“Bạn không nên sợ hãi cái chết, bởi bạn không biết cái chết ra sao. Cái chết không phải là thứ xảy đến với bạn. Vì khi nó đến bạn đã không còn tồn tại nữa.” – Epicurus

Người đi, đèn tắt… – Nguồn: thanhnien.vn
Nghe thì thấy đúng, nhưng khó mà tòng theo vì tại tôi chưa chết bao giờ nên cũng không biết cái chết ra sao, không biết về nó mà dạo này “gặp” nó hơi nhiều đâm ra sợ. Từ hồi COVID-19 ra đi, nhiều người bạn của tôi cũng ra đi theo (không vì COVID-19) khi họ còn quá trẻ, cùng nguyên do “đột tử”: Anh Phú – đang cho con ăn sáng, đột quỵ. Anh Hồng – đang nhậu với bạn bè, đột quỵ. Anh Thích – đang đi du lịch vui ơi là vui, đột quỵ… Cả những người không quen: ngày khai giảng năm học mới đây thôi (5-9-2023), trưa giở báo ra đọc được tin thầy Hiệu trưởng của Trường Trung học ở Ðồng Tháp đột quỵ ngay lúc đang đọc diễn văn khai giảng năm học mới. Chiều mở mạng xã hội ra, thấy một người bạn thân quý của tôi kể chuyện một vị khách đi ăn trưa, và…
“Hồi gần trưa này, ngồi uống cafe vỉa hè với hai anh bạn. Ðang vui chuyện thì quán cơm bên kia đường nhốn nháo, cô chủ quán cafe chạy vào hỏi có biết số điện thoại ai hay cách gì giúp người đột quỵ không.
Anh bạn và mình đi qua. Một người khách trẻ, nhìn dáng khỏe mạnh, ăn cơm trưa sớm, đang ăn bỗng ngã gục xuống đó. Cơn đột quỵ đúng như tên, đến đột ngột để đánh gục một người.
Mấy anh bảo vệ và tài xế gần đó, đang tìm cách sơ cứu cho nạn nhân. Anh thì ấn ngực, anh thì lo đi tìm kim chích máu đầu ngón tay. Mình thấy anh đi tìm kim thì cản, “đừng anh, đừng chích máu, nặn chanh gì hết, mình cố gắng để họ thở được, có nhịp tim, chờ đội cấp cứu chuyên nghiệp đến”. Anh bạn mình nâng đầu nạn nhân, mở miệng, thổi hơi, anh bảo vệ thay phiên ép tim. Nạn nhân được ép một ít thức ăn ra khỏi cổ.
Trong khi chờ đội cấp cứu tới, cô hàng cơm bấm điện thoại của nạn nhân, gọi cho số “Baxa” (bà xã). Người nhận điện thoại còn không tin được, chắc cô ấy tưởng một trò lừa nào, sáng nay rời khỏi nhà, anh ấy còn khỏe thế mà. Ðến cuộc gọi thứ hai, cô ấy cuống quýt nói xin mọi người giúp đỡ anh, cô ấy tới ngay.

