Chiến tranh Ukraine – cuộc xung đột vũ trang cường độ cao là sự kết hợp giữa kỹ thuật tân tiến với mức độ chết chóc ở quy mô lớn – sẽ định hình quan điểm về chiến tranh trong nhiều thập niên tới. Kỹ thuật đang làm thay đổi những gì đang diễn ra trên trận địa, từ những tiến bộ trong chiến tranh điện tử đến những căn cứ tiếp liệu hậu phương phi tập trung và sự tham gia trực tiếp của người dân. Có thể nói kỷ nguyên mới của loại chiến tranh kỹ thuật cao đã bắt đầu.

Chiến tranh luôn là bi kịch đối với những dân tộc và quốc gia tham gia. Chiến tranh càng lớn, bi kịch càng tệ hại. Nhưng đồng thời chiến tranh cũng làm thay đổi cách thế giới chuẩn bị cho xung đột trong tương lai, với những hậu quả quan trọng đối với nền an ninh toàn cầu.

Quá khứ và hiện tại

Nhìn lại lịch sử, trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, những quốc gia như Anh, Pháp và Ðức đã đưa quan sát viên đến để nghiên cứu các trận đánh quan trọng như trận Gettysburg. Trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 tại Trung Ðông với chiến thuật dàn trận bằng xe tăng đã khiến Ngũ giác đài đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của quân đội Mỹ từ một lực lượng bị thất bại ở chiến tranh Việt Nam thành một lực lượng đánh bại Iraq năm 1991 chỉ trong ít ngày. Kết quả chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất đó đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định cho tái xây dựng quân đội của họ thành một lực lượng hùng mạnh như ngày nay, ít ra là trên giấy tờ.

Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến tranh lớn nhất ở Châu Âu kể từ năm 1945. Nó phá vỡ mọi ảo tưởng cho rằng các cuộc xung đột thời hiện đại có thể chỉ giới hạn trong các chiến dịch chống nổi dậy hoặc phát triển thành các cuộc đấu đá ít thương vong trong không gian mạng. Thay vì vậy, nó chỉ ra cho thấy một loại chiến tranh mới ở cường độ cao kết hợp giữa kỹ thuật tân tiến với mức độ giết chóc quy mô và số lượng đạn dược tiêu thụ nhanh chưa từng có. Thậm chí nó thu hút luôn cả sự tham gia của người dân thường, của các quốc gia đồng minh và các công ty tư nhân. Một điều chắc chắn là các chế độ độc tài chuyên chế cũng đang nghiên cứu về cuộc chiến này để tìm cách giành lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào sắp tới. Thay vì chần chừ lo ngại trước cảnh chết chóc và hủy diệt, các quốc gia tự do phải nhận thức được rằng chiến tranh giữa các nền kinh tế lớn là một viễn ảnh thực tế không thể tránh khỏi – và do đó họ cũng nên bắt đầu chuẩn bị.

Xem thêm:   Miễn hạnh phúc...

Bài học thứ nhất

Theo một bài phân tích của tờ The Economist, dựa trên những gì đã và đang xảy ra trên chiến địa trong suốt gần một năm rưỡi qua, đã đưa ra ba bài học quan trọng. Bài học đầu tiên là chiến trường nay đang trở nên khá rõ ràng. Những thiết bị như ống nhòm hoặc bản đồ không còn cần thiết nữa mà nay người ta dựa vào các thiết bị cảm ứng toàn diện gắn trên vệ tinh và đội ngũ hàng hàng lớp lớp máy bay không người lái. Rẻ và phổ cập, nhưng chúng thu thập các dữ liệu và sau đó đưa vào các hệ thống thuật toán ngày càng cải tiến để có thể nhặt ra được những thông tin nhỏ nhất nhưng quan trọng: chẳng hạn như tín hiệu điện thoại di động của một tướng lĩnh của Nga, hoặc hình dáng của một chiếc xe tăng được ngụy trang. Thông tin này sau đó có thể được vệ tinh chuyển đến cho một người lính có cấp bậc thấp nhất ở tiền tuyến, hoặc được sử dụng để cho pháo binh và hoả tiễn nhắm vào mục tiêu với độ chính xác và tầm xa chưa từng có.

Với những thông tin có độ chính xác cần thiết có nghĩa là chiến tranh trong tương lai sẽ phải phụ thuộc vào công việc do thám và trinh sát. Ưu tiên hàng đầu là cần phải phát hiện kẻ thù trước khi kẻ thù phát hiện ra mình; gây hoả mù các thiết bị cảm ứng của đối phương, dù đó là máy bay không người lái hay vệ tinh; và phá vỡ các phương tiện gửi dữ liệu của đối phương trên chiến trường, qua cách thức tấn công mạng ảo, sử dụng vũ khí điện tử hay chất nổ theo kiểu cũ. Quân đội sẽ phải phát triển những cách chiến đấu mới, dựa vào tính cơ động, phân tán, bí mật và chiến thuật hư binh. Những tổ chức quân đội lớn không đầu tư vào kỹ thuật mới hoặc không phát triển học thuyết mới sẽ bị áp đảo bởi những tổ chức quân đội nhỏ hơn.

