Lời giới thiệu: Angie Hồ Quang đến Hoa Kỳ năm 1984 theo diện tị nạn, bà quyết định chọn con đường phục vụ đồng hương. Khởi đầu, bà là Giám đốc cơ quan tìm việc làm cho người Việt. Năm 1991, bà làm cho sở An Sinh Xã Hội đến 2020. Bà thường xuyên cộng tác với báo chí, các trang web, các đài phát thanh và truyền hình nhằm hướng dẫn đồng hương trong các luật lệ và các chương trình ASXH. Trẻ hân hạnh được sự cộng tác của bà, và độc giả ở khắp nơi có thể viết thư gởi qua bưu điện hoặc email nhờ bà Angie Hồ Quang giúp đỡ các vấn đề về An sinh Xã hội. Thư từ xin gởi về: Mục “An Sinh Xã Hội”
3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044 hoặc Email: bientap@trenews.net
Hỏi
Kính gửi Bà Hồ Quang.
Đầu thư kính chúc Bà và gia đình được mạnh khỏe. Hôm nay tôi có vài câu hỏi xin Bà vui lòng giải đáp giùm
– Tháng 11 này tôi được 62t, nếu tôi không về hưu non mà đợi tới 63-64-65 tuổi tôi nghỉ hưu có được không hay là bắt buộc tới 67t
– Nếu được mỗi năm tiếp theo tiền hưu (so với hưu non) có tăng thêm không?
– Vợ tôi nhỏ hơn tôi 1 tuổi không có đi làm (vì bịnh và không xin gì với Chánh phủ) có khai thuế chung, như vậy phải sang năm mới xin tiền hưu chung với tôi có phải không?
Thí dụ tiền hưu của tôi lãnh là $1,000 có vợ kèm theo thì tôi được $500 còn vợ tôi $500 có phải không?
– Nếu tôi chết bất ngờ, vợ tôi đúng 62t lấy tín chỉ của tôi để lãnh tiền hưu có được không?
Xin Bà vui lòng giải đáp giùm tôi, cám ơn Bà nhiều. Một lần nữa chúc gia đình Bà Bình An.
Kính
Trả lời
Hai yếu tố quan trọng để được hưởng quyền lợi hưu bổng An sinh xã hội là phải có tối thiểu 40 tín chỉ ASXH và tuổi tác. Bắt đầu ở độ tuổi sớm nhất là 62 tuổi, người làm việc đã có thể bắt đầu nạp đơn xin hưu bổng. Về hưu ở tuổi 62 được gọi là hưu non. Kế đến là tuổi hưu toàn phần. Tuổi hưu toàn phần dựa trên năm sanh của mỗi người.
Người sanh năm 1957: 66 tuổi và 6 tháng
năm 1958: 66 tuổi và 8 tháng
năm 1959: 66 tuổi và 10 tháng
từ năm 1960 trở đi tuổi hưu toàn phần sẽ là 67 tuổi.
Lãnh tiền hưu ở độ tuổi toàn phần sẽ được nhận 100% tiền hưu nhưng nếu lãnh hưu non chỉ nhận được 70% thôi. Thế 100% hay 70% là gì? Ðó là con số mà cơ quan ASXH áp dụng công thức như sau để tính toán tiền hưu của từng người.
Thu nhập hằng năm của người đi làm sẽ được lưu giữ trên số ASXH của mình. Nếu đi làm và nhận được mẫu W2 thì hằng năm cơ quan hay công ty mình làm việc gửi báo cáo về sở ASXH. Nếu là người khai thuế bằng mẫu 1099 thì Sở Thuế vụ sẽ chuyển hồ sơ thu nhập này đến sở ASXH.
Tính toán số tiền hưu của mọi người dựa trên chiều dài cũng như mức đóng góp vào quỹ ASXH. Trong suốt cuộc đời làm việc có đóng thuế ASXH thì khi về hưu, cơ quan này sẽ dùng 35 năm có mức thu nhập cao nhất để cộng lại và chia đều cho 420 (420 là 12 tháng nhân cho 35 năm). Sau đó với mức quân bình này, sở ASXH sẽ áp dụng bài toán 3 bước để xác định mức hưu của mỗi người.
Ông có thể nạp đơn xin hưu bổng bất cứ lúc nào sau khi ông đạt được tuổi 62. Nạp đơn càng trễ tiền hưu càng cao. Ðợi đến 67 tuổi sẽ được hưởng 100%, nhưng chờ được đến 70 tuổi thì cứ mỗi năm ghi danh trễ ông sẽ được hưởng thêm 8% trên số hưu có được ở độ tuổi hưu toàn phần.
Thí dụ ở tuổi 67 ông nhận tiền hưu toàn phần là 1,000 đô la, nếu cho đến 70 tuổi mới xin thì khi ấy ông sẽ nhận được $1,240.00 một tháng.
Bà nhà không có đi làm, sau khi ông bắt đầu nhận tiền hưu thì bà xin quyền lợi ăn theo của người phối ngẫu ở độ tuổi sớm nhất là 62 tuổi. Khi ăn theo ở tuổi 62 thì bà chỉ nhận được 30% trên hồ sơ hưu của ông mà thôi.
Trở lại với thí dụ số tiền hưu của ông là $1,000.00, người vợ của ông xin ăn theo, ông vẫn giữ nguyên số $1,000 đó và chính phủ sẽ cấp cho bà 30% trên $1,000.00 là $333.33. Lúc ấy tổng số tiền hưu của hai ông bà là $1,333.33.
Không may ông về đoàn tụ tổ tiên, bà nhà sẽ được hưởng quyền lợi tồn sinh trên hồ sơ làm việc của ông. Ðược hưởng bao nhiêu trên hồ sơ của ông tùy thuộc vào độ tuổi của bà khi ông ra đi. Ông vĩnh viễn chia tay khi bà được 60 tuổi, bà sẽ nhận 71.5% nhưng trong trường hợp ông mất lúc bà được 67 tuổi thì sẽ được nhận 100% số tiền hưu của ông.
AHQ