Sài Gòn dễ thương – thật buồn khi nghe nói rằng người thanh niên này cũng không qua khỏi… – Nguồn: Thuan Vuong Tran
Rồi xe cấp cứu tới, đội hoạt động chuyên nghiệp, họ làm mọi cách để lấy lại sinh hiệu cho nạn nhân, suốt cả 20 phút. Thật may, đội cấp cứu cũng làm đúng những động tác mà anh bạn tôi đã làm. Ðội cấp cứu nói chúng tôi đã làm đúng, chích máu hay nặn chanh không có ý nghĩa gì khi nạn nhân không thở.
Ðội đưa nạn nhân lên xe di chuyển, sinh hiệu còn rất yếu. Tôi cũng không biết làm sao, tôi nhìn chiếc xe cấp cứu rời đi và mong điều may mắn cho anh ấy, cho “Baxa” của anh ấy, cho người thân của anh ấy.
Con người mong manh đến thế, mưu toan, chạy vạy chi cho nhiều. Chỉ ngồi thở, thở dưới những tán cây, cũng đủ đầy rồi mà, phải không?” – Thuan Vuong Tran
Cũng có lúc, tôi từng muốn từ bỏ cuộc sống mà quên cả sợ chết, nhưng nhờ những lần nhìn những cái chết đi ngang qua đời mình một cách đột ngột như vậy, tôi có dịp nhìn lại những lần mình may mắn “sống lại” sau những lần nghĩ quẩn. Tôi nhận ra, hạnh phúc đôi khi đơn giản là còn sống, vì còn thở có thể còn gỡ, con người ta có thể “sống lại” nhiều lần trong đời, nhưng chết chỉ một lần. Lần đầu tôi thấy mình “sống lại” là khi tôi trải qua công việc đầu đời, toàn nước mắt uất ức như con gà non ngông nghênh mổ vỏ trứng để trồi đầu ra “say hello” với thế giới và bị mắc cơn mưa tầm tã. Lần thứ hai tôi thấy mình “sống lại” là khi tôi vượt qua biến cố bản thân, từ bỏ một tôi cũ, bước tiếp con đường mới với bước chân tập cân bằng trên đôi guốc cao gót. Lần thứ 3 tôi thấy mình “sống lại” là lúc tôi thấy mình đi chân không cũng vui, không phải cứ khệnh khạng đôi guốc cao là trưởng thành… Lần thứ 4 tôi thấy mình “sống lại” là lúc tôi nhận ra mình biết cách viết ra suy nghĩ của mình và có người muốn đọc nó… Nếu tôi chọn chết ở 3 lần trước, thì giờ tôi đâu ngồi đây biên mấy dòng chữ này…
Nhờ có người đọc, tôi càng thích viết, cũng thích đọc. Tôi thích nhất là đọc về những cảm nhận cá nhân của người khác rồi tự suy diễn theo góc nhìn của mình, rồi tự thấy vui chứ không phán xét gì ai. Như hôm rồi, vô tình tôi đọc được tâm sự của hai người bạn Facebook về thứ khiến họ ghi nhớ về Sài Gòn, họ không hề quen biết nhau, một người gốc miền Tây làm ngành ngân hàng, một người gốc miền Trung làm ngành xây dựng (Tôi xin giữ nguyên văn):

Cái chết không đáng sợ bằng cái tin này – Nguồn: tuoitre.vn
“Nguyen Thanh Quang – Ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn.
Lần đầu tiên tôi đặt chưn đến Sài Gòn là vào một đêm mùa hè không trăng, không sao, tối như đêm của chị Dậu cách đây gần 26 năm. Trước đó tôi là một thanh niên tam nông (nông nghiệp nông thôn nông dân), ngoài thời gian làm ruộng và đến lớp học ít chữ nghĩa thì tôi còn luyện phim xã hội đen Hồng Kông.
Phim Hồng Kông hay có cảnh các toà nhà với cái thang máy lộ thiên. Với một thanh niên tam nông suốt ngày chỉ thấy cặc bần đu đưa trong gió hay lục bình trôi tím ngắt cả một dòng sông như tôi thì hình ảnh cái thang máy đó quả là ấn tượng, tôi ước một ngày nhìn thấy được nó ở ngoài đời thực.
Cầu được ước thấy, sáng hôm sau của cái đêm mùa hè tôi kể ở trên, bằng một cách thần kỳ nào đó mà tôi đạp xe đi lạc từ nhà trọ bên hông trường Hồng Bàng ở quận 5 qua tới đường Trần Hưng Ðạo ở quận 1 và gặp được cái thang máy lộ thiên trong mơ, lộn, trong phim.
Tôi đã đứng đó cả ngày chỉ để ngước nhìn cái thang chạy lên chạy xuống. Rồi tôi lại ước mơ, không, đặt mục tiêu nỗ lực để được bước vào đó một lần (xưa chỗ nầy rất sang trọng).
Ðó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn.
Vậy ấn tượng đầu tiên của bạn về Sài Gòn là gì?”
“Nguyễn Xuân Khánh – Ấn tượng Sài Gòn xưa và nay:
*Chuyện xưa: Năm 1995 mình được ba dẫn vào Sài Gòn thi Ðại học Bách khoa, thực ra thi là vì đam mê và cũng vì thích được đi Sài Gòn, chứ thời điểm ấy ba má rất khổ, anh Hai đang học Bách khoa Ðà Nẵng thì làm sao còn sức nuôi mình học trong này. Hồi đó vé xe đò vào Sài Gòn chỉ 30 ngàn một người. Ðến bến xe Miền Ðông, ba thuê xe ôm chở 2 ba con về Âu Cơ, xe ôm đòi 20 ngàn, ba đồng ý. Ðến nơi khoảng 3h30 sáng xe ôm đòi 40 ngàn, nói 2 người mỗi người 20 ngàn, ba không chịu, 2 thằng xe ôm đánh ba, cuối cùng cũng phải trả tiền, thương ba quá.
*Chuyện bây giờ: Sáng nay mình và con lại vào Sài Gòn, lần này thì đưa con vào học Ðại học. Xuống ga Sài Gòn lấy xe máy, dắt xe ra cổng thấy bà cụ rất già bán xăng (do xe máy lên tàu phải hút hết xăng). Cụ có can xăng 7 lít bằng bình nước khoáng, đong vào chai nhựa 1 lít đổ cho 5 xe vẫn còn ít trong bình, mình chờ chưa tới lượt. Xong mấy xe trước hỏi trả tiền, cụ đòi mỗi xe 2 lít – 60k. Mọi người ai cũng phản đối sao đổ có 1 lít mà đòi tiền những 2 lít, rồi thì ai cũng phải trả 2 lít.
Tự dưng thấy thật buồn.”