Xem thêm:   Giả bộ thành... tật

Bài học thứ hai

Thậm chí trong thời đại trí tuệ nhân tạo, bài học thứ hai là chiến tranh vẫn có thể liên quan đến một khối lượng nhân sự khổng lồ gồm hàng trăm nghìn người, hàng triệu máy móc và đạn dược. Thương vong và tử vong ở Ukraine rất cao: khả năng nhìn rõ mục tiêu và bắn trúng mục tiêu ở độ chính xác khiến cho con số binh lính thiệt hại tăng vọt. Ðể thích nghi, quân đội đã đào và xây đắp những chiến hào rất kiên cố. Mức độ tiêu thụ đạn dược và thiết bị rất đáng kinh ngạc: Nga đã bắn 10 triệu quả đạn trong vòng một năm. Ukraine mất 10,000 máy bay không người lái mỗi tháng. Ukraine đang yêu cầu đồng minh cung cấp loại bom chùm truyền thống để giúp họ trong chiến dịch phản công hiện nay.

Cuối cùng, kỹ thuật có thể thay đổi cách đáp ứng và duy trì nhu cầu khối lượng nhân sự nói trên. Vào ngày 30 tháng 6, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng liên quân của Hoa Kỳ, đưa ra dự đoán rằng một phần ba lực lượng vũ trang tiên tiến sẽ là kỹ thuật (người máy) robot trong thời gian 10-15 năm tới: nghĩa là một lực lượng không quân không có phi công và xe tăng không có lính lái. Tuy nhiên, quân đội vẫn cần có khả năng chiến đấu trong thập niên này cũng như trong thập niên tiếp theo. Ðiều đó có nghĩa là các kho dự trữ phải được bổ sung đầy đủ để chuẩn bị cho chiến tranh tương lai với tỷ lệ tiêu hao vũ khí rất cao, một ngành kỹ nghệ có khả năng sản xuất vũ khí ở quy mô lớn hơn nhiều so với hiện nay và bảo đảm cho quân đội có nguồn nhân lực trừ bị luôn sẵn sàng.

Bài học thứ ba

Bài học thứ ba – cũng đã được áp dụng trong phần lớn thế kỷ 20 – đó là giới tuyến của một cuộc chiến tranh lớn thường rất rộng và không rõ ràng. Các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq của phương Tây được chiến đấu bởi các đoàn quân chuyên nghiệp nhỏ, mặc dù người dân địa phương nơi đó phải chịu nhiều thiệt hại, nhưng không tạo ra gánh nặng cho người dân ở quê nhà. Tại Ukraine thì khác, người dân thường bị cuốn hút vào cuộc chiến với tư cách là nạn nhân – hơn 9,000 người thiệt mạng – nhưng một số không nhỏ cũng tham gia trực tiếp: một bà già ở thôn quê có thể giúp hướng dẫn hỏa lực pháo binh thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Và bên ngoài phạm vi kỹ nghệ quốc phòng truyền thống, một nhóm các công ty tư nhân mới cũng đã chứng minh cho thấy rất quan trọng. Các nhu liệu sử dụng trên chiến trường của Ukraine được lưu trữ trên các máy chủ của các công ty kỹ thuật lớn ở ngoại quốc. Các công ty Phần Lan cung cấp dữ liệu các mục tiêu quân sự của Nga và hệ thống vệ tinh của các công ty Mỹ phụ trách phần thông tin liên lạc. Một mạng lưới các quốc gia đồng minh, với các mức độ cam kết khác nhau, giúp cung cấp vũ khí cho Ukraine và thực thi các biện pháp trừng phạt và cấm vận thương mại đối với Nga.

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Giới tuyến mới tạo ra vấn đề mới. Sự tham gia ngày càng nhiều của thường dân đặt ra các câu hỏi về mặt pháp lý và đạo đức. Các công ty tư nhân nằm ngoài khu vực xung đột trên thực tế có thể bị tấn công bằng nhiều hình thức: mạng ảo hoặc vũ khí, và các chính phủ sở tại cần phải bảo đảm cho sự an toàn của họ.

Kết luận

Không có cuộc chiến nào giống nhau. Một cuộc chiến giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc có thể xảy ra trên những đỉnh núi cao nhất của thế giới, và có thể bắt đầu bằng gậy gộc như đã từng trước đây. Một cuộc đụng độ Trung-Mỹ về Ðài Loan sẽ được dàn trận với sự tham dự của không quân và hải quân, hoả tiễn tầm xa và hoạt động phá hoại thương mại. Mối đe dọa sử dụng hạt nhân lẫn nhau có lẽ đã được hành xử hạn chế để tránh leo thang ở Ukraine: NATO đã không trực tiếp giao chiến với một kẻ thù có vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa từ phía Nga cho đến nay vẫn chỉ là những lời lẽ ồn ào to tiếng. Nhưng trong cuộc chiến ở Ðài Loan nếu xảy ra, Mỹ và Trung Quốc sẽ muốn tấn công lẫn nhau trong không gian, điều này có thể đưa tới leo thang hạt nhân, đặc biệt trong trường hợp nếu các hệ thống vệ tinh báo động và vệ tinh chỉ huy bị vô hiệu hóa.

VH