoi, nhưng “gia tài” của mẹ để lại cho con, cháu đối với chúng tôi rất lớn lao và giá trị, chính là ý chí, sự siêng năng cần cù, những yếu tố đó giúp con cháu vững vàng trong cuộc sống.

Qua bài viết này, xin gởi nén hương lòng tưởng nhớ đến “Mẹ Dấu Yêu”!

TTNH