Ta đi giẫm nắng bên đèo

Nghe đau hồn cỏ rũ theo bóng chiều

Thơ của Tuệ Sỹ ngày nào. Bây giờ thì người đã đi trọn cuộc Thiên Lý Độc Hành. Hòa Thượng viên tịch ngày 24 tháng 11 năm 2023.

Thượng toạ, nhà thơ Thích Tuệ Sỹ, tục danh là Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Việt Nam. Quy y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Saigon năm 1964 và Viện Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965; được đặc cách bổ nhiệm giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị cao, như Đại cương về Thiền quán, Triết học về tánh Không (An Tiêm Saigon, 1970). Rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, chữ Pali và chữ Phạn, ngài cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do Hòa Thượng dịch.

Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên Thuỷ và Đại Thừa, đọc và nghiên cứu Tô Đông Pha từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hòa tính thơ: “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng” (Ca Dao Saigon, 1973). Những lúc rảnh ngài chơi dương cầm. Hòa thượng làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập tại Saigon (1973-1975), khi đứng tên trong Ban biên tập tạp chí này. Ngài cũng là chủ bút tạp chí Tư tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Sau năm 1975, Hòa Thượng về lại Nha Trang, đến năm 1977 vào lại Sài Gòn sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam.  Đầu năm 1978 ngài bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1980 thì được trả tự do.

Xem thêm:   Trần Dzạ Lữ

Ngày 1 tháng 4 năm 1984 Thượng Tọa bị bắt cùng với Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tháng 9 năm 1988 ngài và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, Hòa Thượng được trả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ngài cùng với Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi

Ngày 1-4-1984, Thượng toạ Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền CS bắt giữ cùng giáo sư Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 tăng ni, sĩ quan cũ của VNCH, bị kết án âm mưu vũ trang lật đổ chính quyền và trong phiên toà kéo dài nhiều ngày cuối tháng 9-1980, ông bị kết án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát. Do sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam Thượng Tọa tại trại A-20 Phú Yên. Năm 1998 ngài cùng với một số người khác được thả.

Nhà  phê  bình Đặng Tiến nhận định về  thơ Tuệ  Sỹ: “Tuệ Sỹ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, «cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan », câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.

Xem thêm:   Phùng Cung

Cố thi sĩ Bùi Giáng đã nhận xét về bài thơ “Không đề” (sau in vào thi tập đổi lại tựa “Khung trời cũ”) của Tuệ Sỹ: “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới Siêu thực Tây phương.” (trích “Đi vào cõi thơ” của Bùi Giáng).

Thầy Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều, nhưng chỉ lưu lại bản thảo mà thôi.Về thơ Tuệ Sỹ, Nguyễn cũng chưa được đọc một tập nào, chỉ loáng thoáng đâu đó vài câu vài đoạn, đặc biệt là trong tập sách Thầy viết về thơ và từ của Tô Đông Pha. Chỉ bấy nhiêu thôi mà đã thấy thơ thầy chứa đựng cả một không gian của cảm xúc và suy tư.

Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ giờ này đã ở cùng mây trắng. Nghĩ đến ngài lòng không khỏi buồn thương nhớ tiếc. Xin mời đọc lại thơ ngài. SAO KHUÊ

1.

Ta về một cõi tâm không

Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn

Còn yêu một thuở đi hoang

Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya

 

2.

Ta đi giẫm nắng bên đèo

Nghe đau hồn cỏ rũ theo bóng chiều

Nguyên sơ là dáng yêu kiều

Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ

Còn đây góc núi trơ vơ

Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao

 

3.

Bên đèo khuất miễu cô hồn

Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng

Cây già bóng tối bò lan

Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao

 

4.

Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn

Bóng người cô độc giẫm hoàng hôn

Bởi ta hồn đá phơi màu nắng

Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn

 

Xem thêm:   Huy Tưởng

5.

Từ thuở hồng hoang ta ở đâu

Quanh ta cây lá đã thay màu

Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở

Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau

 

6.

Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông

Rừng, mây, xanh, ngất tạnh, vô cùng,

Từ ta trải áo đường mưa bụi

Tưởng thấy tiền thân trên bến không

 

7.

Khi về ngả nón chào nhau

Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ

Trầm luân từ buổi ban sơ

Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường

 

8.

Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ

Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng nghiêng trời

Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ

Rủ nhau đi cũng tận cõi luân hồi

Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa

Ngang qua đây ma quỷ khác thành bầy

Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ

Giẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu

Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi

Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu

Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

 

9.

Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng

Ta về phố thị bởi tình chung

Trao đời hương nhụy phơi hồn đá

Thăm thẳm mù khơi sương mấy từng

 

10.

Một thời thân đá cuội

Nắng chảy dọc theo suối

Cọng lau già trầm ngâm

Hỏi người bao nhiêu tuổi

 

11.

Bước đi nghe cỏ động

Đi mãi thành tâm không

Hun hút rừng như mộng

Chập chùng mây khói trông

 

12.

Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày

Mù trong dư ảnh lá rừng bay

Dõi theo lối cũ bên triền đá

Sao vẫn còn in dấu lạc loài

 

13.

Khi về anh nhớ cài quai nón

Mưa lạnh đèo cao không cõi người