Cái thang máy lộ thiên hằng mơ ước của người bạn tôi – Nguồn: Nguyen Thanh Quang
Về cảm nhận, quê ai người đó yêu. Cái cầu thang kia càng cũ thì tôi càng yêu, vì từ ban đầu tôi đã không yêu vì nó hoa lệ. Sự lừa gạt ở bến xe, ga xe lửa kia, tôi không yêu nổi, nhưng tôi chấp nhận, tôi học được rằng Sài Gòn dầu có một mặt cằn cỗi, thối nát thì cũng có một mặt màu mỡ riêng, đang chờ thế hệ sau ươm mầm và thu hoạch – như con anh Quang, con anh Khánh. Tôi biết những điều này là nhờ tôi còn… sống.
Có vẻ như ở Phương Tây người ta vui và thoải mái khi nhắc tới cái chết hơn. Cùng là ngày ma quỷ nhưng Halloween là đi chơi, phát kẹo hoặc tiệc tùng hóa trang còn ngày rằm tháng 7 ở Á Ðông là kiêng kỵ hoặc cúng kiến (Việt Nam có món cúng cô hồn – ban đầu giựt giành miếng bánh, tiền lẻ cho vui, sau này không hiểu sao thành trò cướp giật, có người ôm mâm chạy khi gia chủ chưa thắp nhang, đánh nhau giành mâm cúng…) Cùng là tưởng nhớ người thân đã mất nhưng ngày lễ Vu Lan của người Việt trầm lặng, rưng rưng còn Lễ hội Người chết (Día de Muertos) của người Mễ thì sặc sỡ, vui nhộn… Lạc quan và vô tư cũng là một dạng trang sức mắc mỏ, khó có ai sở hữu, đôi khi phải nhờ một chút may mắn trong đời. Như tôi được sanh ra rồi lớn lên ở Sài Gòn mấy chục năm, tôi luôn ganh tỵ với sự hào phóng, vô tư, tự nhiên của mấy cô bạn sanh ra ở Mỹ. Vậy mà chỉ qua vài giây quay lại câu trả lời của cụ bà Nguyễn Thị Sang (sanh 1945), người gắn bó với gánh bún riêu ở Chợ Phú Nhuận (Sài Gòn) từ 1957 tới cuối đời (2020) lại giữ được vẻ vô tư, hào phóng rất thiếu nữ, tôi đã ganh tỵ gấp ngàn lần. Sao bà vẫn có thể vô tư như vậy?
“Bán xong mệt mỏi về nhà tắm rửa, ăn cơm. Rồi đi ngủ. Sáng mai bán tiếp. Không có buồn lo gì hết.”
“Thì công an nó rượt thì mình phải chạy thôi, công việc của nó mà.
– Người ta cũng vì miếng cơm manh áo, mình cũng vì miếng cơm manh áo, tôn trọng người ta dzậy thôi!
– Cãi vã làm cái gì, cứ dzui dzẻ mà chạy!”

Dì Sang bán bún riêu hơn 60 năm – Nguồn: afamily.vn
DU
Bà Tám ở Sài Gòn